Top

Quy hoạch chung Thủ đô: “Phải giải quyết được ba vấn đề lớn”

Cập nhật 04/05/2010 13:50


Ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.
 
Đồ án quy hoạch chung Thủ đô dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy, khai mạc vào ngày 20 tháng này.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, có ba vấn đề lớn nếu không làm thì khi phê duyệt xong quy hoạch, Nhà nước cũng không biết làm cái gì trước cái gì sau, các nhà đầu tư cũng không biết bắt đầu từ đâu, bản thân người dân cũng không biết mình được làm cái gì và không được làm cái gì.

Không cần kéo dài thời gian

* Quy hoạch chung Thủ đô không chỉ có ý nghĩa và tầm quan trọng với Hà Nội, vậy có quá vội khi cứ nhất thiết phải thông qua trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thưa ông?

Với những đồ án như thế này luật quy định thời gian thực hiện không quá 18 tháng, tuy nhiên trong luật chưa nói rõ những quy hoạch đặc biệt như Hà Nội khác gì so với quy hoạch đô thị thông thường, hơn nữa Hà Nội là Thủ đô thì lại càng đặc biệt hơn. Đích của việc hoàn thành đồ án là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vì nếu kết thúc vào dịp đó công trình sẽ có ý nghĩa hơn, nhưng quan trọng nhất chính là cơ sở để lập quy hoạch đó có đảm bảo hay không.

Quy hoạch chung Hà Nội lần này có những lợi thế khi ngay từ đầu đã có mối liên hệ vùng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Thủ đô vì vậy các mối quan hệ lớn xung quanh đều được xử lý trên những căn cứ khoa học. Mặt khác, trước đó Hà Nội cũng đã thuê Tổ chức Hợp tác phát triển Nhật Bản (Jaica) làm chương trình phát triển tổng thể Thủ đô với 4 nội dung quan trọng: quy hoạch tổng thể Thủ đô, vấn đề giao thông, cấp thoát nước và đô thị trung tâm.

Như vậy mối quan hệ vùng đã được xử lý, thứ hai là cái lõi và cơ sở để dự báo phát triển cho nó đã có sẵn cho nên lần này được kế thừa rất tốt, vì vậy không cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện đồ án thêm nữa.

Mặt khác còn có dự án thành phố sông Hồng được xác định là trục cảnh quan chính, phát triển thành phố hai bên sông và buộc phải xử lý hơn 40 km đoạn qua trung tâm. Dự án này đã được nghiên cứu hơn 2 năm với đối tác Hàn Quốc, vấn đề là lồng ghép nó như thế nào vào quy hoạch chung này bởi thực ra nó đã có cơ sở sẵn chính là nghiên cứu trị thủy, vấn đề đê điều và thoát lũ. Đó là những điều kiện cần và đủ, thuận lợi cho đồ án quy hoạch chung Hà Nội mở rộng lần này và không cần thiết phải kéo dài thời gian thêm nữa.

* Hiện đang có không ít ý kiến cho rằng trung tâm hành chính quốc gia không nhất thiết phải đặt tận Ba Vì do vừa xa vừa tốn kém, rất thiếu tính khả thi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thực ra trung tâm hành chính, trung tâm chính trị hay những trung tâm khác chỉ là một nội dung của đồ án quy hoạch chứ không phải đồ án này chỉ đi giải quyết mỗi vấn đề về trung tâm hành chính. Tuy nhiên nếu xác định nó là một trung tâm của Hà Nội thôi thì phải đặt vấn đề phân bố như thế nào cho hợp lý trên địa bàn của Hà Nội. Vì bây giờ có nhiều người nói đang lệch về phía đông, có người lại nói đang thiên về phía tây.

Nhưng điều quan trọng là không nên chỉ đặt nó trong tổng thể địa giới hành chính hiện nay mở rộng, vì nếu mở rộng thì phải mở rộng về phía tây thì đương nhiên là lệch tây. Nhưng nếu đặt trong toàn thể quy hoạch vùng Thủ đô thì nó lại là trọng tâm vì đã xét đến tất cả các vệ tinh ở phía đông và phía bắc. Có nghĩa là trung tâm hành chính quốc gia không chỉ phục vụ cho một mình Hà Nội.

Thậm chí có người còn gán cho đây là câu chuyện "dời đô". Ngày xưa chính trị, ngoại giao, quân sự đều dồn vào một chỗ, nên nếu nói câu chuyện dời đi tức là dời tất cả những cơ quan đầu não nhưng câu chuyện quy hoạch Hà Nội hiện nay khác, vì trung tâm chính trị quốc gia vẫn nằm ở Ba Đình, chứ có đi đâu đâu.

Đây không phải câu chuyện "dời đô", mà chỉ là một mắt xích trong hệ thống chính trị của mình thôi. Hàn Quốc đã đặt vấn đề di dời cả trung tâm hành chính ra cách xa thủ đô Seoul khoảng 30 km, Malaysia cũng vậy. Ở ta có hai luồng ý kiến, hoặc là đưa vào đô thị vệ tinh phía tây là Hòa Lạc quy mô 60 vạn dân để gắn luôn trung tâm hành chính vào đó. Như vậy cực đông vẫn là đầu não chính trị, cực tây một phần của trung tâm hành chính sẽ gắn với đô thị lớn nhất ở phía tây. Có nghĩa là phân bố hợp lý để quản lý lãnh thổ cho tốt.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ, từ nay đến 2020 chỉ giải quyết cho những bộ chưa có đất, chưa có trụ sở hoặc có nhưng còn thiếu thì tìm địa điểm cho họ ở khu vực quanh Mỹ Đình. Còn xa hơn nữa phải dành quỹ đất để xây trung tâm hành chính đàng hoàng.

Nhưng cũng phải làm rõ đó là trung tâm hành chính quốc gia hay là đô thị hành chính vì hai cái đó khác nhau, đô thị hành chính không chỉ có hành chính mà còn có cả đô thị nữa. Còn nếu chỉ là trung tâm hành chính thì có thể tách ra như một số hình mẫu mà Seoul đang làm. Hiện câu chuyện này giữa những người làm đồ án vẫn chưa ngã ngũ vì đó là câu chuyện của tương lai.

Cá nhân tôi cho rằng về phương diện hành chính thì không nhất thiết phải dồn về một chỗ về vì mạng lưới của mình hiện nay đang phân cấp trong quản lý và cũng còn phải tính đến vấn đề an ninh quốc phòng. Hà Nội đang mở rộng rất lớn về phía tây, nếu không quy hoạch ngay từ bây giờ thì sau này sẽ hết đất.

Sau khi đưa ra 5 điểm để chọn trung tâm hành chính quốc gia thì về lâu dài đều thống nhất về phía tây, cụ thể là Ba Vì, quanh khu vực hồ Đồng Mô. Theo tôi bây giờ nên khoanh vùng toàn bộ khu vực hồ Đồng Mô lại để có sự kiểm soát đặc biệt vì đây là thắng cảnh thiên nhiên đặc biệt.

Hòa Lạc không thể chỉ có một trục kết nối

* Thưa ông, một vấn đề gây tranh cãi khác trong quy hoạch chung Thủ đô lần này là trục Thăng Long. Việc hình thành trục Thăng Long xuất phát từ ý tưởng nào? Đây là trục mang yếu tố tâm linh hay giao thông?

Trước hết nó phải là trục giao thông đô thị. Trong định hướng quy hoạch chiến lược đô thị quốc gia ngay từ năm 1997 đã bàn đến câu chuyện này và nêu rõ Hà Nội, Tp.HCM phải phát triển thành chùm đô thị.

Quyết định mới đây nhất điều chỉnh bổ sung chiến lược phát triển đô thị cũng nhắc lại những thành phố lớn phải phát triển thành chùm đô thị. Hà Nội đang phát triển theo mô hình này, chùm đô thị thì phải có hạt nhân, ngoài hạt nhân phải có các vệ tinh, ngoài vệ tinh phải có thị trấn thị tứ hình thành mạng lưới chân rết của hệ thống đó.

Quy hoạch hiện nay xác định Hà Nội mở rộng sẽ có 5 đô thị vệ tinh, phía bắc gồm Sóc Sơn, phía nam có Phú Xuyên, phía tây có Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây. Trong đó Hòa Lạc lớn nhất với quy mô khoảng 60 vạn dân, một đô thị như thế không thể kết nối với 4,6 triệu dân bằng một đường độc đạo.

Bởi vậy, Hòa Lạc cũng không thể chỉ có một trục kết nối mà cần trục thứ hai hỗ trợ. Trên quan điểm của các nhà quy hoạch, đó là một trục giao thông đô thị hẳn hoi với chức năng giao thông cần thiết nối một đô thị lớn nhất phía tây với thành phố trung tâm. Nếu chỉ dừng ở mức đó thôi đã thấy cần thiết phải có trục đó rồi, cái hay ở đây là khi đặt vấn đề đặt xây dựng trục đó lại trùng với phương đông - tây, cho nên gọi là trục Đông Tây, gần đây mọi người gọi là trục Thăng Long.

Trục này đầu phía đông là Ba Đình, đầu phía tây là Ba Vì kết nối hai vùng văn hóa rất lớn giữa Thăng Long và xứ Đoài. Nó chính là gạch nối giữa hai vùng văn hóa đó. Các nhà quy hoạch đặt vấn đề tại sao lại không khai thác yếu tố đó để làm thành trục đô thị mà linh hồn của nó là yếu tố văn hóa và lịch sử, trên đó có thể lựa chọn xây dựng những công trình văn hóa tiêu biểu giống như Pháp, Trung Quốc đã làm. Điều kiện có thì phải thực hiện.

Chúng ta hoàn toàn có thể lồng ghép được giữa yếu tố giao thông và yếu tố lịch sử, văn hóa được coi là linh hồn của tuyến đường. Không chỉ thế, nhiều chuyên gia còn cho rằng nên mở tiếp trục này nhằm kết nối trục không gian hồ Tây - Cổ Loa cũng là một vùng văn hóa lớn của Hà Nội.

* Có ý kiến lo ngại quy hoạch Hà Nội mở rộng đồ sộ như vậy, nếu không có đủ quyết tâm và kinh phí sẽ có nguy cơ biến thành "đại quy hoạch treo" gây hậu quả rất lớn sau này?

Xưa nay các quy hoạch của chúng ta làm chưa đến đầu đến đuôi chính là ở việc tìm ra nguồn lực để thực hiện. Vấn đề khó khăn nhất là tổ chức thực hiện và quản lý sau đó, làm thế nào để không chỉ dừng lại ở những ý tưởng trên bản vẽ mà phải hiện thực hóa nó.

Có ba vấn đề lớn, nếu không làm thì khi phê duyệt xong quy hoạch chung Hà Nội mở rộng, Nhà nước cũng không biết làm cái gì trước cái gì sau, các nhà đầu tư cũng không biết bắt đầu từ đâu, bản thân người dân cũng không biết mình được làm cái gì và không được làm cái gì.

Thứ nhất, vai trò của Nhà nước phải phân định rất cụ thể như lo xây dựng kết cấu hạ tầng, xương sống của đô thị. Nhà nước cũng không cần phải bỏ tiền ra hoàn toàn vì hiện nay là cơ chế thị trường có thể xã hội hóa, kể cả đi vay nhưng Nhà nước phải đứng ra cầm trịch. Khi nhà đầu tư vào thì hệ thống kỹ thuật đã xong xuôi rồi, người ta không phải đi lo, chứ không để nhà đầu tư tự lo sẽ tạo ra một đô thị rất chắp vá và manh mún, đội giá thành đầu tư lên. Cái nữa cũng thuộc Nhà nước đó là những công trình phúc lợi công cộng vì cái này không nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra làm khi không thu hồi được vốn.

Mảng thứ hai rất quan trọng là các nhà đầu tư. Vai trò của Nhà nước ở đây chỉ là tạo ra "sân chơi" và "luật chơi" bằng cơ chế chính sách, còn tất cả những dự án từ quy hoạch này phải nêu lên được và công khai hóa tất cả những dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện. Trên cơ sở đó tất cả những dòng tiền đổ vào khu đô thị mới, khách sạn, văn phòng cho thuê, nhà ở cao cấp ở khu vực phía đông hay phía nam, đô thị lõi… đều phải được công khai hóa để từng loại nhà đầu tư tìm đến và khi đó quyền lựa chọn thuộc về nhà đầu tư.

Phải mở ra cơ hội lựa chọn đầu tư trên các lĩnh vực cho nhà đầu tư. Nguyên tắc quan trọng để bỏ cơ chế xin - cho là phải chuyển sang hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư, khi đó câu chuyện đốc thúc do chậm tiến độ sẽ không còn diễn ra nữa. Tất cả những dự án nào có khả năng thu hồi vốn và sinh lời đều chuyển qua phương thức này hết.

Mảng thứ ba lâu nay ít được để ý đó là mảng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước không thể lo được hết và cũng không đủ kinh phí làm tất cả mọi việc. Trong khi nếu là các công trình thiết thực như đường xá trong các khu làng xóm đô thị hóa, người dân lại sẵn sàng bỏ tiền ra làm với trách nhiệm rất cao. Nhà nước chỉ cần lập quy hoạch chi tiết khu vực đó, hỗ trợ một phần kinh phí còn lại huy động sức dân cùng làm sau khi có quy hoach chi tiết sẽ là phương thức khả thi cao.

Giải quyết bài toán “lịch sử để lại”

* Bộ Xây dựng đã tỏ thái độ kiên quyết, Hà Nội cũng đã ra "tối hậu thư" cho các nhà đầu tư có dự án đô thị thuộc diện rà soát. Bản quy hoạch lần này chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích của không ít doanh nghiệp. Vậy nhà đầu tư có hướng lựa chọn nào khác không để được đảm bảo quyền lợi của mình?

Việc lớn của đồ án quy hoạch lần này là phải giải quyết bài toán do lịch sử để lại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, muốn theo tiêu chí gì cuối cùng vẫn phải phù hợp với quy hoạch, chứ không phải bài toán đi cập nhật và lắp ghép tất cả những thứ của ngày hôm qua. Những dự án của ngày hôm qua không phải sai hết nhưng có khi lại không phù hợp với ngày hôm nay.

Đơn cử, dải đô thị dọc theo trục đường kinh tế bắc nam của tập đoàn Nam Cường trước đây thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) lấy đất hai bên đường rơi đúng vào hành lang của sông Tích, sông Đáy thì không thể tiếp tục được. Trục đường này vẫn cần thiết phải có do tính chất là trục cảnh quan, giao thông trong vùng xanh vì theo quy hoạch này vẫn còn hơn 3 triệu dân sống bằng nông nghiệp, nhưng không còn giữ tính chất đô thị - công nghiệp như trước nữa.

Quy mô tuyến đường cũng phải xem xét để phù hợp với định hướng mới, nhưng cái quan trọng nhất ở đây là chủ trương BT để thực hiện dự án. Trước đây đường đâu thì dự án đấy, nay không thực hiện BT tại chỗ nữa mà sẽ có hai hướng để nhà đầu tư lựa chọn. Đối với những dự án đô thị trên trục đường này vì không còn đất nữa, nên hoặc là dạt về phía đông trong phạm vi vành đai 3 và vành đai 4, hoặc dạt về phía tây thì có 3 đô thị vệ tinh để lựa chọn như vào vùng Sơn Tây, Hòa Lạc hoặc Xuân Mai.

Rõ ràng là bài toán của nhà đầu tư đã thay đổi. Câu chuyện của ngày hôm qua và hôm nay đã không còn giống nhau nữa, chắc chắn nhà đầu tư sẽ khó khăn trong giai đoạn này. Nhà đầu tư thực ra không có lỗi gì cả, họ có tự vẽ ra quy hoạch được đâu, đó là câu chuyện của các “ông” cả thôi. Nếu xử lý không khéo sẽ hại đến nhà đầu tư. Đây là câu chuyện khách quan, phải có căn cứ và cơ sở khoa học thì mới "bác" dự án của người ta đi được.

Trước đây Hà Tây quy hoạch để hình thành dự án này dự án kia kể cả trục kinh tế bắc nam cũng chẳng căn cứ vào quy hoạch nào cả, vì không có. Vì thế bây giờ phải đi giải quyết. Cả trăm dự án được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho triển khai tiếp nhưng mãi không thấy đến nộp hồ sơ, rõ ràng có câu chuyện nhiều chủ đầu tư không có năng lực, nhưng có cơ hội tốt thì cứ "xí chỗ" khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, sau này nhà đầu tư có năng lực thật nhưng đi sau chậm chân thì chịu cảnh mua lại dự án.

* Những ý kiến người dân đóng góp cho quy hoạch chung Thủ đô sẽ được tiếp thu như thế nào, thưa ông?

Hiện nay đã có hàng nghìn ý kiến góp ý, trên 80% tán thành với quy hoạch, số còn lại phân vân điều này điều kia. Đây cũng là bước đổi mới nhất về quy hoạch từ trước tới nay. Chúng tôi đã yêu cầu liên danh tư vấn phải sắp xếp ý kiến đóng góp theo từng nhóm, và phải có giải thích vấn đề gì tiếp thu, cái gì không tiếp thu, lý do tại sao thật rõ ràng.

Tuy nhiên kể cả khi quy hoạch chung Thủ đô được Quốc hội thông qua cũng mới chỉ mang tính định hướng. Những bước tiếp theo còn phải có quy hoạch phân khu rồi quy hoạch chi tiết 1/500 thì mới có thể triển khai được. Sau khi quy hoạch chung được thông qua, thẩm quyền còn lại thuộc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, có gì "vênh" so với quy hoạch chung mới phải báo cáo.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy