Top

Thực trạng buông lỏng dự án (K4):Loay hoay phương án khả thi

Cập nhật 22/09/2014 14:28

Dù 3 lần được Thanh tra Chính phủ và Bộ Xây dựng thanh tra, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, nhưng việc sai phạm ở dự án nhà ở gia đình kết hợp dịch vụ Phương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều đáng nói vụ việc này đã kéo dài từ… 10 năm trước. Thí dụ nhỏ này cho thấy chúng ta chưa có một cơ chế thực sự hiệu quả để giải quyết các sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

>> Thực trạng buông lỏng dự án (K3): Thiếu giám sát ngay từ đầu

>> Thực trạng buông lỏng dự án (K2): Chính quyền thiếu trách nhiệm?

>> Thực trạng buông lỏng dự án (K1): Giơ cao đánh khẽ

Trách nhiệm không thuộc địa phương?

Như ĐTTC đã đề cập, việc doanh nghiệp qua mặt, lấn lướt, liên tục sai phạm tại các dự án khi thi công, xây dựng có một phần không nhỏ xuất phát từ công tác quản lý giám sát yếu kém lẫn sự bao che, nhân nhượng của cơ quan quản lý địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm các đơn vị này như thế nào lại ít được đề cập tới.

Có dư luận rằng đằng sau việc cấp phép, xử phạt tồn tại những lợi ích nhóm mờ ám, làm méo mó luật pháp. Điều này không phải không có lý khi rất nhiều công trình sai phạm nhưng không thấy cơ quan chức năng tiến hành xử phạt, hoặc xử phạt xong cho tiếp tục tồn tại, dẫn đến nhờn luật. Để xử lý dứt điểm thực trạng này, trước tiên phải triệt tiêu những lợi ích mờ ám, đi kèm với đó là xử phạt hành chính thật nặng.

TS. Phạm Sĩ Liêm
 

Đơn cử sai phạm tại dự án nhà ở gia đình kết hợp dịch vụ Phương Mai, theo Thanh tra Chính phủ, 25 hộ dân ở đường Lương Định Của đồng loạt tố cáo ông Nguyễn Việt Trung (Phó Chủ tịch quận Đống Đa) cùng Giám đốc Công ty TNHH Bảo Long Đinh Văn Cường đã cưỡng chế, phá dỡ nhà trái luật để lấy đất thực hiện dự án nhà ở gia đình kết hợp dịch vụ tại khu chợ tạm Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa.

Bộ Xây dựng đã 2 lần lập đoàn thanh tra nhưng không thể kết luận hết những vấn đề người dân tố cáo. Đặc biệt, hồ sơ vụ việc cho biết tại lần thanh tra lần thứ nhất từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2008, có 4 trong 9 nội dung Thanh tra Bộ Xây dựng không thể tiến hành để đưa ra kết luận vì “thái độ chống đối, thiếu hợp tác của Công ty Bảo Long” và “thái độ bao che dung túng của chính quyền các cấp tại địa phương” (?).

Khi ĐTTC đặt vấn đề vì sao “thái độ bao che dung túng” của địa phương không bị xử lý thì nhận được câu trả lời “vụ việc đang được thanh tra, chưa có kết quả”.

Dự án nhà ở kết hợp văn phòng làm việc 55A, 55B, 53D ở phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm đã xây tới 14 tầng trong khi chỉ được Sở Xây dựng cấp phép xây 3 tầng hầm, 9 tầng nổi. Để hợp thức hóa vi phạm, UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội đều có văn bản đề nghị Sở Xây dựng cấp phép điều chỉnh bổ sung để chủ đầu tư được nâng tầng làm bảo tàng tư nhân.

Theo ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, trong quá trình kiểm tra vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng, đã phát hiện 4 sai phạm của Sở Xây dựng trong cả 2 lần cấp phép cho công trình trên.

Tuy nhiên, việc xử lý những sai phạm lại rơi vào tình trạng nội bộ, không ai biết. Hay sai phạm vừa xảy ra tại dự án Hỗn hợp dịch vụ, thương mại và căn hộ T&T Vĩnh Hưng, chủ đầu tư chỉ được cấp phép thi công 6 cọc thí nghiệm để làm cơ sở để thiết kế kỹ thuật thi công nhưng đã cố tình thi công gần 20 cọc ép móng không có giấy phép xây dựng, gây lún, nứt nhiều nhà dân xung quanh. Việc thi công này được chính UBND phường Vĩnh Hưng tạo điều kiện nhưng đến nay, trách nhiệm của địa phương, cụ thể là UBND phường Vĩnh Hưng gần như không được đề cập.

Theo các chuyên gia, chúng ta không thiếu các quy phạm pháp luật để giải quyết những trường hợp này. Cán bộ công chức làm sai sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức hoặc xử lý vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Nhưng việc xử lý thiên về kiểm điểm nội bộ đang khiến trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa được nhìn nhận thỏa đáng.

Phạt tiền: biện pháp không triệt để

Tăng mức phạt tiền là biện pháp đang được đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp vi phạm trong xây dựng và đến nay, đây cũng được coi là biện pháp hữu hiệu sau việc bắt buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình. Theo đó, Hà Nội quy định phạt gấp đôi mức quy định tại Nghị định 121 của Chính phủ đối với 29 hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng từng gây tranh cãi với Thông tư 02 hướng dẫn thi hành Nghị định 121, khi quy định chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình.

Tuy nhiên, dù tiền phạt có tăng thêm gấp đôi, biện pháp này cũng chưa mang tính răn đe tuyệt đối. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết nhiều chủ đầu tư sẵn sàng làm sai rồi nộp phạt, bởi lợi nhuận phần sai phạm mang lại lớn gấp nhiều lần mức tiền phải nộp phạt.
 

Phạt tiền các dự án sai phạm chưa phải là biện pháp triệt để.

Nhiều chuyên gia xây dựng cũng khẳng định việc xử lý bằng tiền trong khi hệ thống thanh tra, chính quyền địa phương bao che sẽ không đạt được tác động như mong muốn, bởi khi “sự đã rồi”, việc xử lý các công trình sai phép trong xây dựng hoàn toàn không đơn giản.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư