Top

Xin làm BOT sân bay Điện Biên: Cảnh báo thẳng

Cập nhật 31/10/2018 08:15

"Không thận trọng dễ xảy ra tình trạng "câu vốn" từ nhà nước đổ cho doanh nghiệp sân sau..."

Trước thông tin, Công ty CP Hàng không Vietjet vừa xin được thực hiện dự án đầu tư và xây dựng, mở rộng CHK Điện Biên, Đại tá Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Baogiaothong

Ngon ăn, khó bỏ?

Trước hết, việc Công ty CP Hàng không Vietjet xin bỏ vốn thực hiện dự án đầu tư và xây dựng, mở rộng CHK Điện Biên theo Đại tá Phan Tương là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, ông cảnh báo không phải đầu tư theo cách "ngon - ăn, khó - nhường".

Ông chỉ rõ, theo đề xuất của Vietjet, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư là 4.485 tỷ đồng.

Trong đó, Vietjet xin được thực hiện khu nhà ga hành khách (nhà ga, sân đỗ ô tô và hạ tầng giao thông) theo hình thức góp vốn với Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) theo tỉ lệ Vietjet 70%, ACV 30%.

Chi phí cho nhà ga là hơn 682 tỷ đồng (chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng vốn đầu tư toàn dự án).

Đáng chú ý, dù chỉ tham gia với một số vốn rất khiêm tốn nhưng Vietjet lại đề xuất thực hiện theo BOT với thời gian hợp đồng là 50 năm. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, nhà đầu tư được quyền ưu tiên thuê lại để tiếp tục khai thác.

Phần còn lại bao gồm các công trình thuộc khu bay gồm; đường băng, đường lăn, sân đỗ (chi phí khu bay 806 tỷ đồng), Vietjet đề xuất sử dụng 100% vốn ngân sách.

Số tiền GPMB hơn 1.100 tỷ đồng, địa phương sẽ ứng vốn để chi.

"Trong đầu tư hạ tầng sân bay, các công trình thuộc khu bay gồm: đường băng, đường lăn, sân đỗ mới là hạng mục chiếm tổng vốn đầu tư lớn, khó thu hồi vốn thì Vietjet để lại cho nhà nước, phần ngon thì nhận làm. Việc này chẳng khác nào nhà nước làm cho Vietjet hưởng", Đại tá Phan Tương thẳng thắn.

Đại tá Phan Tương nói thẳng, Vietjet muốn đầu tư sân bay Điện Biên thì phải bỏ 100% vốn mới chấp nhận được.

Về điểm thứ hai, Đại tá Phan Tương chỉ rõ, ACV là tổng công ty cổ phần nhưng vẫn thuộc Bộ GTVT và đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó, nhà nước vẫn chiếm tới 95,4% vốn điều lệ.

Việc ACV vừa trực thuộc nhà nước nhưng lại vừa góp vốn cổ phần với Vietjet là kẽ hở dễ dẫn tới những điểm nhập nhèm, thất thoát.

"Cần tỉnh táo để tránh tình trạng "câu vốn" từ nhà nước sang đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, sân sau. Nếu đồng ý đầu tư theo cách này, chẳng khác nào tạo cơ hội cho doanh nghiệp không có tiền vẫn làm được dự án", Đại tá Phan Tương cảnh báo.

Theo vị Đại tá, đây chính là điểm nhập nhèm dẫn tới hàng loạt những đề xuất bất hợp lý thời gian qua. Cụ thể là các đề xuất chi tiền sửa chữa, nâng cấp các dự án sân bay đã xuống cấp.

"Chính vì cách làm thiếu minh bạch, thiếu công khai, rõ ràng, không tách bạch được chức năng, nhiệm vụ chủ sở hữu trong doanh nghiệp cổ phần do nhà nước nắm quyền chi phối mà dư luận bức xúc cho rằng ngân sách bị thất thu lớn. Nhiều ý kiến dư luận thẳng thắn đặt vấn đề: Vì sao tiền dịch vụ ACV thu cả nhưng khi cần sửa chữa, nâng cấp thì lại xin nhà nước chi ngân sách? Đây là điểm vô lý, khó có thể chấp nhận được.

Đề xuất xây dựng cảng sân bay Điện Biên nếu không cần thận sau này cũng sẽ như vậy", nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất lo ngại.

Về phía UBND Điện Biên, ông Tương cảnh báo nếu không tính toán, cân nhắc tính hiệu quả của dự án thì sau này sẽ là yếu tố tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương.

Mới khai thác có 5% sao phải mở rộng, nâng công suất khai thác?

Trở lại đề xuất đầu tư, mở rộng dự án án, Đại tá Phan Tương đề nghị phải xem lại luận chứng kinh tế, chủ trương đầu tư của dự án này.

Đại tá Phan Tương cho rằng, sân bay Điện Biên là cảng hàng không cấp 3C, hiện có 3 vị trí đậu, đảm bảo khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương. Nhà ga hành khách có diện tích  2.809,873m2, công suất thiết kế 300.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, năm 2017, sân bay này phục vụ 70.486 hành khách và tính đến hết tháng 7/2018 cũng mới phục vụ gần 34.000 hành khách, tỉ lệ hoạt động mới đạt chưa tới 5%. Dư địa còn rất lớn.

Do đó, đề xuất đầu tư, mở rộng, xây dựng mới nhà ga hành khách, hệ thống sân đỗ, các công trình phụ trợ đồng bộ để đảm bảo nâng công suất Cảng hàng không Điện Biên đáp ứng 1 – 2 triệu hành khách/năm là chưa thuyết phục.

Đại tá Phan Tương nhấn mạnh, ACV cũng như nhà đầu tư cần: chứng minh hiệu quả của sân bay Điện Biên ở thời điểm hiện tại cũng như tính cấp thiết phải mở rộng, xây mới nhiều hạng mục nhằm năng cao công suất phục vụ của dự án này.

Tiếp đến, ACV cũng như nhà đầu tư phải chứng minh được dự án sau khi được nâng cấp và đi vào hoạt động thì hiệu quả dự tính thế nào; đón khách từ đâu; vốn đầu tư cũng như khả năng thu hồi vốn, thời gian thu hồi vốn như thế nào...? Tất cả phải được tính toán, giải trình rất cụ thể.

"Với tất cả những đánh giá hiện tại, tôi cho rằng chưa cần thiết phải nâng cấp, mở rộng quy mô khai thác sân bay Điện Biên. Tôi lưu ý, các con số đưa ra phải là những con số đủ độ tin cậy, không phải dựa trên những con số đã được khai vống, được đẩy lên để xin dự án", Đại tá Phan Tương nói rõ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt