Top

Đường lún nứt vẫn đề xuất thưởng

Cập nhật 30/08/2013 11:49

Việc Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất thưởng gần 180 tỉ đồng cho nhà thầu vượt tiến độ dự án vành đai 3 trên cao Hà Nội đang gây bất ngờ cho dư luận, nhất là khi mặt đường đã xuất hiện lún nứt kéo dài.

>> Thưởng 180 tỷ đồng cho nhà thầu về đích sớm

Đường vành đai 3 trên cao sau khi thông xe - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong văn bản ngày 16.8, Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long đề xuất Bộ GTVT phê duyệt khoản tiền thưởng trị giá 179,9 tỉ đồng cho nhà thầu do đã hoàn thành sớm dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Đàm thuộc dự án đường vành đai 3 Hà Nội. Trong đó, thưởng liên danh Samwhan - Cienco 4 77,7 tỉ đồng vì hoàn thành gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Trung Hòa trước 263 ngày, thưởng Sumitomo Mitsui 102 tỉ đồng vì đã hoàn thành gói thầu số 2 đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân trước 454 ngày.

Theo hợp đồng, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày của thời gian vượt tiến độ, nhưng không được quá 12% giá trị lợi ích mang lại. PMU Thăng Long cho rằng, giá trị lợi ích từ việc rút tiến độ 2 gói thầu trên là 1.499 tỉ đồng, giá trị tiền thưởng là 344,91 tỉ đồng, nhưng do yêu cầu không vượt quá 12% giá trị lợi ích nên đề xuất thưởng 179,9 tỉ đồng.

Đường vành đai 3 trên cao dài gần 9 km, tổng mức đầu tư 5.547 tỉ đồng từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. Toàn tuyến gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chạy suốt với 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu là 24 m, tốc độ tối đa 100 km/giờ. Dự án thông xe ngày 9.10.2012.

Thưởng theo lợi nhuận giả định

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến và Bộ Xây dựng đồng thuận chủ trương thưởng tiến độ theo hợp đồng. Hiện tại, chưa có hướng dẫn phương pháp tính lợi nhuận cụ thể, nhưng theo một cán bộ Bộ Xây dựng, phần lợi nhuận này là phần tiết giảm được chi phí xây dựng và không làm tăng tổng mức đầu tư, và phần thưởng phải được lấy từ phần dôi dư của tổng mức đầu tư do vượt tiến độ mang lại.

Tuy nhiên, trong đề xuất thưởng của PMU Thăng Long không đề cập đến tổng mức đầu tư của dự án sau khi hoàn thành là bao nhiêu, phần dôi dư từ tổng dự toán (5.547 tỉ đồng) nhờ vượt tiến độ mang lại là bao nhiêu. Trong khi đó, căn cứ tiền thưởng cho nhà thầu ngoài khoản tiết kiệm chi phí điều chỉnh giá 9,6 tỉ đồng, tiết kiệm chi phí dịch vụ tư vấn 48 tỉ đồng, thì lợi ích kinh tế xã hội (giá trị giả định) lại lên tới 1.441 tỉ đồng. Cụ thể, phần lợi ích kinh tế xã hội này được PMU Thăng Long tính dựa trên so sánh tốc độ xe chạy trên đường cũ và đường mới (lợi ích tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách, tiết kiệm do thời gian vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí vận hành) của năm 2012 là 206 tỉ đồng, năm 2013 là 1.148 tỉ đồng và năm 2014 là 86 tỉ đồng.

Theo một chuyên gia, khoản thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ phải được lấy từ tiền tiết kiệm chi phí do dự án mang lại (số dư nằm trong tổng mức đầu tư theo dự toán), chứ không thể tính toán lợi nhuận kiểu lấy số ngày vượt tiến độ nhân với lợi nhuận giả định, sẽ ra một khoản rất lớn và không hợp lý. Chưa kể, việc lập dự toán tiến độ thời gian hoàn thành dự án của chủ đầu tư cũng cần được xem xét kỹ, đã thực sự hợp lý chưa khi nhà thầu có thể vượt tiến độ đến hơn 1 năm so với kế hoạch.

Lún nứt chưa xử lý xong

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường xác nhận, Bộ đang xem xét đề xuất của PMU Thăng Long. Điều này đã được cam kết trong hợp đồng với các nhà thầu và theo quy định về tiền thưởng tiến độ tại Nghị định 12/2009 của Chính phủ. Cũng theo ông Trường, đến thời điểm hoàn thành, dự án chưa vượt tổng mức đầu tư nên số tiền thưởng được lấy trong quỹ dự phòng. Quan điểm của Bộ GTVT là sẽ thưởng, còn con số cụ thể là bao nhiêu sẽ được tính toán, không chắc là gần 180 tỉ đồng như đề xuất của PMU Thăng Long.

Tình trạng lún đang diễn ra - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, trước khi PMU Thăng Long đề xuất thưởng, đường vành đai 3 trên cao đã xuất hiện lún nứt kéo dài. Theo giải thích của Bộ GTVT, các đoạn lún nứt tại nút giao Khuất Duy Tiến... do xe quá tải lưu thông. Dự án đang trong thời hạn bảo hành nên toàn bộ kinh phí sửa chữa do nhà thầu đảm nhận. PMU Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và nhà thầu thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đã sửa chữa kịp thời.

Trả lời câu hỏi tại sao vẫn đề xuất thưởng trong khi chất lượng đường đang có vấn đề, ông Trường cho rằng “đây là hai vấn đề khác nhau”. Thưởng nhà thầu rút ngắn tiến độ nằm trong hợp đồng đã ký, còn hư hỏng mặt cầu vẫn nằm trong bảo hành, do ban quản lý, nhà thầu sửa chữa. Nếu nói chất lượng dự án có vấn đề thì phải do hội đồng nghiệm thu nhà nước đưa ra để xét về chất lượng.

Ở góc độ khác, theo ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, nguồn tiền thưởng sẽ do chủ đầu tư cân đối. Tuy nhiên, đây là dự án vốn vay ODA (vốn vay + vốn đối ứng trong nước từ ngân sách) nên về bản chất đều sử dụng vốn ngân sách. Chủ đầu tư huy động tiền thưởng từ nguồn nào thì cũng đều từ vốn ngân sách.

Trên thực tế, thưởng nhà thầu vượt tiến độ là hợp lý để khuyến khích các dự án về sớm so với tiến độ. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, hệ lụy của vượt tiến độ quá nhanh là chất lượng dự án cần được xem xét và kiểm soát chặt, bởi thưởng - phạt phải công minh, nếu chất lượng dự án không đảm bảo nhà thầu cũng cần bị phạt nặng làm gương. Bên cạnh đó, với các dự án vốn ngân sách, việc thưởng bao nhiêu cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, để có mức thưởng thực sự đúng người đúng việc, vì ngân sách cho ngành giao thông đã và đang rất khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên