Top

Nhà nước không nên xuất tiền mua BĐS ế?

Cập nhật 16/12/2012 08:41

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng, nhà nước xuất tiền mua nhà hay giảm lãi suất cho dân như VAFI đề nghị chưa chắc là khả thi cho việc phá băng bất động sản (BĐS). Quan trọng hơn là hỗ trợ giảm giá thành cho các chủ địa ốc giải phóng hàng tồn.

Bên lề cuộc Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về một số nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 (do Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên môi trường và Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO tổ chức), ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai đã chia sẻ với báo chí về giải pháp phá băng bất động sản hiện nay.

Giá nhà còn rẻ nữa

* Tính đến này, nhiều dự án bất động sản đã hạ giá thành rất mạnh, từ 30-60% rồi, nhưng người mua vẫn không hào hứng. Theo ông điểm tắc là do đâu?

Ông Đào Trung Chính: Giá bất động sản thời gian qua đưa ra quá cao. Tất nhiên, vì đầu vào cao thì bán ra cũng cao dẫn đến quá sức chịu đựng của người dân. Nhưng quan trọng hơn là vì các nhà đầu tư chọn phân khúc cũng chưa đúng. Như việc nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, của cán bộ công chức là lớn nhưng ở phân khúc này trên thị trường, các nhà đầu tư lại chưa quan tâm nhiều.

Vì điều quan trọng nhất là mặt hàng của nhà đầu tư tuy đã giảm so với trước, nhưng so với sức mua của những người thực sự có nhu cầu thì vẫn còn cao. Chưa kể, việc giảm giá nhiều chủ yếu lại là những dự án bất động sản có giá trị lớn. Còn nhà đất phù hợp với túi tiền đại đa số người thu nhập thấp thì lại giảm ít.
 

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT (ảnh: Phạm Huyền)


* Vậy theo ông, mức giảm giá nhà ở nên là bao nhiêu để người dân có thể mua được?

- Để có thể tính toán xem giảm bao nhiêu là vừa thì chúng ta còn phải tính đến yếu tố tiềm lực tài chính hiện nay trong dân như thế nào, nếu như ta có thể quản lý nguồn thu nhập của người dân. Nhưng thực tế, thu nhập của người dân hiện nay có rất nhiều nguồn, ta không kiểm soát được nên không thể nói giảm bao nhiêu là vừa.

Theo tôi, tự bản thân thị trường sẽ phải điều tiết để giảm giá bao nhiêu thì phù hợp.

* Ông có cho rằng thời điểm này là thích hợp để người dân mua nhà?

- Tôi nghĩ là chưa, trừ trường hợp người nào có nhu cầu có nhà ngay để ở. Vì tôi cho rằng, giá bất động sản vẫn còn giảm nữa.
 

 

Bất động sản đóng băng là do đầu tư sai phân khúc ? (ảnh: P.H)


Nên giãn tiến độ tiền sử dụng đất hỗ trợ chủ đầu tư

* Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có đưa ra đề xuất Nhà nước bù lãi suất 3-5%/năm trong 3 năm 2013-2015, tương ứng khoảng 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thu nhập thấp mua nhà. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

- Khi hàng tồn đọng đang rất lớn như hiện nay thì các biện pháp khẩn thiết nhất là phải tìm cách để chủ đầu tư bán được hàng. Ví dụ như thuê mua, mua trả chậm, hoặc tìm mọi cách để hạ giá thành xuống.

Giải pháp của VAFI cũng rất đáng chú ý, hỗ trợ người dân mua nhà là quan trọng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất thường sẽ phải có độ trễ thời gian nhất định mới tác dụng vào thị trường. Mọi đề xuất phá băng bất động sản như vậy cần phải tính toán, có thể nó đã hợp lý nhưng hợp lý ở thời hạn trung hạn, dài hơi.

Theo tôi, Nhà nước có thể tính toán các biện pháp như có chính sách mua trả chậm, chính sách thuê mua, xem xét giãn tiến độ về nộp tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận.

Tôi được biết Bộ Tài chính cũng có giải pháp tháo gỡ. Tuần này, Bộ này sẽ bàn giải pháp tháo gỡ cho bất động sản TP HCM. Các giải pháp chủ yếu là thuế, vấn đề về nộp tiền sử dụng đất, vấn đề về cấp giấy chứng nhận để cho các chủ đầu tư có thể giải phóng nhanh, bán nhanh hàng của mình.

* Thưa ông, VAFI còn kiến nghị nên huy động nguồn vốn từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các địa phương đầu tư 25.0.000 căn để lập Quỹ nhà ở hiện nay, tạo đầu ra cho bất động sản. Liệu giải pháp này có khả thi không?

- Tôi cho là xem xét cho các nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất có khi còn hiệu quả hơn là Nhà nước xuất tiền ra để mua. Dù có thể, giải pháp này phạm ngay vào kế hoạch thu ngân sách của địa phương nhưng sẽ phù hợp hơn là lại đi xây ngay Quỹ nhà vì Ngân sách Nhà nước cũng rất khó khăn.

Nếu được chậm nộp tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp có thể dùng tiền đó để hoàn thiện nhanh hàng bất động sản sau đó bán nhanh thì có thể đỡ khó đi. Hiện nay, việc giãn nộp tiền sử dụng đất đã được thông qua nhưng các địa phương thực hiện thế nào mới là điều quan trọng.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet