Top

8 giải pháp hạn chế 'nhà không số, phố không tên'

Cập nhật 30/08/2007 11:00

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, ở TP.HCM đã có 3.518 vụ vi phạm xây dựng sai phép, không phép. Trong đó, chỉ có 812 vụ bị xử phạt hành chính (phạt tiền), 231 trường hợp buộc tháo dỡ. Tỷ lệ xử lý chưa đạt 1/3 so với số vụ vi phạm.

Khi những sai phạm bị phát hiện xử lý không xuể, những căn nhà xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên mọc lên ở quận Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi,… như thách thức pháp luật.

Theo phân tích của Sở Xây dựng, sở dĩ tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra và xử lý chưa rốt ráo, ngoài các nguyên nhân mà Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, ông Đỗ Phi Hùng đã trả lời các phóng viên, còn có nguyên nhân như:

Theo Luật Xây dựng, UBND cấp huyện phải quy định cụ thể những điểm dân cư tập trung để giải quyết cấp phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý. Tuy nhiên, tại các huyện ngoại thành, công tác này chưa được thực hiện. Khi người dân có nhu cầu xây dựng, cơ quan cấp phép từ chối giải quyết hồ sơ vì không có cơ sở giải quyết, dẫn đến người dân tự xây dựng không phép, và chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, cán bộ phụ trách đô thị tại một số xã không đủ trình độ để thực thi các thủ tục cấp phép xây dựng, có cán bộ không đủ khả năng đọc bản vẻ, nên không thể cấp phép cho người dân. Đó là chưa kể đến thực trạng thiếu nhân lực, trong khi địa bàn quản lý quá rộng.

Đấy là chưa kể, TP.HCM chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 phủ kín địa bàn thành phố. Trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và số lượng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Phí chuyển mục đích sử dụng đất còn khá cao, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là bộ phận dân cư nội thành bị giải tỏa, người dân ở vùng ven có nhu cầu cho con cái ra ở riêng và dân di cư tự do, đã dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, không phép vẫn tiếp diễn.

Giải pháp

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đã trình lên UBND TP.HCM nhóm 8 giải pháp để cải thiện tình hình.

Trong đó, đề cao việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đất đai, nhà ở và xây dựng, đặc biệt tập trung tại những khu vực còn nhiều đất nông nghiệp.

Trong khi chờ triển khai thành lập Thanh tra Xây dựng ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, theo Nghị quyết 20 (ngày 11/4/2007) của Chính phủ, cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý hoạt động xây dựng, tăng cường và ổn định nhân sự cho các đội, tổ quản lý trật tự đô thị các phường, xã, thị trấn; đồng thời bồi dưỡng kiến thức pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm xây dựng cho cán bộ các đội, tổ quản lý trật tự đô thị.



Cưỡng chế nhà xây dựng trái phép.

Xác định trách nhiệm về công tác quản lý hoạt động xây dựng trên toàn địa bàn thuộc về UBND các phường, xã, thị trấn, để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ đầu; hoặc chuyển lên cấp trên xử lý khi không thuộc thẩm quyền.

Kiên quyết ngăn chặn, tháo dỡ ngay từ đầu các công trình xây dựng trái phép, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; cũng như các trường hợp chống người thi hành công vụ, nếu nghiêm trọng phải xử lý hình sự. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp ngưng cấp điện, nước và các dịch vụ khác cho các hộ sống trong công trình vi phạm.

Đề xuất tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp phép xây dựng và các biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời, để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân.

Phối hợp với lực lượng Công an, rà soát, kiểm tra các khu có tình trạng phân lô bán nền, điểm bán vật liệu trái phép, đầu nậu, tổ chức, cá nhân nhận thầu xây dựng công trình không phép để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nhanh chóng phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể của thành phố cho phù hợp với tình hình phát triển. Lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 tại các quận trung tâm.

Giải pháp đề xuất cuối cùng là đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn thành phố.

Thực tế

Trong khi chờ đợi UBND TP.HCM bổ sung cho hoàn thiện và phê duyệt nhóm giải pháp để áp dụng vào thực tiễn, những căn nhà không số vẫn đang mọc lên ở khắp các quận, huyện ngoại thành.

Thiết nghĩ, một khi, thủ tục cấp phép xây dựng vẫn còn rối rắm; trình độ quản lý, năng lực cấp cơ sở - nơi thừa hành thực hiện các chỉ thị, quyết định – còn thấp, chưa phù hợp với công việc được giao; phí chuyển mục đích sử dụng đất còn cao hơn cả tiền xây dựng một căn nhà; và tính cương quyết trong thực thi pháp luật vẫn còn là khẩu hiệu, thì khi đó, tình trạng “nhà không số, phố không tên” còn lâu mới chấm dứt được!

>> TP.HCM: Rùng rùng xây nhà không số, phố không tên

>> TP.HCM: Phá 'nhà không số', vẫn khó xóa 'phố không tên'?

Theo Phan Công - Vietnamnet