Top

Dân buồn vì khó đáp ứng được thu nhập 18 triệu đồng/tháng

Cập nhật 31/05/2013 16:19

Chưa kịp kỳ vọng với việc có thể được hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng, nhiều người lại bàng hoàng khi nhẩm tính số tiền cả gốc lẫn lãi đội lên sau 10 năm. Thế nên, với nhiều người thu nhập thấp, việc mua được nhà nhờ vay gói 30.000 tỷ đồng do ngân hàng giải ngân là vô cùng khó khăn và dường như không tưởng.

Khó như... trèo cột mỡ?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và bộ Xây dựng đã công bố Nghị quyết 02 về việc chi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở. Theo đó, đối tượng vay bao gồm người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, NHNN xác định và công bố lại lãi suất cho năm tiếp theo, sẽ bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường và không vượt quá 6% mỗi năm.

Ngay sau đó, thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, với người có thu nhập 9 triệu đồng, cả gia đình có 2 người đi làm, tổng thu nhập từ 15-18 triệu đồng/tháng, mỗi tháng dành ra 30% thu nhập (khoảng 6 triệu đồng) để trả gốc và lãi hàng tháng, là có thể mua được nhà.

Ông Phạm Sỹ Liêm

Với gói hỗ trợ này, Bộ Xây dựng cũng kỳ vọng, sẽ có những tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản, làm phân khúc nhà thu nhập thấp ấm lên và lan tỏa sang các phân khúc khác. Không phủ nhận những nỗ lực hướng đến phục vụ nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp của NHNN và bộ Xây dựng, song nhiều chuyên gia cũng lo ngại, với những quy định ngặt nghèo và nhất là mức thu nhập 15-18 triệu đồng/tháng của cặp vợ chồng liệu có bao nhiêu người tiếp cận được với gói hỗ trợ này. Giấc mơ nhà ở lại vẫn quá xa vời với người dân bởi mức thu nhập thực tế của nhiều cặp vợ chồng công chức phổ biến chỉ được trên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng Văn Đồng (quê Thanh Hóa, đang làm tại một công ty truyền thông ở Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Nếu một căn hộ 50m2 được bán với giá 500 triệu đồng (10 triệu đồng/m2), người mua trả trước 20% (tức 100 triệu đồng), số tiền còn lại là 400 triệu đồng sẽ trả trong vòng 10 năm. Vậy trung bình một năm người mua sẽ trả 40 triệu đồng hay 3,33 triệu đồng/tháng tiền vốn. Đó là chưa tính tiền lãi. Con số 3,33 triệu đồng/tháng cho một cặp vợ chồng thu nhập công chức chỉ 10 triệu đồng như vợ chồng tôi quả là gánh nặng quá lớn. Số tiền còn lại liệu tôi có đủ sức gồng gánh nổi cuộc sống. Bài toán cho một căn nhà có cái giá trong mơ của tôi đã bỏ qua rất nhiều chi phí còn đang nhảy múa trong từng bữa cơm, chi tiêu hằng ngày của gia đình hiện nay".

Cùng quan điểm với anh Đồng, chị Nguyễn Thanh Tuyền (quê Hưng Yên, cán bộ trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Cho vay tối đa là 10 năm với người thu nhập thấp, để mua được căn nhà cứ cho giá trị thấp là 600 triệu đồng, trả trước là 20% - tương đương 120 triệu đồng, còn lại 480 triệu đồng là được vay trả trong 10 năm! Với đồng lương hiện tại, liệu người thu nhập thấp có thể trả nổi 480 triệu đồng chưa kể tiền lãi trong 10 năm hay không?".

Giấc mơ nhà ở vẫn xa vời với người thu nhập thấp (Ảnh minh họa)

Lương 18 triệu đồng/tháng đã không mua nhà thu nhập thấp

Chia sẻ với lo lắng của người dân, ông Nguyễn Văn Đực, giám đốc công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng: “Những người giáo viên, lao công, công nhân lương chỉ có 3-6 triệu đồng một tháng. Như vậy nói lương hai người 15-18 triệu đồng là thu nhập thấp thì không ai tin. Đây được coi là mức thu nhập khá và rất khá. Nếu nói thu nhập hai vợ chồng được 18 triệu đồng/tháng thì người dân có thể mua được nhà thương mại chứ không phải nhà thu nhập thấp. Như thế họ sẽ không mắc vào những thủ tục rườm rà hay đi cạnh tranh với những người thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng để có thể mua được nhà thu nhập thấp. Chính vì thế, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không giúp gì người thu nhập thấp mà chỉ giúp những người thu nhập trung bình, khá. Điều đó cho thấy gói hỗ trợ này thiếu hẳn tính xã hội".

Ông Đực phân tích rõ: Gói này quy định diện tích nhà dưới 70 m2 nhưng lại trên 45m2 thì dòng sản phẩm phải từ 600 cho đến 1 tỷ đồng/căn rồi. Những người thu nhập thấp sau 10 năm có gom đủ số tiền này không? Những người mà có nhu cầu sản phẩm 400-500 triệu đồng chỉ có thu nhập 3-5 triệu đồng lại bị bỏ rơi. Như thế, tạo ra sự bất công bằng trong xã hội, thành phần thu nhập trung bình khá thì được hỗ trợ còn những người thu nhập thấp lại không được hưởng sự trợ giúp nào. Nếu chấp nhận những dòng sản phẩm có diện tích từ 25-30m2 thì mới đúng với túi tiền của những người thu nhập thấp. Thu nhập 18 triệu đồng/tháng/vợ chồng thì họ chẳng mua nhà ở xã hội. Phải xếp hàng chờ đợi, rồi sau 5 năm, 10 năm mới được phép bán. Nếu nhà ở thương mại làm tốt thì giá thành cũng tương đương hoặc có đắt hơn thì cũng chỉ hơn 500 đến 1 triệu đồng/m2. Như vậy so với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích 40-50m2 thì chênh 20 triệu đồng. Với giá đó người ta sẽ mua nhà ở thương mại bởi dễ mua, dễ bán, tránh phải những ràng buộc sau này.

Nhìn nhận về thu nhập của người dân trong khả năng mua nhà, theo ông Đực, một tháng nếu hai vợ chồng có lương 14-15 triệu đồng thì mua được những căn nhà khoảng 600-700 triệu đồng, còn nếu lương 10 triệu đồng thì chỉ có thể mua được những căn nhà có diện tích khoảng 40 m2 đổ lại mà thôi. Chúng ta hay tranh cãi về diện tích nhà ở nhỏ hay to nhưng chuyện này còn tùy thuộc vào túi tiền của từng người. Đối với những người có thu nhập cao, từng sở hữu mấy trăm mét vuông đất thì diện tích 40-50 m2 với họ là quá nhỏ, số tiền 300-400 triệu đồng không là gì. Nhưng đối với người nghèo, người thu nhập thấp, đó lại là một con số đáng mơ ước và là số tiền cực kỳ lớn.

Đồng quan điểm với vị Giám đốc trên, TS. Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Hiện nay ở Việt Nam mọi người đều có thu nhập không chính thức, người nghèo, người làm công ăn lương cũng phải xoay xở thêm thì mới có tiền trang trải cuộc sống. Còn nếu chỉ trông chờ vào mấy đồng lương chính thì công nhân viên chức không dư giả. Chính vì thế, với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng thì chỉ mua nổi cái nhà 150 triệu đồng thôi chứ không thể mua nổi căn nhà 600-700 triệu đồng. Hai vợ chồng là tiến sĩ đi làm giảng viên đại học cũng không đủ điều kiện mà mua. Điều kiện chỉ là điều kiện còn thực tế nếu không phù hợp thì sẽ phải tự điều chỉnh cho hợp lý.

Nên điều chỉnh mức lãi suất cho hợp lý

Nhìn nhận ở một khía cạnh thực tế, theo ông Liêm, rất ít người có khả năng tham gia gói hỗ trợ trên, 6% lãi suất là ưu thế lớn nhưng khi trần lãi suất giảm xuống thì số lãi suất trên không mang nhiều ý nghĩa. Để giải quyết được tồn kho bất động sản thì mức lãi suất hỗ trợ cho vay BĐS chỉ nên bằng 1/2 lãi suất thương mại trong từng năm.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin