Top

Ai “bẻ” giá bất động sản?

Cập nhật 19/06/2014 09:33

Từ đầu năm đến nay, thị trường có dấu hiệu khởi sắc. Thậm chí, một số dự án chỉ chào bán trong thời gian ngắn đã hết hàng. Điều đáng nói, lợi dụng thị trường ấm trở lại, các chủ đầu tư, sàn giao dịch, giới đầu cơ đã dùng chiêu đẩy giá kiếm lời.

Những bàn tay... làm giá

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2014, thị trường BĐS Hà Nội ước tính có khoảng 4.000 giao dịch thàng công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. So với quý I/2013, tổng giá trị tồn kho trên cả nước giảm 45.029 tỷ đồng (trên 35%), trong đó, Hà Nội giảm 36% và TP Hồ Chí Minh giảm 45%. Thanh khoản và giao dịch chủ yếu là căn hộ phân khúc trung bình, giá thấp.

Do sức mua tăng, nên thời gian qua, những căn hộ thuộc diện này nhanh chóng bị giới đầu cơ thâu tóm. Nhận thấy cùng một loại sản phẩm song khi nhóm đầu cơ bán có sự chênh lệch về giá, thậm chí, giá bị đẩy cao, người mua vẫn chấp nhận, các chủ đầu tư, sàn giao dịch, đơn vị phân phối cũng bắt đầu nghĩ chuyện chỉnh giá kiếm lời.

Chung cư CT1, Khu đô thị mới Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính khách hàng đôi khi là yếu tố dẫn đến giá BĐS bị đẩy cao, gây "sốt" thị trường. Do nhu cầu bị dồn nén lâu, thị trường qua giai đoạn trầm lắng, hiện đang ấm trở lại nên mua vội, sợ tuột mất cơ hội mua được sản phẩm như ý. "Giao dịch là do thuận mua vừa bán. Người mua chấp nhận mức giá người bán đưa ra, mới có giao dịch. Vì thế, tình trạng đẩy giá sẽ xuất hiện nếu khách hàng không tỉnh táo" - Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh Trần Như Trung phân tích.

Kiểm soát đầu cơ

Trước những biến động trên, các chuyên gia cho rằng: Thị trường tăng giá, người mua sẽ có hai động thái: Đổ xô đi mua hoặc chững lại, xem xét, nghe ngóng. Trường hợp xấu, khách hàng ngừng quan tâm, chuyển hướng đầu tư. Mặt khác, nếu dự án tăng giá mà không dựa trên việc gia tăng các giá trị cho sản phẩm như cơ sở hạ tầng xã hội, dịch vụ tiện ích, nâng chất lượng sống về lâu dài, khách hàng sẽ khó chấp nhận. Hơn nữa, một khi người mua đã quay lưng thì sản phẩm có kèm bao nhiêu khuyến mại, hỗ trợ cũng khó thu hút lại sự chú ý. Bởi, bất kỳ thời điểm nào, khách hàng chỉ mua khi nhận thấy sản phẩm có giá trị tương ứng giá bán.

"Thị trường hấp thụ tốt, giao dịch tăng mạnh, chủ đầu tư chắc chắn sẽ nghĩ đến chuyện tăng giá. Mặt khác, giới đầu tư thứ cấp cũng không bỏ lỡ cơ hội kiếm lời, dẫn đến giá chênh xuất hiện. Thị trường thiếu minh bạch và người mua phải gánh chịu thiệt thòi. Do đó, ngoài việc bản thân các chủ đầu tư, sàn giao dịch cần làm ăn chân chính, giữ đạo đức nghề, tôn trọng người mua, các cấp quản lý cũng nên xem xét đến cách thức để kiểm soát, điều tiết hiện tượng này. Bản thân khách hàng cũng cần tỉnh táo khi mua nhà, tránh tiếp tay. Có như vậy, nhóm đầu cơ mới không còn đất để phát triển" - cố vấn Cơ quan Nghiên cứu, Phản biện và Xúc tiến đầu tư BĐS (VNRiRE) Nguyễn Viết Hải khuyến cáo.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường có một số dự án như: 102 Trường Chinh giá được công bố 25 triệu đồng/m2, giá thị trường 28 triệu đồng/m2. CT1 Trung Văn giá công bố 21 triệu đồng/m2, giao dịch thực 23 - 24 triệu đồng/m2; 136 Hồ Tùng Mậu giá niêm yết 15,7 - 16 triệu đồng/m2, giá thực mua 17 - 18 triệu đồng/m2.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị