Top

Báo động nhập siêu ngành thép

Cập nhật 06/05/2015 09:59

Mặc dù sản lượng cung trong nước đã vượt gấp đôi cầu, nhưng nhập siêu sản phẩm thép các loại vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm, khiến doanh nghiệp nội địa khó khăn thêm chồng chất.

Ế ẩm vẫn tăng nhập khẩu

Nhìn vào số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, con số nhập siêu ngành thép vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện mà đang trên đà tăng trưởng lũy tiến qua những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2013 nhập siêu của ngành thép đạt trên 5 tỷ USD, thì qua 2014  vượt hơn 6 tỷ USD. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 2,88 triệu tấn, trị giá là 1,72 tỷ USD, tăng 30,7% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.

Nguồn nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong quý I-2015 chủ yếu từ: Trung Quốc đạt 1,7 triệu tấn, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014; Hàn Quốc đạt 390 ngàn tấn, tăng 17,6%… Đáng chú ý, trong số này chủng loại thép nhập khẩu các loại từ thị trường Trung Quốc chiếm gần 50% qua các năm!

Thép nhập khẩu đang tràn vào trong nước. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Đặc biệt, lượng thép hợp kim chứa boron (B) nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn là loại thép được xếp vào diện có nguy cơ gian lận thuế (trong khi trong nước chưa sản xuất được) để được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% tiếp tục tăng vọt. Năm 2014, tổng lượng thép các loại nhập khẩu vào nước ta lên tới 11 triệu tấn, thì thép Bo chiếm tới gần 5 triệu tấn. Khi vào Việt Nam, thép Bo được “lách” để dùng làm thép xây dựng với giá bán thấp hơn thép xây dựng nội địa từ 1-2 triệu đồng/tấn.

Trước thực trạng này, nhiều nhà máy thép trong nước buộc phải giảm công suất, có nơi giảm tới 60%; thậm chí có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải giải thể hoặc đóng cửa. Bên cạnh việc nhập quá lớn thép Bo giá rẻ, một lượng lớn thép phế liệu cũng được nhập khẩu khiến sức ép ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp thép nội địa.

Trong khi đó, ghi nhận thị trường cho thấy, tiêu thụ thép trong nước tiếp tục ảm đạm do phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ, cũng như nguồn cung trong nước đang dư thừa, khiến các doanh nghiệp nội địa càng gặp khó khăn lớn. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ mặt hàng thép chỉ đạt hơn 300 ngàn tấn, giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2014 dù các doanh nghiệp đã đưa ra khá nhiều chương trình khuyến mãi nhằm tăng sức tiêu thụ.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam chỉ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng đạt từ 4%-5%. Điều đáng nói, công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn, tức vượt gần gấp đôi nhu cầu và đang tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với chính các doanh nghiệp trong ngành thép.

Chú trọng phòng vệ thương mại

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh vô cùng lớn khi thép nhập khẩu từ một số quốc gia vào Việt Nam được giảm thuế rất nhiều so với thời gian trước. Ngoài thị trường Trung Quốc, ngành thép trong nước sẽ đối mặt với sức ép lớn từ các quốc gia có thế mạnh về thép như: Belarus, Hàn Quốc, Nga khi các hiệp định thương mại đa phương, song phương có hiệu lực. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước đang tăng mạnh càng tạo ra áp lực lớn với việc hàng loạt dây chuyền sản xuất thép dài xuất hiện như: Possco SS, Formosa, Vinakyoei...

“Việc sản xuất thép nội địa vốn đã dư thừa trong khi chưa khai thác hết công suất, nhưng vẫn có một số nhà máy được cấp phép xây dựng dẫn tới sự mất cân đối cung cầu. Mặt khác, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của nước ta điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của một số sản phẩm thép, hợp kim, quặng sắt... giảm xuống còn 0%, trong giai đoạn 2015-2018 sẽ tác động mạnh, tạo ra nhiều thách thức lớn đối với doanh nghiệp nội địa”, một cán bộ Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công thương nói.

Trước những khó khăn, sức ép như trên, các doanh nghiệp trong ngành thép kiến nghị, cơ quan chức năng cần có những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp trong thời gian đầu hội nhập. Bằng cách đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình; tiếp tục đưa ra các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với thép cuộn chứa Bo nhập khẩu từ Trung Quốc, giúp doanh nghiệp nội có thể tăng sức cạnh tranh. Tiếp tục rà soát các dự án thép nhằm loại bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan gây mất cân đối cung cầu thép trong nước.

Mặt khác, cần sớm xây dựng lại các tiêu chuẩn quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu của doanh nghiệp, theo hướng siết chặt hơn, để giúp doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất, đồng thời giúp thanh lọc những hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu lan tràn trên thị trường.

“Ngoài ra, để ngành thép trong nước phát triển ổn định, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn tư nhân đấu thầu cạnh tranh các công trình có vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng cần nâng cao ý thức về phòng vệ thương mại, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay. Bởi thực tế hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành thép nói riêng vẫn chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình”, TS Trần Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế Đại học Công nghiệp TPHCM đề nghị.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP