Top

Dự thảo phân hạng sàn giao dịch bất động sản

Còn nặng tính hình thức

Cập nhật 23/09/2010 17:10


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP. HCM phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ảnh: N.Trâm
Ngày 22.9, Hiệp hội Bất động sản đã phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo “Giải pháp Phát triển Sàn giao dịch Bất động sản hướng đến một thị trường bền vững, năng động và minh bạch”.

Trong hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về phân hạng sàn giao dịch bất động sản còn bất cập và mang nặng tính hình thức… chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hệ thống Sàn giao dịch bất động sản đã ra đời từ lâu nhằm công khai tất cả các giao dịch nhà đất và thực tế đã góp phần đáng kể vào tiến trình minh bạch hóa thị trường. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống sàn cũng đòi hỏi hình thành quy chế quản lý. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã có Dự thảo Thông tư Hướng dẫn về phân hạng, thời hạn hoạt động và chế độ báo cáo của các sàn giao dịch bất động sản. Những quy chuẩn mới này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động Sàn giao dịch nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Trình bày ý kiến về thông tư này, tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận định: "Hầu hết các quy định đều nhằm mục tiêu làm cho thị trường ngày càng minh bạch, ổn định. Nhưng dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, cần được sửa chữa, bổ sung. Trong đó, có thể kể đến một số điểm như: Thiếu thủ tục khi sàn giao dịch đóng cửa, hơn nữa, thời hạn hoạt động của sàn quy định 2 năm nhưng phân hạng giá trị chỉ có 1 năm là quá ngắn…”

Được biết, tại TP. HCM, hiện nay đã có gần 150 sàn giao dịch hoạt động, chiếm trên 50% số lượng sàn giao dịch trong cả nước. Thế nhưng, theo những tiêu chuẩn trong dự thảo phân hạng Sàn giao dịch thì hầu hết các sàn trên đều không đạt chuẩn xếp hạng do có quá nhiều tiêu chí khó đáp ứng.

Theo qui định của dự thảo: Chỉ có các sàn đã hoạt động một năm liên tục trở lên mới được xét phân hạng. Người quản lý điều hành sàn phải có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản từ hai năm trở lên, phải đáp ứng nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất, đồng thời phải có khả năng đảm nhiệm nhiều chức năng, tham gia các dịch vụ về giao dịch bất động sản như mua bán, thuê, thuê mua...

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết các sàn chỉ tập trung vào 2 chức năng là giao dịch và môi giới, các tiêu chí trên là quá khắt khe và có phần xa rời thực tiễn kinh doanh. Vì thế, tính thực tiễn của dữ thảo còn yếu và nặng về hình thức.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM thì bên cạnh sự tồn tại của một số tiêu chí chưa phù hợp, một hạn chế lớn của dự thảo là chưa vạch ra được ý nghĩa thực tiễn cho việc phân hạng. Thực tế, dự thảo qui định rằng các sàn không phân hạng vẫn có thể hoạt động bình thường. Trong khi đó, lợi ích cho các sàn được xếp hạng cao cũng không cụ thể. Trong khi có quá nhiều tiêu chí khắt khe, quyền lợi và ràng buộc mơ hồ, nếu không thực hiện các điều chỉnh cần thiết, nhiều khả năng dự thảo sẽ khó đi vào thực tế và chỉ có ý nghĩa trên giấy.

T.Kiệt, N.Trâm - DiaOcOnline.vn