Hàng loạt đô thị và khu dân cư mới đang mọc lên tại Bình Dương và Đồng Nai. Nhưng không ít nơi bị bỏ hoang, trở thành nỗi lo của chủ đầu tư do sức mua tại địa phương chưa theo kịp và hạ tầng kết nối với TP.HCM chưa hoàn chỉnh.
Những ngôi nhà mới xây nhưng vắng bóng người tại KCN - đô thị Mỹ Phước 2 (Bình Dương) - Ảnh: T.T.D. |
Nhưng có một điều an ủi cho chủ đầu tư các dự án này là giao dịch mua đi bán lại vẫn sôi động. Diễn biến này khác hẳn với thị trường bất động sản ở TP.HCM vốn đang chịu cảnh trầm lắng.
Nhà hoang, đô thị vắng
Mua để kinh doanh Ông Trần Văn Dũng - giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương - thừa nhận do khả năng tài chính của cư dân địa phương không cao, khách mua là người đến từ TP.HCM chủ yếu với mục đích kinh doanh nên các khu dân cư hay đô thị trên địa bàn đều thưa vắng bóng người. Thậm chí, theo ông Dũng, ngay cả khu dân cư Chánh Nghĩa nằm ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng còn đất nền bỏ hoang dù đã được xây dựng và hình thành cách nay hơn mười năm. |
Lưng đẫm mồ hôi với công việc trộn hồ dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa, chị T. (đường NK9, Khu đô thị - công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương) vẫn niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. “Thỉnh thoảng cũng có vài ba người đi xem đất, nhưng nhiều hôm chẳng thấy một bóng người lạ. Còn người quen càng không có vì chưa ai đến ở cả…” - chị T. nói.
Xung quanh ngôi nhà đang cất dở dang của chị T. hầu hết là các khu đất đang bị bỏ trống, cỏ xanh mượt mọc cao đến ngang lưng. Đối diện nhà chị là một dãy phố hơn 30 căn hai tầng, cửa đóng im ỉm với nhiều mảng tường rêu bám điểm những vết nứt, cùng các ô kính đã bị ai đó đập vỡ.
Vốn là nông dân ở xã Thới Hòa (Bến Cát, Bình Dương), chị T. cho biết chưa bao giờ nghĩ đến sống ở khu đô thị. Nhưng từ khi đất bị giải tỏa, gia đình chị cũng phải mua một nền đất tại khu đô thị từ số vốn được đền bù.
Chị T. hi vọng khu dân cư rồi sẽ đông đúc hơn nhưng “chắc phải vài năm nữa”. Trên một con đường tráng nhựa khác ở khu đô thị cũng khá vắng vẻ, chị Út B. buồn rầu cho biết tiệm tạp hóa của gia đình thỉnh thoảng đón vài vị khách lạ đến uống ly nước, mua một gói thuốc.
Phần lớn thời gian trong ngày chị tập trung chăm con trong khi chồng làm việc ở một nhà máy tại khu công nghiệp để kiếm tiền. “Gia đình tui sinh sống ở đây nhiều năm, nhưng các dãy phố cất lên ở tất cả các con đường trong khu này ít khi thấy bóng người. Nhiều nhà mới xây trông đẹp lắm nhưng đang xuống cấp vì không có người ở...” - chị Út B. nói. Thay vào đó, con đường đẹp nhất ở khu vực này lại là nơi có nhiều văn phòng của các công ty môi giới mua bán đất.
Dọc hai bên tất cả trục đường chính tại Khu công nghiệp - đô thị Mỹ Phước, nhiều dãy phố cao tầng cả mới lẫn cũ chen nhau nhưng phần lớn đều cửa đóng then cài, bỏ mặc cho dây leo và nhện giăng. Bao quanh những dãy nhà phố bỏ hoang này, các khoảnh cỏ tươi tốt được nhiều người dân trong vùng tận dụng để đưa trâu, bò và cả dê vào chăn thả. Đây cũng là hình ảnh thường thấy ở hầu hết các khu dân cư, khu đô thị mới mọc lên ở Đồng Nai và Bình Dương.
Vẫn sôi động mua đi bán lại
Trái với tình cảnh vắng vẻ ở các khu dân cư cũng như khu đô thị mới, hoạt động mua bán đất nền ở các dự án này vẫn diễn ra khá sôi động kể từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 11, hàng trăm khách hàng đã chen chúc tại chi nhánh TP.HCM của một công ty bất động sản Bình Dương. Một trong những lý do là nhiều khách hàng đã không được bốc thăm mua đất nền.
Anh Nguyễn Văn H. (quận 7, TP.HCM) bức xúc cho biết anh cùng một số người thân trong gia đình đã đóng tiền “đặt chỗ” lên tới 30 triệu đồng/nền để tham gia bốc thăm mua đất nền dự án The Green River (một tên gọi của dự án khu dân cư ấp 5B Thới Hòa, thuộc Khu công nghiệp - dân cư Thới Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương).
Tuy nhiên, do không được nhân viên môi giới gửi thư mời, anh đã không được vào hội trường để rút thăm mua đất nền như cam kết. Tương tự, nhiều người đã đặt chỗ với số tiền khá lớn nhưng vẫn phải ngồi ngoài với lý do... đến trễ. Điều khá ngạc nhiên là nhiều người thậm chí chưa biết “mặt mũi” của khu dân cư này, chưa nói đến hồ sơ pháp lý của dự án.
Trước đó, các đợt bán sản phẩm của các dự án khu đô thị Hoàng Gia, Hưng Phước, Rạch Bắp (Bình Dương)... do các công ty kinh doanh bất động sản tại TP.HCM tung ra cũng thu hút hàng trăm khách hàng chen lấn nhau đăng ký mua. Trong số khách hàng này, không ít người đến từ các địa phương xa xôi ở các tỉnh Tây nguyên, ĐBSCL và cả khu vực phía Bắc.
“Hầu hết khách hàng mua đất nền tại các tỉnh đều là người TP.HCM, họ mua đi bán lại kiếm lời chứ chẳng ai có ý định cất nhà để ở cả…” - bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói. Theo bà Loan, từ các khu đô thị tại Bình Dương đến khu các dân cư Lộc Thọ - Phước An (Đồng Nai), nhiều dãy phố được chủ đầu tư xây dựng và bán cho khách hàng rồi... để đó, chịu xuống cấp.
Mục tiêu 10 năm, thậm chí 20 năm sau
“Không phải là một vài năm hay 5 năm, mà mục tiêu của dự án là 10 năm tới, thậm chí có thể là 20 năm sau. Chúng tôi không đầu tư lướt sóng mà là đầu tư dài hạn với kỳ vọng sẽ đón đầu triển vọng Bình Dương thật sự trở thành vệ tinh trong không gian đô thị mở rộng của TP.HCM. Nhưng thách thức sẽ vẫn rất lớn, đó là hạ tầng kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.
Chỉ đến khi việc đi lại giữa TP.HCM và các vệ tinh này được hoàn thiện hơn, người dân TP.HCM mới tìm đến một không gian sống, một lối sống đô thị tại các tỉnh. Người dân Bình Dương có thể giàu, có thể hoàn toàn đủ tiền để mua những ngôi nhà trong khu đô thị này, nhưng có lẽ họ là những người cuối cùng vào sinh sống tại đây”. Đây là những lời tâm sự của ông Khoo Teck Chong - tổng giám đốc Công ty CP SetiaBecamex, chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Ecolakes - tại buổi giới thiệu về dự án này.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: