Top

Thành lập ngân hàng quỹ đất: Mới bao giờ cũng khó

Cập nhật 05/12/2016 15:14

Quy định hạn điền và chính sách giá đất đang cản trở việc hình thành một thị trường đất đai nông nghiệp đúng nghĩa

Ý tưởng đột phá

Đầu tháng 11/2016, liên Bộ TN-MT và NN&PTNT đề xuất trước Quốc hội về việc sửa đổi Điều 129 Luật Đất đai, trong đó đề nghị xóa bỏ quy định về hạn điền. Song song đó, hai bộ nói trên cũng sẽ phối hợp nghiên cứu thành lập một “ngân hàng quỹ đất” nhằm huy động đất nông nghiệp chưa sử dụng để cho DN thuê lại bằng hình thức tương tự như cho vay vốn ở các TCTD.

Theo đề xuất này, ngân hàng quỹ đất sẽ được thành lập và hoạt động như một DN dịch vụ công hoặc phi lợi nhuận. Bộ máy của ngân hàng sẽ do Nhà nước thành lập và quản lý. Công việc chính của ngân hàng này là nhận lại các diện tích đất chưa sử dụng của các nông trường cũng như thuê lại ruộng đất bỏ hoang của người dân rồi cho DN thuê lại để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.


Quy định quyền sử dụng đất nông nghiệp là quyền tài sản sẽ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển

TS. Nguyễn Đức Kiên (Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho rằng, việc hình thành ngân hàng quỹ đất nông nghiệp là hợp lý, bởi trong sản xuất công nghiệp Nhà nước cũng tiến hành cổ phần hóa (CPH) các DNNN, chuyển tài sản cho các chủ sở hữu khác để sử dụng hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu hình thành được ngân hàng quỹ đất thì nông dân có đất chưa sử dụng có thể gửi lấy lãi, trong khi DN cần đất có thể thuê lại để sử dụng tài sản hiệu quả hơn.

Tương tự, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IFSARD) cũng cho rằng, hiện nay việc tập hợp quỹ đất ở tại các đô thị đã làm được. Trong khi đó, hiện ở nông thôn, nhiều người dân muốn bỏ ruộng, hoặc cho thuê mướn lại đất đai. Vì thế việc hình thành một ngân hàng quỹ đất nông nghiệp có cơ sở để triển khai.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, để thành lập được ngân hàng quỹ đất thì trước hết phải tạo được khung pháp lý cho hoạt động của đơn vị này. Bởi hiện nay, Luật Đất đai quy định tổ chức Nhà nước không được đứng ra thu hồi đất của dân.

Ở góc độ khác, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, mặc dù ý tưởng thành lập ngân hàng đất rất mới mẻ và táo bạo, nhưng để thực thi nó là khá khó khăn.

Trước mắt, về mặt pháp lý, chủ trương thành lập ngân hàng đất phải được Quốc hội cho phép. Tiếp sau đó, khi triển khai thì phải tính toán, làm rõ đơn vị nào sẽ chi trả kinh phí hoạt động cho bộ máy của ngân hàng này và là bao nhiêu; liệu có rơi vào tình trạng “bao cấp”, lãng phí không?

Ngoài ra, các vấn đề như đảm bảo an toàn cho quỹ đất của người gửi, cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa ngân hàng đất với người gửi như thế nào cũng cần được quy định rõ, nếu không sẽ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nhiều khi còn phức tạp hơn so với trước khi có ngân hàng đất.

Bỏ hạn điền mới là mấu chốt

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, ý tưởng thành lập ngân hàng quỹ đất nông nghiệp xét đến cùng là hướng đến tích tụ ruộng đất và sử dụng tài sản đất đai hiệu quả. Vì vậy, thay vì thành lập ngân hàng này thì trong hoàn cảnh hiện nay, các địa phương nên thực hiện tích tụ ruộng đất theo hình thức liên kết giữa nông dân với các hợp tác xã (HTX) và các DN nông nghiệp.

Ông Công dẫn chứng tại Đồng Tháp, mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng này đã diễn ra khá hiệu quả. Chính quyền địa phương khuyến khích các DN, HTX mua đất nông nghiệp của người dân. Nếu người dân không bán thì có thể góp vốn bằng chính mảnh đất của họ. Tập thể nào tập trung được từ 3ha đất trở lên sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất và hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ bản.

Đồng tình cách thức trên, tuy nhiên PGS-TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II cho rằng, điểm mấu chốt để thúc đẩy tích tụ ruộng đất là phải tạo ra một thị trường mua bán đất nông nghiệp đúng nghĩa. Trong đó phải xóa bỏ quy định về hạn điền và công nhận quyền sử dụng đất của người dân.

Theo ông Khải, hiện nay quy định về hạn điền không có nhiều ý nghĩa. Bởi nếu đúng pháp lý, mặc dù Luật Đất đai quy định hạn điền đối với nông hộ nhưng lại không giới hạn với DN. Do đó, muốn sở hữu nhiều đất, các hộ dân chỉ cần thành lập DN là có thể thuê hoặc mua từ người khác. Đứng về mặt hiệu quả kinh tế, chính sách hạn điền cũng không cần thiết bởi sản xuất nông nghiệp cần sự kiểm soát chặt chẽ trên từng thửa ruộng, vườn cây, thậm chí đến từng cá thể cây trồng vật nuôi. Vì vậy, nếu không có quy định hạn điền tự người dân cũng không dám tích tụ diện tích đất quá lớn, vượt quá khả năng tổ chức sản xuất của mình.

Riêng về quyền sở hữu đất nông nghiệp, ông Khải cho rằng theo quy định hiện nay mặc dù đất đai vẫn chưa được thừa nhận là thuộc quyền sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần xem xét thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, tức là có thể làm hàng hóa để mua bán. Khi đất đai trở thành hàng hóa sẽ tạo ra thị trường đất đai đúng nghĩa, đồng thời xóa được nguy cơ tiềm ẩn của tham nhũng đất đai và mâu thuẫn xã hội, xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với nông dân.

Người dân yếu thế trong giao dịch đất nông nghiệp

TS. Trần Thị Minh Châu, Học viện Hành chính Chính trị quốc gia tại TP.HCM nêu quan điểm, với các quy định của Luật Đất đai hiện nay người dân luôn ở vào thế yếu khi tiến hành các giao dịch mua bán đất nông nghiệp.

Cụ thể: Thứ nhất, do quy định người dân chỉ được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp nên giá trị chuyển quyền sử dụng đất thành tiền không lớn, không khuyến khích người nông dân chuyển quyền sử dụng này cho người khác.

Thứ hai, Nhà nước được toàn quyền quy hoạch và thu hồi đất nông nghiệp để chuyển thành đất đô thị hoặc đất kinh doanh mà nông dân không có quyền thỏa thuận giá đất bị thu hồi, cũng như không có quyền phản đối hoặc đòi hỏi đền bù thỏa đáng quyền lợi của mình.

Thứ ba, do thị trường đất nông nghiệp hoạt động rất èo uột nên hầu như không thể thu thập được thông tin tin cậy về giá. Do không có thông tin giá thị trường thuyết phục nên các tổ chức định giá đất thường lấy giá quy định từ đầu năm của chính quyền cấp tỉnh. Cách làm này dẫn đến hệ lụy là khuyến khích nông dân chây ì đồng thời tạo ra tâm lý bất bình cho người dân do nhận thức mình bị thiệt thòi.



DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng