Top

Nóng thị trường thuê đất khu công nghiệp

Cập nhật 08/01/2019 10:48

Với nhiều tiềm năng hỗ trợ sản xuất kinh doanh tốt, năm 2018 tỉnh Đồng Nai thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự “bùng nổ” trên, giá thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) liên tục bị đẩy lên cao.

                                   
Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng giá cho thuê đất.

Giá thuê đất chưa dừng lại

Theo đánh giá của các sở, ngành tỉnh Đồng Nai, đầu tư của tỉnh trong năm 2018 đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh. Cụ thể, năm 2018, Đồng Nai thu hút đầu tư trong nước là 27.000 tỷ đồng, bằng 95,6% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đổ bộ vào địa bàn tỉnh với 1.850 triệu USD, đạt 185% so với kế hoạch đề ra, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt 3.500 DN, tăng 4%.

Mặc dù tỉnh thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư, song khó khăn nhất hiện nay là nhiều DN nhỏ và vừa gặp vướng mắc trong việc thuê đất tại các KCN. Lý do, giá thuê đất trong các KCN liên tục bị đẩy lên cao trong thời gian qua. Ghi nhận, giá thuê đất tại các KCN của Đồng Nai tăng từ 10 – 15%. Đơn cử, KCN Nhơn Trạch giá thuê đất dao động từ 85 – 100 USD/m2 cho thời hạn trên dưới 40 năm. Giá thuê đất của KCN Giang Điền hiện ở mức 90 USD/m2. Tương tự, giá thuê đất của KCN Amata (Biên Hòa) đang ở mức 100 USD/m2. Dự kiến, thời gian tới giá thuê đất KCN này tăng thêm 10% trở lên.

Ông Nguyễn Thế Vinh – đại diện một DN than vãn: “Giờ kiếm đất để thuê trong các KCN làm nhà xưởng không dễ. Chẳng hiểu lý do gì mà giá thuê đất cứ tăng lên vù vù. Tôi săn lùng mấy KCN trong vài tháng nay nhưng khu nào giá đất cho thuê cũng cao ngất ngưởng. Đắt thế, đắt nữa cũng phải thuê để ổn định sản xuất”. Theo ông Vinh, với mức thuê cao như trên, chỉ có DN vừa và nhỏ mới gặp khó khăn, còn đối với DN nước ngoài chẳng vấn đề. Theo ghi nhận của  phóng viên, do giá thuê đất trong các KCN quá cao nên đa  số DN vừa và nhỏ đang phải tìm đất ở các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo các công ty đầu tư hạ tầng KCN, sắp tới đây giá thuê đất KCN tiếp tục lên cao vì diện tích đất trống trong các khu đang thu hẹp, đặc biệt khi làn sóng đầu tư vào Đồng Nai ngày một nhiều. Trước tình trạng trên, hầu hết chủ đầu tư hạ tầng nói rằng, hàng loạt nguyên nhân đã tạo thành sự cộng hưởng không nhỏ đẩy giá thuê đất KCN tại Đồng Nai tăng cao. Thứ nhất, giá đất trên thị trường tăng cao tác động không nhỏ đến giá bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thứ hai, chi phí xây dựng hạ tầng tăng kéo theo giá thuê đất lên cao. Ngoài ra, dự án sân bay Long Thành đang hứa hẹn những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy DN đổ xô vào KCN lân cận.

Hỗ trợ phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, chỉ tính riêng năm 2018 có khoảng 150 ha đất trong các KCN được cho thuê, vượt 50% so với kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện nay, các KCN của Đồng Nai có tỷ lệ lấp đầy là trên 76%. Trong đó, có 3 KCN thu hút nhiều dự án đầu tư nhà xưởng là KCN Amata với 152 dự án, KCN Biên Hòa 2 119 dự án, KCN Long Thành có 115 dự án. Đây là những KCN “đắt khách” trên địa bàn tỉnh. Nói về khó khăn của DN trong xây dựng nhà xưởng ở các KCN, ông Mai Văn Nhơn – Phó Ban Quản lý các KCN Đồng Nai khẳng định: “Không có sự phân biệt giữa DN trong và ngoài nước. Thuê được đất hay không là do tài chính của DN quyết định”. Theo ông Nhơn, các KCN lựa chọn các nhà đầu tư dựa trên tiêu chí phù hợp, quy định ngành nghề. Các KCN đang hướng đến những dự án sản xuất theo công nghệ hiện đại, xanh, sạch…

Ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai thông tin, hiện Đồng Nai có 35 KCN, trong đó có 32 khu đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 70%. Như vậy dư địa của KCN còn nhiều. Tuy nhiên, các KCN đang chọn lọc các nhà đầu tư là DN hỗ trợ và DN công nghệ cao. Bên cạnh 35 KCN, Đồng Nai còn có 27 cụm công nghiệp, đã có 14 cụm công nghiệp hoạt động với trên 195 DN. 13 cụm công nghiệp còn lại đang vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng vì vừa rồi giá đất tăng đột biến. Điều này vô hình chung dẫn đến tình trạng trì trệ xây dựng hạ tậng, trong khi nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh rất lớn.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ DN về hạ tầng và sản xuất, ông Dũng khẳng định, năm 2016 Sở Công thương có trình HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho các cụm công nghiệp phát triển. Đặc biệt là các cụm công nghiệp vùng sâu, vùng xa đầu tư không lợi nhuận như: Định Quán, Tân Phú... Theo đó, tỉnh hỗ trợ hạ tầng 20 tỷ đồng để triển khai khu xử lý nước thải tập trung. Song song đó, UBND tỉnh còn có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng rồi đưa nhà đầu tư vào triển khai.

Diaoconline.vn – Theo Đại Đoàn Kết