Người dân sẽ đến đô thị vệ tinh nếu ở đây có điều kiện sống tốt - Ảnh: L.Q.P |
Theo đề án quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội, dân số nội đô từ 1,2 triệu sẽ giảm còn 0,8 triệu vào năm 2030. KTS Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã trả lời về vấn đề này.
* Nhiều người băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này vì trong các dự án, di dời dân luôn là bài toán nan giải nhất?
- KTS Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội: Tất nhiên không phải ngày một ngày hai, không thể dùng biện pháp hành chính mà phải tạo ra những khu đô thị đồng bộ, có sân chơi, có trường học, bệnh viện, nhà văn hóa với diện tích sàn khoảng 25m2/người thì người ta sẽ ra, vì sống ở đó sẽ tốt hơn hẳn trong nội đô như bây giờ. Khi đó đô thị lõi Hà Nội có lẽ chỉ để giao dịch buôn bán mà thôi. Theo tôi, quan trọng nhất là phải tạo ra lực hút từ các đô thị mới để người dân tự nguyện di chuyển.
* Khi mở rộng Hà Nội, xảy ra chuyện cán bộ công chức ở một nơi, đi làm một nẻo, rất bất tiện. Việc di dời tới đây có tính đến chuyện này?
- KTS Đỗ Viết Chiến: Các khu đô thị mới xây sẽ đồng bộ, không chỉ có nhà ở, mà văn phòng, cơ sở sản xuất cũng giãn theo một cách đồng bộ. Người ở đâu thì làm ở đó. Đô thị vệ tinh tương lai của Hà Nội sẽ là đô thị phức hợp đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, công ăn việc làm, đời sống của người dân. Mô hình buổi sáng vào nội đô làm việc, tối về ngoại thành ngủ hiện đang được nhiều người cho là văn minh, nhưng cũng sắp lỗi thời. Riêng cái chuyện giao thông, đi đi về về là chết rồi.
* Ông có thể cho biết lộ trình dự kiến của dự án này?
- KTS Đỗ Viết Chiến: Điều đó phụ thuộc quy hoạch này triển khai nhanh hay chậm, xây được đô thị vệ tinh rồi mới nói chuyện cho dân ra, chứ dự án cứ để trên giấy thì đưa dân đi đâu? Tôi nghĩ là phải có một chiến lược ưu tiên, chứ cứ cải tạo nội đô thì càng tạo ra sức hút vào khu vực này. Nội đô cứ để như hiện nay, tập trung ra bên ngoài, xây hoành tráng luôn, đồng bộ luôn từ đầu. Giao thông thuận lợi, chỗ ăn chỗ ở, vui chơi giải trí đàng hoàng, tự người ta ra.
* Vấn đề khiến người dân lo ngại và có thể không chịu di dời khỏi nội đô chính là cơ hội thu nhập và công ăn việc làm chứ không chỉ là chỗ ở và vui chơi, giải trí. Có giải pháp gì để giải quyết mối lo này, thưa ông?
- KTS Đỗ Viết Chiến: Sau này các cơ sở sản xuất, các bệnh viện, các trường đại học, cao đẳng cũng phải chuyển ra ngoài. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đưa ra ngoại thành, công nghiệp sản xuất đại trà, địa phương làm được thì phân hết về địa phương. Cụ thể, 66 vạn sinh viên đang học tập, sinh sống làm cho nội đô đang quá tải. Nên dời ra ngoại vi 2/3, nội đô chỉ đào tạo sau đại học, chất lượng cao, đại học đại trà cho ra ngoài hết. Bệnh viện cũng thế, những thứ gây ô nhiễm như lao phổi, ung bướu... gây ô nhiễm môi trường nội đô cũng phải chuyển ra ngoài. Lớn như Việt Đức thì có thể vẫn cho ở nội đô nhưng chi nhánh có thể nằm ở nơi khác, không phải đưa bệnh nhân về nội đô nữa, cần tư vấn về mổ xẻ, Việt Đức vẫn chỉ huy từ xa được, chẳng hạn là như thế.
* Trong trường hợp dân không tự nguyện di dời thì sao?
- KTS Đỗ Viết Chiến: Cũng phải kết hợp với giải pháp hành chính chứ. Nhưng như thế nào còn tùy thuộc vào thực tiễn đời sống. Quy hoạch lần này mới là quy hoạch về không gian, nhưng quy hoạch không gian cũng phải dựa trên nền tảng kinh tế xã hội và phải được người dân chấp nhận.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: