Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng vừa có thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Khoảng 30.000 tỷ đồng sẽ được "bơm" ra hỗ trợ người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với lãi suất ưu đãi 6%... Đây là điều mà người dân, đặc biệt với những người làm công ăn lương có thu nhập thấp, đang mong mỏi, kỳ vọng. Nhưng thực tế cho thấy, tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này là rất khó bởi những điều kiện quá ngặt nghèo.
Đang lo âu vì còn phải nộp hơn 400 triệu đồng để mua căn hộ tại No12-2 Dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng, anh Tuấn Anh, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vui mừng khi nghe thông tin Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng vừa ký thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Anh Tuấn Anh đã nhẩm tính, nếu vay được tiền mua nhà từ khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi trên trong dài hạn 10 năm thì trung bình mỗi tháng vợ chồng anh sẽ chỉ phải trả nợ cho nhà băng 1,6 triệu đồng tiền gốc và 2 triệu đồng tiền lãi, tức là khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. "Món tiền này là phù hợp với hoàn cảnh của cả hai vợ chồng tôi khi đều là những công chức nhà nước"- Anh Tuấn Anh tâm sự.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VietinBank Chi nhánh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
|
Nhưng khi xem kỹ thông tư, anh Tuấn Anh mới té ngửa, mình không thuộc diện được vay. Bởi, đối tượng được phép vay vốn là những người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15 tháng 05 năm 2013 của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, căn hộ của anh Tuấn Anh mua lại có diện tích là...73,26m2. "Bạn của tôi mua được một căn hộ có diện tích là 69 m2. Bây giờ anh ta đang hồ hởi chuẩn bị hồ sơ để đến 1/6 đi vay tiền. Khi bốc thăm trúng được căn hộ lớn một chút thì tôi cứ vui mừng bảo là do may mắn. Nào ai nghĩ là cái may mắn đó lại hóa ra khó khăn thế này" - Anh Tuấn Anh than thở.
Dành dụm, vay mượn khắp nơi mới trả trước được một phần trong khoản tiền mua nhà, giờ đây, chị Anh Phương, người do bốc thăm mà được căn hộ có diện tích "to" là 74,6 m2 ở No11A Dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng, lo đến héo người khi nghĩ đến gần 400 triệu đồng còn lại phải thanh toán trong tháng 5 này theo đúng quy định. Hay tin Nhà nước triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, chị khấp khởi hy vọng. Nhưng khi đến hỏi một số ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV)..., chị mới ngậm ngùi thấy có quá nhiều rào cản để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
"Cùng một dự án, cùng một chủ đầu tư và điều quan trọng nữa là căn hộ đó có được do tự bốc thăm chứ không phải là tự chọn. Nay theo thông tư của Nhà nước, thì tôi lại không vay được. Những người khác về cơ bản cũng như chúng tôi nhưng có diện tích căn hộ dưới quy định vài chục cen-ti-mét lại được vay vốn. Đó quả là điều bất công!"- Chị Anh Phương bức xúc nói.
Cùng tâm trạng... mừng hụt như anh Tuấn Anh, chị Anh Phương, là nhiều người dân mua được nhà ở xã hội đang ngóng chờ nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi của Chính phủ. Hầu hết những người này vừa nghe tin người mua nhà thu nhập thấp được bổ sung vào đối tượng được vay vốn lãi suất 6%/năm, đã nhờ bạn bè “kiếm” bằng được
Thông tư 11 và Thông tư 07 về “nghiên cứu”. "Quá nhiều khó khăn nếu muốn tiếp cận nguồn vốn này, ngoài việc diện tích căn hộ phải nhỏ hơn 70 m2, thì Thông tư 11 quy định, chỉ các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013 mới thuộc đối tượng được cho vay, lại là một rào cản khác, vì Hợp đồng mua nhà của tôi lại được ký trước thời điểm này" - Chị Nguyễn Thái, một người mua nhà thu nhập thấp ở Đại Mỗ (Từ Liêm- Hà Nội), phàn nàn.
Nhiều người cũng băn khoăn, liệu trong 70% gói tín dụng 30.000 tỷ dành cho vay cá nhân kia, bao nhiêu phần trăm sẽ dành cho vay nhà ở thương mại, bao nhiêu phần trăm cho vay mua nhà thu nhập thấp. “Nếu để chứng minh thu nhập của người vay có đảm bảo khả năng trả nợ hay không thì người mua nhà thu nhập thấp sẽ khó cạnh tranh với người mua nhà ở thương mại. Vì thế, nếu không quy định cụ thể dành bao nhiêu vốn cho người mua nhà thu nhập thấp thì sẽ “làm khó” đối tượng này rất nhiều”- chị Lê Thị Thu Hường, người mua được một căn hộ ở No12-2 Dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng nói.
Chị Hường cũng than thở: Đang mong đợi Nhà nước sẽ miễn tiền thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng mua nhà thu nhập thấp. Nay vừa hay tin Chính phủ với Quốc hội đề xuất giảm 50% thuế VAT nhưng lại chỉ áp dụng cho những hợp đồng ký từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014. Trong khi đó, Hợp đồng mua nhà của chị lại được ký trước thời điểm này nên có khả năng không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. "Như thế là vô tình làm khó người dân! Chúng tôi mong mỏi Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh chính sách linh hoạt để người dân không bị thiệt thòi" - Chị Hường mong mỏi.
Ngân hàng đủng đỉnh?
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến ngày 1/6 tới đây, Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đa số các ngân hàng trong diện được chỉ định cho vay vẫn đang trong tình trạng “chưa biết gì” về gói lãi suất 6% nếu khách hàng có hỏi.
Sáng ngày 21/5, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Láng Hạ, một nhân viên tín dụng cho biết, hiện chi nhánh này vẫn chưa nhận được thông báo gì về việc triển khai thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở với gói lãi suất 6%. Nữ nhân viên Agribank này còn cho biết thêm, tính đến thời điểm ngày 21/5, Chi nhánh Láng Hạ thậm chí còn dừng cho vay cá nhân mua nhà vì dư nợ mảng này của Agribank Láng Hạ đã hết. Trước đây, nếu có cho vay mua nhà, ngân hàng cũng chỉ chấp nhận thế chấp bằng bất động sản, còn các động sản không được coi là tài sản thế chấp.
Còn với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhân viên nhà băng này cũng có câu trả lời tương tự về chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở với gói lãi suất 6%. Nhân viên này cho biết rằng, chưa nhận được thông báo hay văn bản hướng dẫn nào của Ngân hàng Nhà nước cũng như Vietcombank.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp- Bộ Công Thương, ông Lê Quốc Phương, cho biết: Muốn đẩy nhanh và phát huy hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, 5 ngân hàng thương mại được chỉ định, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long nên sớm bắt tay vào việc cho vay luôn. Hiện, nhu cầu vay mua nhà là rất lớn, đây cũng là cơ hội để kích thích niềm tin từ phía người dân.
Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhấn mạnh, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng như thế nào mới là quan trọng. Cơ chế thực hiện phải công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm lợi ích thì mới mong gói 30.000 tỷ đồng này phát huy hết hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: