Top

Nhiều bất cập trong việc cải tạo chung cư cũ ở thủ đô

Cập nhật 08/12/2012 07:51

Vướng mắc GPMB, phải tăng diện tích nhà ở để đảm bảo giảm mật độ dân số, không thể thỏa thuận được với dân về giá nhà,... là những khó khăn trước mắt trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.

Dự án “rùa”


Chung cư cũ Giảng Võ là dự án điển hình cho những bất cập của việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội. Tại khu tập thể Giảng Võ, theo Sở Xây dựng Hà Nội, về cơ bản chất lượng hiện trạng các công trình đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Tuy nhiên trong số 22 chung cư cũ tại đây, mới có ba khu nhà đang triển khai cải tạo, trong đó chỉ có nhà C7 đã xây dựng xong phần thô. Còn dự án nhà B6, sau khá nhiều năm di dời dân song mới hoàn thành phá dỡ, đang trong giai đoạn thi công phần ngầm và đang hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng.
Dự án cải tạo nhà D2 Giảng Võ, sau hơn 2 năm chậm tiến độ vì mắc GPMB, nay cũng vừa xong việc phá dỡ nhà cũ, chuẩn bị khởi công, xây dựng nhà mới. Đây đều là các dự án phá dỡ, xây dựng lại các nhà nguy hiểm cấp cao nhất (cấp D) theo quy định của Luật Nhà ở.
 

Sau hơn 2 năm chậm tiến độ vì mắc GPMB, chung cư D2 Giảng Võ cũng vừa xong việc phá dỡ nhà cũ


Số còn lại gồm 19 khu nhà đã được giao nghiên cứu lập quy hoạch từ giai đoạn 2007-2009, nhưng đến nay các đơn vị được giao vẫn chưa thỏa thuận được các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch mặt bằng tổng thể, phương án kiến trúc sơ bộ.

Trong khi đó, theo Quy hoạch chung Thủ đô đã được duyệt, khu vực lõi đô thị (4 quận nội thành cũ, trong đó có Ba Đình) cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người. Đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp.

Khó đạt thỏa thuận với dân

Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, việc đảm bảo bài toán kinh tế của của các chủ đầu tư cùng với việc cải thiện diện tích nhà ở cho người dân trong khu vực dự án, và phải hạn chế tăng dân số là câu chuyện khó khả thi. Từ đó dẫn đến việc cải tạo chung cư cũ gặp khó vì các chủ đầu tư không thể cân đối tài chính.

Đó là chưa kể đến việc một số dự án được thực hiện trong giai đoạn trước, trong đó có chung cư Giảng Võ, với những ưu tiên về chính sách của thành phố, các chủ đầu tư đã áp dụng cơ chế “thoáng” rất có lợi cho người dân. Theo quy chế cải tạo nhà chung cư của UBND TP Hà Nội, sau khi cải tạo, các hộ dân được đền bù diện tích căn hộ với hệ số 1,4 - 1,7 lần so với căn hộ cũ, đồng thời được hỗ trợ di dời, tạm trú trong thời gian phá dỡ, xây mới căn nhà. Tuy nhiên, đa phần các hộ dân đều yêu cầu được đền bù diện tích trên 2 lần, thậm chí 3 lần. Vì thế những dự án triển khai vào thời điểm này vốn đã khó càng thêm khó.

Một mặt khó khác nữa điển hình như tại chung cư D2 Giảng Võ vừa được tổ chức cưỡng chế. Cho đến sát ngày cưỡng chế, chủ đầu tư và người dân vẫn chưa thống nhất được giá bán căn hộ. Có khoảng 6 hộ dân tại nhà D2 - Giảng Võ mong muốn được bán lại căn hộ cho chủ đầu tư chứ không muốn tái định cư tại chỗ sau khi nhà xây xong. Các hộ dân muốn bán nhà trực tiếp cho chủ đầu tư theo giá thị trường (khoảng 100 triệu đồng/m2) nhưng các chủ đầu tư lại chỉ đồng ý trả mức giá khoảng 60 triệu đồng/m2.

Trước thực trạng về việc cải tạo xây dựng các chung cư cũ như hiện nay, Sở Xây dựng đã đề nghị TP chỉ đạo Sở QH-KT sớm công bố các thông số, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm cơ sở cho các nhà đầu tư lập quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ.
Đối với những công trình không thỏa mãn các yêu cầu về quy hoạch - kiến trúc theo quy hoạch chung thủ đô, Sở đề nghị thay đổi phương thức thực hiện dự án để tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch. Hi vọng giải pháp này sẽ “cứu” các dự án chung cư cũ trên địa bàn như Thành Công, Thượng Đình, Nghĩa Tân... gần như đang “dậm chận tại chỗ” như hiện nay.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí