Từ 1-6 tới, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản chính thức được triển khai. Đây là nguồn tín dụng hỗ trợ được mong chờ nhất thời gian qua, và "món quà” này của Chính phủ đối với thị trường BĐS cũng gây nhiều tranh cãi nhất. Cho đến thời điểm này, tiền đã có, thông tư, chính sách đã ban hành, vấn đề đặt ra là thực thi thế nào để đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Nhà ở xã hội vẫn xa với người dân
Ảnh: Hòang Long |
Tăng lệ phí chứng thực nhà đất Liên Bộ Tài chính- Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 62/2013 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo đó, từ ngày 1-7, lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản được nâng lên tối đa là 50% so với mức thu hiện hành. Theo đó, các mức lệ phí hầu hết đều tăng gấp đôi so với trước đây: Lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch với tài sản giá trị dưới 50 triệu là 50.000 đồng/trường hợp; từ 50 triệu đến dưới 100 triệu là 100.000 đồng/trường hợp…Đặc biệt, đối với việc chứng thực văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở hiện nay sẽ tính lệ phí dựa trên giá trị tài sản chứ không áp dụng mức phí chung cho mọi trường hợp như trước đây. L.H |
Theo giới kinh doanh địa ốc, số tiền 30.000 tỷ đồng dù không lớn so với nhu cầu thực tế hiện nay và đối tượng tiếp cận dòng vốn này cũng hạn chế, song điều quan trọng nhất từ gói hỗ trợ này là khơi thông niềm tin cho thị trường BĐS. Khá nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ niềm tin rằng, nhờ gói hỗ trợ này, giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ sớm được nóng trở lại, đặc biệt là khi phân khúc nhà ở xã hội được đẩy lên cả cung lẫn cầu. Việc các nhà đầu tư kỳ vọng là điều không ngạc nhiên, bởi lâu nay, đã có quá nhiều tranh cãi về việc có nên hỗ trợ một gói tín dụng với số tiền như vậy cho thị trường BĐS. Và đã có lúc, tâm trạng của nhiều nhà đầu tư BĐS đã rơi vào trạng thái "thất vọng” khi có ý kiến cho rằng, nên để thị trường BĐS rơi tự do, nếu không muốn nói là "chết”.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, gói tín dụng 30.000 tỷ cuối cùng đã chính thức được tung ra với nhiều kỳ vọng.
Lâu nay, các nhà quản lý vẫn khẳng định, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở này không phải nhằm mục đích giải cứu thị trường BĐS, mà mục tiêu chính là nhằm tạo ra những tác động nhất định để làm ấm lại thị trường này. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp nên các nhà quản lý cũng đang đặt kỳ vọng sẽ có nhiều đối tượng thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở. Nói về tính khả thi của gói hỗ trợ đối với thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bày tỏ: "Nếu dòng tiền này được các ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng sẽ là cú hích vào đối tượng nhà ở xã hội và phân khúc quy mô nhỏ, làm tổng giao dịch tăng lên, làm ấm thị trường. Gói hỗ trợ này kỳ vọng sẽ khuấy động một phân khúc để từ đó sẽ lan tỏa ra toàn thị trường”.
Nhà ở xã hội vẫn là mong ước của nhiều người
Ảnh: Hoàng Long |
Giá nhà ở trung bình đã giảm 22% so với năm 2009 Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam vừa công bố Chỉ số giá BĐS Savills. Theo đó, trong quý 1-2013, chỉ số giá nhà ở dừng ở mức 89,2 điểm, giảm nhẹ 0,4 điểm so với quý trước và giảm 3 điểm so với cùng kỳ. Việc giảm giá hầu hết diễn ra ở các dự án bán không tốt. Cũng theo Savills, tính từ quý cơ sở là quý 1-2009, giá trung bình toàn thị trường bao gồm cả dự án mới đã giảm khoảng 22%, trong khi chỉ số giá được tính trên rổ cố định chỉ giảm 11 điểm. Tuy nhiên, đà giảm của chỉ số giá đã chậm dần lại trong quý, có thể là dấu hiệu của sự hồi phục thị trường thời gian tới. N.N |
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là xác định đối tượng thu nhập thấp là đối tượng như thế nào, có mức thu nhập cụ thể là bao nhiêu thì thông tư lại không nhắc đến. Theo giới chuyên gia trong ngành, chính điều này sẽ gây ra những rắc rối sau này trong quá trình triển khai. Bởi, quy định thì cứ ghi "các đối tượng thu nhập thấp” một cách chung chung, còn căn cứ nào để xác định mức thu nhập thế nào là thấp lại không được đề cập.
Thực tế, lâu nay chúng ta vẫn đang rất mù mờ khi đưa ra khái niệm đối tượng thu nhập thấp, do đó thường dẫn tới tình trạng khi triển khai các chính sách, đều nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp khi xác định đối tượng này. Và lần này, gói hỗ trợ 30.000 tỷ cũng rơi vào tình thế tương tự.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, những quy định cụ thể về các đối tượng được cho vay như cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang… của gói hỗ trợ này thì đã rõ, song đối tượng thu nhập thấp được nằm trong diện mua nhà ở xã hội mới là đối tượng cần phải xác định cụ thể. Với trường hợp này, TS Lực cho rằng, cần phải dựa vào tiêu chí xét xem mức thu nhập bao nhiêu sẽ được xác định là đối tượng thu nhập thấp. Có thể đưa ra một mức thu nhập để làm chuẩn xác định đối tượng được vay nhà ở xã hội bằng cách, dựa vào thu nhập bình quân của những lĩnh vực đông người như lao động ngành dệt may, da giày… (có mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng) để đưa vào tiêu chí xét mức thu nhập thấp hoặc có thể xét vào mức tất toán thuế thu nhập cá nhân của mỗi người. "Việc đưa ra một mức cụ thể để xét vào tiêu chí thu nhập thấp là điều cần thiết để xác định chính xác đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ này tránh những trường hợp giả mạo nhằm trục lợi” – ông Lực đề xuất.
Và với việc thiếu đi yếu tố này trong thông tư, rõ ràng, người thu nhập thấp vẫn là đối tượng khó có "cửa” đến với gói hỗ trợ.
Bên cạnh những bất cập nói trên, xét về mức lãi suất 6%, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vẫn là quá cao. Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trên thế giới không ai cho vay mua nhà với lãi suất cao như vậy, lãi suất mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều lãi suất đang cho vay thực tế bởi có tài sản đảm bảo. "Do vậy, lãi suất của gói hỗ trợ này cần phải thấp nữa, nên ở mức 3% có như vậy mới tạo được dòng chảy cho thị trường BĐS” – ông Kiên nhận định. Ngoài ra, ngay cả những quy định về việc người mua nhà được phép cho vay tối thiểu là 10 năm cũng là điểm bất hợp lý. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi: Tại sao lại bắt buộc người mua phải vay trong 10 năm, nếu họ có nhu cầu trả trước thời hạn thì sao? Bởi vậy, quy định này theo ông Thành, vô hình trung lại khiến quyền lợi của người mua nhà không được bảo vệ một cách thỏa đáng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: