Top

“Ổ chuột hóa” chung cư

Cập nhật 02/06/2015 09:39

Không chỉ xuất hiện tại các chung cư cũ, hiện nay việc sử dụng, lấn chiếm  không gian công cộng đã xảy ra tại nhiều khu chung cư mới xây, tạo nên những hình ảnh nhếch nhác, phản cảm cho bộ mặt các chung cư nói riêng và cảnh quan đô thị nói chung.


Hàng quán vây kín chung cư tại phố Trần Bình

Xé nát bộ mặt đô thị

Do khả năng sinh lợi cao cũng như xuất phát từ nhu cầu mưu sinh, hiện nay hầu hết diện tích tầng 1 tại nhiều chung cư cao tầng, sang trọng trên địa bàn Hà Nội nếu không được cho thuê để làm nơi kinh doanh, thì bằng cách này hay cách khác cũng bị lấn chiếm để buôn bán hoặc sử dụng vào các mục đích khác nhau, tạo nên sự lộn xộn cho bộ mặt đô thị.

Chung cư 172 phố Trần Bình (quận Nam Từ Liêm) là một chung cư mới được xây dựng song bộ mặt của chung cư này đã khá nhếch nhác vì toàn bộ phần mặt tiền tầng 1 bao quanh tòa nhà đã được cho thuê làm cửa hàng phục vụ ăn uống như quán bia hơi, quán phở và các hàng quán bán hoa quả, nước mía... Điều đáng nói, các cửa hàng này bày bàn ghế chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ, diện tích vỉa hè cũng được các cửa hàng tận dụng làm chỗ để xe của khách, vì thế người đi bộ chỉ có cách đi xuống lòng đường. Các loại rác thải như bã mía, xỉ than, nước bẩn... bị các hàng quán này đổ bừa ra đường gây nên hình ảnh phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Những hình ảnh này khiến cho người ta liên tưởng đến hiện tượng “ổ chuột hóa” chung cư bởi nhìn qua khu chung cư này không khác gì một cái chợ, không gian công cộng tại đây vì thế rất nhếch nhác, lộn xộn, ngột ngạt...

Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cũng có không ít hình ảnh như vậy, nhiều khu chung cư tại đây cũng đang rất lộn xộn. Tại chung cư CT2-X2, toàn bộ mặt tiền tầng 1 của chung cư này đoạn giáp với đường bờ sông hiện đã được cho thuê làm nhà hàng. Toàn bộ phần không gian đi bộ ở mặt tiền tòa nhà này cũng đã bị các nhà hàng chiếm dụng để kê bàn ghế cho khách ăn uống. Những lúc quán đông khách, xe cộ dựng hết trên vỉa hè khiến người dân không sử dụng được. Tại chung cư CT1-X1, một số nhà hàng cũng bày bán trên phần diện tích chung, là nơi dành cho cư dân vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn. Một số khuôn viên trồng cây cảnh được người dân tận dụng biến thành vườn rau của gia đình. Những hình ảnh này khiến không ít người liên tưởng hình ảnh đô thị hiện đại đang bị nông thôn hóa, góp phần làm mất đi vẻ thanh lịch của một khu đô thị được coi là kiểu mẫu của thành phố. Trong khi đó, tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), nhiều diện tích vỉa hè cũng được người dân của khu đô thị cũng như người dân từ nơi khác đến chiếm dụng để bán trà đá, quà vặt, thậm chí là các loại thực phẩm, rau xanh...

Buông lỏng quản lý?

Khi được hỏi ý kiến, nhiều người dân tại các khu chung cư cho biết họ rất muốn có không gian yên tĩnh cũng như có cảnh quan đô thị ngăn nắp, sạch sẽ để nghỉ ngơi, sinh hoạt, song việc hàng quán ngày càng vây chặt chung cư khiến cho nguyện vọng này có vẻ ngày càng xa vời.

Bác Bùi Thị Hoa, một cư dân tại khu đô thị Nam Trung Yên cho biết, trước đây hiện tượng này ít xảy ra, tuy nhiên vài năm trở lại đây, việc các quán cóc mọc lên trên vỉa hè, kinh doanh buôn bán trên sân chơi chung ngày càng nhiều lên nên bộ mặt khu đô thị đang thay đổi theo chiều xấu đi.

Mặc dù không ủng hộ điều này, tuy nhiên bản thân người dân ở các chung cư này ít nhiều cũng thừa nhận sự thuận tiện khi có nhiều cửa hàng, dịch vụ tiện ích ngay tại khu chung cư mà mình đang sinh sống. Vấn đề là phải bố trí và quản lý như thế nào để không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và lợi ích công cộng.

Lý giải cho hiện tượng hàng quán ngập tràn các khu chung cư, Kiến trúc sư Trần Công Thanh cho rằng, điều đó xuất phát từ nhu cầu và lực lượng làm thương mại trong đời sống kinh tế, xã hội rất lớn. Đối với các chung cư cũ, do trước đây khi xây dựng người ta chỉ tập trung cho không gian cư trú, dẫn đến thiếu không gian thương mại và đó là lý do vì sao tại các khu chung cư này, hàng quán đông đúc, tràn hết ra vỉa hè, đường phố.

Đối với các khu chung cư, khu đô thị mới, theo nguyên tắc, việc quy hoạch chức năng của từng khu (chỗ nào để ở, chỗ nào để kinh doanh, diện tích bao nhiêu...) trong dự án đã phải đi trước một bước. Nhưng hiện nay các chủ đầu tư không làm thế, hoặc họ không cho ai biết rõ, mà tùy tình hình diễn ra có lợi cho DN đến đâu thì DN giải quyết đến đó, dẫn đến sự lộn xộn trong sử dụng, khai thác tòa nhà. Vì thế, theo ông Trần Công Thanh, việc sử dụng sai diện tích, vị trí kinh doanh không theo quy định là do DN đầu tư và do sự quản lý của chính quyền địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, lỗi trước hết ở phần thiết kế. Theo đó, các nhà chung cư nên bố trí theo đường phố, thiết kế chung cư phải phù hợp, không nên bố trí căn hộ tại tầng 1 mà tầng 1 hoặc một vài tầng nên dành cho cửa hàng, văn phòng, triển lãm... để cho thuê. Nếu được vậy thì đô thị sẽ rất văn minh, không còn cảnh nhếch nhác nữa. Theo TS Liêm, khi có việc vi phạm, Ban quản trị cần xử lý, nếu xử lý không được cần báo cáo chính quyền địa phương như quản lý đô thị, công an phường... Để việc buôn bán tràn lan lỗi là ở Ban quản trị chung cư, đơn vị đại diện cho quyền lợi của người dân tòa nhà, và sau đó là chính quyền địa phương.

Để hạn chế tình trạng này, theo KTS Trần Công Thanh, Nhà nước phải có cơ chế quản lý rõ ràng, khoa học, đầy đủ và toàn diện theo yêu cầu của lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Hiện nay việc quản lý đang bị buông lỏng, vì thế trách nhiệm bị giảm sút. Cần tổ chức đội ngũ làm công tác quản lý xây dựng cơ bản lành nghề; rà soát lại đội ngũ để loại bỏ những người thiếu trách nhiệm.


DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan