Top

Người Hà Nội nói về đồ án quy hoạch chung Thủ đô

Cập nhật 02/05/2010 08:50


 Trung tâm triển lãm Vân Hồ luôn chật cứng người xem trong suốt thời gian diễn ra triển lãm – lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chung Thủ đô.
Trung tâm triển lãm Vân Hồ luôn chật cứng người trong suốt thời gian diễn ra triển lãm – lấy ý kiến nhân dân về đồ án quy hoạch chung Thủ đô.

Đó là minh chứng thiết thực về sự quan tâm của người dân Hà Nội đến hình hài của Thủ đô trong tương lai.

Ngày 29/4, Bộ Xây dựng đã công bố kết quả sơ bộ của việc lấy ý kiến người dân với 84,5% ý kiến được hỏi cơ bản đồng tình với đồ án quy hoạch.

Một số ý kiến của người dân Thủ đô sau khi trực tiếp tham quan triển lãm.

Ông Hoàng Tuấn Hợp (Khu đô thị Ciputra – Tây Hồ): Quan trọng là "dài hơi"

Tôi cho rằng, một khi đã xây dựng quy hoạch thì những người làm quy hoạch cũng đã phải có những tính toán nhất định. Vấn đề quan trọng còn lại là thời điểm triển khai và thực hiện đồ án này đến đâu. Đặc biệt, mong muốn của tôi là công tác quy hoạch phải tính dài hơi chứ không chỉ là những vấn đề trước mắt.

Để đánh giá chính xác tính đúng sai, hợp lý của đồ án quy hoạch vào lúc này là rất khó, nó phụ thuộc vào tiềm lực của chúng ta đến đâu. Tôi đã đi nước ngoài nhiều và biết nhiều nước có những quy hoạch cách ngày nay từ 100 – 200 năm nhưng rất ít phải chỉnh sửa do họ tính được tổng thể.

Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn của quy hoạch họ dự báo tương đối chính xác thực trạng kinh tế xã hội, tình trạng dân số, giao thông, y tế, giáo dục,... tương ứng với từng giai đoạn.

Liên quan đến 3 điểm nhấn quan trọng của đồ án quy hoạch Thủ đô là: không gian đô thị, vị trí xây trung tâm hành chính quốc gia, trục Thăng Long, tôi cho rằng đều là những ý tưởng tốt.

Hiện chúng ta vẫn nghĩ tới việc xây dựng Hà Nội quanh khu vực phố cổ, nhưng chắc chắn tương lai thì phải tính mở rộng ra nhiều.

Hơn nữa, các thành phố lớn trên thế giới cũng đều có trục trung tâm xuyên thành phố. Tuy nhiên, đối với Hà Nội thì muốn làm được phải tính toán thật kỹ lưỡng vì nó còn “đụng chạm” đến nhiều vấn đề khác.

Với một thành phố mà bán kính chỉ vài ba chục km cũng không có gì là rộng lớn. Đặc biệt, sau này có hệ thống giao thông hiện đại thì đi từ bên này sang bên kia thành phố cũng chỉ 15 - 20 phút.

Còn vị trí dự kiến xây trung tâm hành chính ở Ba Vì có hợp lý hay không cũng rất khó. Có những nước có Thủ đô hiện đại, nhưng để tính cho tương lai họ vẫn cho xây một thủ đô mới.

Cách đây khoảng 10 năm, khi chuyển một số cơ quan hành chính Trung ương ra đường Trần Duy Hưng ai cũng cho rằng là xa xôi, nhưng giờ thì nó đã là khu vực trung tâm của Hà Nội.

Ở một góc độ nào đấy tôi ủng hộ việc di chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên khu vực Ba Vì. Quan trọng là phải phù hợp với tiềm lực và khả năng của mình, đừng để cứ vạch ra cho có dự án, có công trình rồi lại vứt đấy, gây lãng phí cho xã hội.

Ông Đào Đức Toàn (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình): Nên lấy ý kiến rộng rãi hơn

Đồ án quy hoạch chung Thủ đô muốn lấy ý kiến rộng rãi và cho mọi người nghiên cứu kỹ hợp thì nên đưa lên mạng internet. Còn cách bài trí triển lãm như hiện nay là không hiệu quả vì số người trực tiếp đến để xem và hiểu được không nhiều, chen chúc vì không gian chật hẹp.

Về nội dung đồ án, tôi cũng như nhiều bạn bè tôi tham quan triển lãm đều ủng hộ chủ trương của các nhà quy hoạch. Song tôi băn khoăn là liệu chúng ta có đủ kinh phí để làm hay không. Rất nhiều dự án ở Hà Nội dù không phải quá lớn nhưng phải kéo dài hàng chục năm, chẳng hạn như Cung thể thao Quần Ngựa, các dự án cầu vượt...

Cách đây không lâu tôi có đi Hàn Quốc và được xem họ làm một con đê chắn sóng biển. Họ làm rất kỳ công và rất sát với quy hoạch tổng thể. Còn quy hoạch Thủ đô quá rộng, trong khi tình hình sẽ thay đổi qua mỗi giai đoạn nên tôi e rằng tính khả thi của tổng thể đồ án là không cao.

Còn việc dự kiến đặt trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì cũng cần phải được tính toán lại. Nếu điều kiện giao thông hiện đại như các nước phát triển thì đặt ở đâu không thành vấn đề. Nhưng với điều kiện của nước ta hiện nay và trong tương lai gần, tôi cho rằng di dời lên đó là không hợp lý.

Hiện nay, dù chỉ ở cách cơ quan hành chính nhà nước có 3 - 5 km, nhưng người dân đã rất khó khăn. Nếu sắp tới cách khu dân cư 40 km thì tôi không biết dân còn vất vả đến mức nào.

Chúng ta nên lưu ý, hành chính thì bao giờ cũng phải là tâm của một khu vực nào đấy. Nó gắn với quan hệ chặt chẽ giữa con người với con người. Có thể chuyển lên Ba Vì cảnh quan sẽ đẹp hơn, song sẽ làm cho “hành chính” ngày càng xa dân hơn.

Đối với trục Thăng Long, tôi được biết một số chuyên gia nước ngoài cũng góp ý kiến ủng hộ việc xây trục này vì có thể có ích về mặt chiến lược, an ninh. Nhưng với điều kiện của mình, tôi nghĩ rằng tính khả thi của nó cũng không cao, vì suy cho cùng, mọi việc đều được chốt lại ở vấn đề kinh tế.

Việc quy hoạch cũng tương tự như xây một ngôi nhà. Hiện tôi đã có trong tay một bản thiết kế rất đẹp, hiện đại nhưng lại vướng là không đủ tiền.

Bà Nguyễn Việt Trinh ( Đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng): Phải giải quyết được bất cập hiện tại

Cách bài trí, sắp đặt triển lãm là tương đối tốt, dễ quan sát, dễ hiểu dù trình độ hiểu biết về kiến trúc của tôi cũng có hạn.

Triển lãm này rất có ích cho mọi người, giúp người dân biết được quy hoạch để có thể chủ động trong việc xây dựng nhà cửa cho mình. Tôi đến triển lãm chỉ chú ý đến hai khu vực: nơi tôi đang ở và quê của mình.

Tôi chỉ lo ngại rằng, bây giờ vẽ ra nhưng sau lại không thực hiện thì sẽ làm cho kế hoạch của người dân bị đảo lộn hết, hoặc đã tính toán thì phải tính toán chi tiết, hiệu quả và có tính dài hơi.

Đường Lê Thanh Nghị gần nhà tôi ở dù mới được xây dựng khoảng 7 - 8 năm nay, trước còn rộng rãi nhưng hiện nay đã chật cứng người, tắc đường thường xuyên. Nếu làm rộng ngay từ đầu thì nhà nước sẽ không phải mất nhiều tiền đền bù khi mở rộng thêm.

Về nội dung đồ án, đành rằng là phải tính dài hơi nhưng cũng phải kết hợp với giải quyết những bất cập hiện tại, phục vụ dân sinh trước đã.

GS. Trần Hữu Phát (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy): Hoành tráng, nhưng tiền đâu...

Đồ án được xây dựng và chuẩn bị rất công phu, có tầm nhìn rất rộng đối với sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Tôi chỉ có phân vân là khoảng cách giữa trung tâm thành phố và trung tâm hành chính quốc gia là xa nhau quá.

Liệu sau này các quan hệ, công tác điều hành của Chính phủ với người dân sẽ như thế nào.

Qua quan sát, tôi thấy quy hoạch Thủ đô hoành tráng quá, ít có thủ đô nào trên thế giới có được, nhưng không biết là chúng ta sẽ lấy tiền đâu để đầu tư xây dựng.

Theo dự báo, đến năm 2020, GDP/người của chúng ta tăng cũng không phải là nhiều lắm nên tiềm lực tài chính cũng không phải quá mạnh, trong khi chúng ta chắc chắn cũng không thể trông mãi vào vốn ODA vì chúng ta đã vay quá nhiều.

Mặt khác, dù đồ án đang được trưng cầu lấy ý kiến nhân dân, song người dân cũng chỉ góp ý được một số nét chính trong đồ án. Tính khả thi, chi tiết thực hiện trong đồ án cần được xem lại bởi giữa mong muốn và khả năng thực hiện luôn có một khoảng cách nhất định.

Với định hướng của đồ án, quan điểm của tôi cho rằng xây dựng trục Thăng Long là rất tốt. Song nếu quyết định xây dựng trục này quá sớm sẽ không hợp lý, bởi nó phải phụ thuộc vào vị trí của trung tâm hành chính quốc gia.

Hơn nữa, cũng không nên quá gắn chặt yếu tố tâm linh với việc xây dựng trục này. Một trục đường bất kỳ phải gắn kết trước hết với hệ thống hành chính, với kinh tế xã hội.

Việc lấy ý kiến nhân dân nhìn chung vẫn chưa thật thấu đáo. Rất nhiều bản vẽ chỉ có vài nét vẽ, người dân không thể hình dùng ra quy hoạch (dù là tổng thể) khu vực đó như thế nào.

Muốn lấy ý kiến nhân dân phải thật sự tôn trọng nhân dân, phải làm bài bản, chi tiết và thuyết minh đầy đủ trong một thời gian dài hơn. Nếu làm được như thế thì khi đó mới có thể là tuyên bố là “đã lấy ý kiến nhân dân”.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy