Top

Việt Nam áp thuế tạm thời cho thép dài và phôi thép nhập khẩu

Cập nhật 09/03/2016 13:19

Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Biện pháp tự vệ tạm thời này được áp dụng mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Thời gian áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu.

Ảnh minh họa.

Quyết định này được ban hành sau khi Bộ Công thương xem xét đơn kiện từ đại diện ngành sản xuất thép mạ trong nước gồm 4 nhà sản xuất thép mạ của Việt Nam là Cty CP China Steel Sumikin Việt Nam, Cty TNHH Tôn Phương Nam, Cty CP Thép Nam Kim và Cty CP Tôn Đông Á.

Quyết định này được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Được biết, khối lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra đã tăng. Điều này khiến cho ngành sản xuất trong nước đã chịu thiệt hại nghiêm trọng như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, nhân công tồn kho tăng. Việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng trên, theo Bộ Công thương thì đó là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Các sản phẩm bị áp thuế tự vệ tạm thời gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim, và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim, bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam. Các mặt hàng này có các mã HS là 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.

Sau khi có quyết định điều tra vụ việc, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương sẽ ban hành Bản câu hỏi về lượng và giá trị (Bản câu hỏi Q&V) đến các nhà sản xuất, xuất khẩu thuộc 2 nước bị điều tra, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước hàng hóa bị điều tra. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp thép Việt Nam có thêm thời gian giảm bớt khó khăn để ứng phó với thép ngoại, mà chủ yếu là thép Trung Quốc nhập khẩu.

Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng