Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh. |
Xây dựng những đô thị sinh thái là mong ước của nhiều nhà quy hoạch. Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực lại là một khoảng cách khá xa. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết:
- Khái niệm về đô thị sinh thái xuất hiện vài chục năm trở lại đây. Thế kỷ XVIII, Ebenezer Howard (người Anh) đã đề cập đến mô hình thành phố (TP) vườn, TP được quy hoạch và xây dựng với các không gian xanh và vành đai xanh, các phân khu chức năng như khu dân cư, khu công nghiệp (KCN), nông nghiệp được xây dựng khá tách biệt. Lúc đó, mọi người đều cho rằng đó là mô hình không tưởng.
Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều vấn đề môi trường đã nảy sinh do tốc độ phát triển kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa các TP trên thế giới rất cao như: Tài nguyên khai thác cạn kiệt, ô nhiễm môi trường. Công nghiệp hóa dẫn tới tầng ozon bị thủng, trái đất nóng lên, nước biển dâng… đô thị cũng tồn tại những bất cập như nghèo đói, quá tải về hạ tầng… Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được đô thị sử dụng tiết kiệm nhất tài nguyên thiên nhiên.
Có khi phải mất một thế hệ
* Thưa bà, mô hình đô thị sinh thái đã phát triển nhiều trên thế giới chưa?
- Cũng chưa nhiều lắm. Ở Thụy Điển, người ta đã xây dựng Symbio City (thành phố có sự phối hợp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị nhằm bảo vệ môi trường hiệu quả và tiết kiệm nhất) tại khu hải cảng cũ của Stockholm. Đây cũng là đô thị đầu tiên trên thế giới vận hành theo tiêu chuẩn bền vững với môi trường. Tại TP có 11 nghìn nóc nhà này, rác thải được tái chế làm nhiên liệu sưởi ấm; các tòa nhà lắp các tấm pin mặt trời, TP có một nhà máy điện chạy bằng sức gió; nước mưa được thu gom, xử lý và tận dụng cung cấp trở lại cho hệ thống các nhà vệ sinh, giúp giảm bớt khai thác nước ngầm… Như vậy, trong một TP sinh thái mọi thứ phải được tận dụng tối đa nhằm tiết kiệm tài nguyên và tránh gây ô nhiễm môi trường.
* Ý tưởng xây dựng đô thị sinh thái đã được hình thành. Vậy từ ý tưởng đến hiện thực có lâu không?
- Có 2 loại hình đô thị sinh thái, đó là đô thị sinh thái cho vùng đô thị mới hoặc là đô thị cũ được sửa chữa, thay đổi trong điều kiện có thể thành đô thị theo kiểu đô thị sinh thái.
Đối với đô thị cũ, cải tạo thành đô thị sinh thái phải mất nhiều thời gian. Ở Nhật, người ta đã cải tạo thành công một khu hải cảng cũ thành đô thị sinh thái. Chính quyền TP Kitakyushu đã đưa ra quyết tâm xây dựng một đô thị sinh thái trên một khu rộng hơn 200ha, số tiền chi phí lên đến 6 tỷ đô-la Mỹ và phải mất 17 năm. Để thực hiện được điều này cần giải pháp đồng bộ: từ công tác quy hoạch, chương trình phát triển, nguồn kinh phí (bao gồm cả phần cứng cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật, cải tạo nhà dân…), ý thức của người dân…
Đối với đô thị sinh thái được xây dựng mới, thì việc xây dựng thường phải gắn với điểm dân cư hoặc đô thị nhỏ hiện có. Tại Việt Nam, Cty Buốc-bông An Hòa mong muốn xây dựng KCN sinh thái gắn với đô thị Trảng Bàng (Tây Ninh). Vấn đề xảy ra là quy hoạch KCN đã phê duyệt, quy hoạch huyện Trảng Bàng cũng đã được phê duyệt và muốn xây dựng phải điều chỉnh cả quy hoạch KCN và quy hoạch huyện Trảng Bàng. Để xây dựng nơi đây thành một đô thị sinh thái thì trước hết phải có quyết tâm của chính quyền (cả hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ hạ tầng khung), nhà đầu tư quyết tâm, nâng dần ý thức người dân. Nếu làm theo đúng lộ trình, nhanh cũng phải mất từ 15 - 20 năm, có khi gần cả một thế hệ.
Mang lại chất lượng cuộc sống cao
* Phải có những nguyên tắc nào để xây dựng đô thị sinh thái, thưa bà?
- Ý tưởng xây dựng mô hình sinh thái rất tuyệt vời bởi nó mang lại cho con người chất lượng sống cao hơn và bền vững hơn, trong đó có cả KCN sinh thái, khu dân cư sinh thái. Có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng TP sinh thái là: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người; trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng; giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho đô thị sinh thái, chưa có quy định chính thức bởi luật pháp. Theo quan điểm của tôi, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác cần phối hợp xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh những hoạt động liên quan đến vấn đề này.
* Theo bà, liệu có thể xây dựng mô hình đô thị sinh thái ở Việt Nam?
- Ở Việt Nam, mô hình như vậy rất khó khả thi vì đầu tư ban đầu đòi hỏi khoản kinh phí lớn, (khoảng 4,5 tỉ euro cho một đô thị như ở khu hải cảng cũ Stockholm). Nhưng Việt Nam có điều kiện phát triển mô hình sinh thái gần giống như vậy, chẳng hạn như mô hình TP vườn. Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, nền nông nghiệp vẫn là chủ đạo, mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Như vậy, từ nay đến 2020 còn hơn chục năm nữa.
Hiện nay, đô thị nước ta vẫn còn tình trạng đô thị nông nghiệp, tức là trong nội thành xen cài nông nghiệp và nông nghiệp ngoài ngoại thành. Ngoài ra còn xen cài KCN, khu đô thị mới phát triển. Nếu chính quyền đô thị nơi đó quan tâm đến môi trường, quan tâm đến phát triển bền vững (mô hình đô thị sinh thái cũng chính là mô hình phát triển bền vững), họ sẽ nghĩ đến vấn đề làm sao tránh khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp và không gian mặt nước… sao cho hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao ý thức của người dân, giải quyết được các vấn đề bất cập của đô thị như rác thải, ngập úng…
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quỹ đất nông nghiệp, quỹ đất cho cây xanh và không gian mặt nước vẫn còn và đây là những điều kiện thuận lợi. Như vậy, để làm được TP sinh thái vấn đề phải có kinh phí, có sự chủ động và tham gia của chính quyền và ý thức của người dân.
Tìm sự đồng thuận
* Muốn xây dựng một đô thị sinh thái thì sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng. Nhưng từ trước đến nay, hầu hết các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt xong mới công bố cho người dân. Như vậy, làm sao có thể tạo được sự đồng thuận trong việc hướng tới mục tiêu tốt đẹp là xây dựng một đô thị như vậy?
- Đúng là quy trình lập quy hoạch hiện nay vẫn còn những tồn tại. Sau khi nhà tư vấn làm việc với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thì mới lấy ý kiến của người dân. Mặc dù trình độ dân trí nước ta khá cao nhưng không phải ai cũng đọc được đồ án quy hoạch. Nhiều khi người dân cũng không thể hiểu, không thể xác định ngôi nhà của họ ở đâu, hiện trạng đô thị như thế nào… và từ đó họ cũng không thể tham gia đóng góp ý kiến.
Khi Luật Quy hoạch đô thị chính thức có hiệu lực, những quy định chi tiết về vấn đề này sẽ có sự thay đổi: cộng đồng sẽ được tham vấn, đóng góp ý kiến. Và việc tìm được sự đồng thuận từ nguời dân sẽ gần hơn.
* Thế với Hà Nội và TP.HCM, liệu chúng ta có xây dựng được thành đô thị sinh thái?
- Với khả năng hiện tại, chúng ta chỉ có thể bắt đầu từ những khu nhỏ, tận dụng những điều kiện vốn có để phát triển. Vì thế, mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái đối với Hà Nội và TP.HCM còn rất xa. Muốn thực hiện phải có một lộ trình và kế hoạch cụ thể, từ công tác quy hoạch đến việc triển khai xây dựng, có vốn đầu tư, sự quyết tâm của chính quyền địa phương và ý thức cao của người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: