Top

Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục giảm lãi

Cập nhật 27/05/2013 09:38

Trong số 63 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, 80% công ty có lợi nhuận sau thuế thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, có đơn vị giảm tới trên 90%.

Trị giá hàng tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn tăng hơn 26% trong quý I.

Gần cuối tháng 5, 63 trên tổng số 67 doanh nghiệp địa ốc niêm yết tại hai sàn giao dịch Hà Nội và TP HCM công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của tất cả các đơn vị này đạt gần 537 tỷ đồng, giảm hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ khoảng 20% trong số này tăng lãi, còn lại hầu hết có lợi nhuận nhưng giảm hoặc lỗ nặng, theo số liệu của VNDirect.

Điểm mặt các doanh nghiệp gánh lỗ quý I có Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) kém lạc quan nhất, âm 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cùng kỳ năm trước, đơn vị này vẫn lãi 18,6 tỷ đồng.

Lãi cơ bản trên một cổ phiếu KBC theo đó cũng giảm từ 64 đồng xuống âm 183 đồng. Đến ngày 31/3, Đô thị Kinh Bắc có 7.053 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó hai dự án là Khu công nghiệp Đô thị Tràng Cát và Khu công nghiệp Tân Phú Trung chiếm tỷ trọng tới 80%. Tuy vây, Chủ tịch Kinh Bắc - Đặng Thành Tâm vẫn khẳng định năm 2013, doanh nghiệp của ông "chắc chắn có lãi".

Một đơn vị khác cũng gánh lỗ lớn trong quý I là Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Mã CK: VCR), âm hơn 10 tỷ đồng, tệ hơn so với con số âm 2,43 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu 3 tháng đầu năm của công ty chỉ vỏn vẹn một tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay lại tăng đột biến tới 5,6 tỷ đồng trở thành một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp lỗ.

Vẫn có những đơn vị kinh doanh có lãi nhưng tính chung tổng lợi nhuận của họ giảm  hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal, Mã CK: SCR) có lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, giảm 98,5%. Tập đoàn Đại Dương cũng giảm lãi 94%, xuống còn 2,1 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của 2 doanh nghiệp này đều trên nghìn tỷ.

Ngay cả doanh nghiệp thuộc hàng đại gia có vốn điều lệ và trị giá tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, cổ phiếu thuộc nhóm blue-chip như Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) cũng giảm lãi. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ của Vingroup 3 tháng đầu năm đạt gần 265 tỷ đồng, giảm 63% so với quý I/2012.

Tổng trị giá hàng tồn kho toàn ngành địa ốc niêm yết đạt 71.533 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn Vingroup tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu khi còn tồn tới 19.870 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bất động sản để bán đang xây dựng.

Trong suốt 5 năm qua, lĩnh vực bất động sản đã khiến giới đầu tư lao đao khi lợi nhuận sụt giảm liên miên. Tới đầu năm nay, nhiều chuyên gia vẫn còn dè dặt khi nói về tín hiệu khởi sắc cho ngành địa ốc. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trương ra nhiều chính sách hỗ trợ mà mới đây nhất là gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng nhận định gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng ra đời vào thời điểm này là rất đúng lúc. Khi dòng tiền hỗ trợ được ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng sẽ tạo ra cú hích vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà giá rẻ, từ đó lan rộng làm ấm cả thị trường bất động sản, ông Nam phân tích.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) cho biết từ đầu năm tới nay, nhìn chung tình hình kinh doanh lĩnh vực bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hàng tồn kho doanh nghiệp tương đối cao do không bán được, ngoại trừ một số dự án tốt, có chất lượng. Ngoài ra, chỉ một số cổ phiếu của vài doanh nghiệp lớn mới thu hút dòng tiền đầu tư, giao dịch khởi sắc như KDH, ITC, LCG…

Về giá cổ phiếu, theo ông Khánh, quý I vừa qua, thị giá các mã bất động sản đều thấp hơn cùng kỳ năm trước 30-40%. Nguyên nhân chính là nhà đầu tư bị mất lòng tin và không còn quan tâm nhiều dến cổ phiếu địa ốc, ngoại trừ những mã có hệ số rủi ro cao và mang tính đầu cơ như HQC, ITC và ITA.

Ông Khánh cũng đồng tình gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng có tác động tích cực lên thị trường. Tuy nhiên, "phương án này vẫn chỉ giải quyết được phần nhỏ vấn đề do nợ xấu ngân hàng liên quan đến bất động sản hiện lớn hơn rất nhiều, ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Do vậy, việc đưa vào triển khai hoạt động VAMC mới là giải pháp quan trọng nhất", ông Khánh nói.

Cổ phiếu bất động sản cũng có thể hưởng lợi, nhưng chỉ xảy ra đối với những mã có ưu thế đặc biệt trong ngành về vị trí doanh nghiệp, phân khúc khách hàng, thị phần hoặc quỹ đất, ông Khánh phân tích thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress