Thị trường nhà đất từ đầu năm 2014 đến nay đã xuất hiện những chuyển biến tích cực. Khơi dòng về nguồn tài chính đổ vào thị trường này, hầu hết các chính sách trước đây còn chưa phù hợp, bó buộc khiến cả DN kinh doanh BĐS, nhà đầu tư và người mua nhà đều gặp khó, nay đã mở gần như hết van.
Từ năm ngoái, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Ngoài ra, Bộ này còn ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Phía NHNN thì có Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở. Mới nhất, NHNN đã ban hành Quyết định 21/QĐ-NHNN ngày 2/1/2014 về mức lãi suất của các NHTM áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ các khoản vay hỗ trợ nhà ở chỉ còn 5%/năm, từ mức 6% năm 2013.
Các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án để thế chấp ngân hàng khi vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng |
Nhiều chuyên gia tiếp tục hiến kế, để tạo sự chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, đặc biệt là tập trung giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, NHNN nên điều chỉnh thời hạn cho vay từ 10 năm lên 20 năm để phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay. Trường hợp vẫn giữ thời hạn vay 10 năm thì nên áp dụng thời hạn vay này cho tất cả các trường hợp vay từ năm 2014 đến ngày 1/6/2016 (ngày cuối cùng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng). Đồng thời cũng kiến nghị NHNN cho người vay được ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả nợ gốc và lãi, tạo điều kiện cho người vay tích lũy tài sản và dễ dàng trả nợ sau một thời gian dài làm việc…
Hay trước đây, HoREA từng có kiến nghị NHNN chỉ đạo các NHTM cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, tài sản là căn hộ hình thành trong tương lai. Điều này mới đây đã được giải quyết, theo đó Bộ Xây dựng, NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tư pháp đã ký một Thông tư liên tịch thông qua nội dung trên, cho phép các đối tượng thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội để thế chấp ngân hàng khi vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Có nhiều trường hợp mới phát sinh trong cuộc sống cũng được các ban, ngành liên quan và địa phương vào cuộc giải quyết. Điển hình như với TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa bàn có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, hiện có 20 hồ sơ của 20 dự án chung cư đề nghị xem xét chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó, 2 dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, 6 dự án đang trong quá trình thi công. Thành phố chủ trương ưu tiên những dự án đã hoàn chỉnh căn hộ, còn các dự án chỉ mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa khởi công thì chỉ xem xét cho phép chuyển đổi khi các chủ đầu tư chứng minh được năng lực, tính khả thi của dự án...
Những vấn đề gút mắc của DN về việc chia nhỏ căn hộ (một số trường hợp không chia nhỏ được, như những căn từ trên 70-80 m2 nếu chia nhỏ thì các tiêu chuẩn kỹ thuật không đảm bảo), Sở Xây dựng đã đề xuất giải pháp linh hoạt là có thể chuyển căn hộ trên 70 m2 từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội bằng cách, phần diện tích 70 m2 trở xuống được tính theo giá nhà ở xã hội, còn phần diện tích từ 71 m2 trở lên được tính bằng giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cộng thêm tiền sử dụng đất. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ giải quyết tốt hơn lượng tồn kho căn hộ.
Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận dung sai +5% diện tích (đến 73,50 m2/căn hộ) được tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng này. Cụ thể như trường hợp CTCP Đầu tư Tấn Hưng là chủ dự án nhà ở thương mại (chung cư Tân Kiên tại huyện Bình Chánh), gồm 653 căn hộ có diện tích 84 m2/căn đã xây dựng xong. Công ty đồng ý bán 70 m2 với giá 14 triệu đồng/m2 và tặng cho khách hàng 14 m2 còn lại. DN đề nghị cho khách hàng được vay trong nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Đây là trường hợp đặc biệt và có lợi cho người mua nhà, DN đang trình Sở Xây dựng và chờ UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, để nhà đầu tư đầy nhanh tiến độ tiêu thụ căn hộ của dự án. Một mặt nhà đầu tư thu hồi nhanh lại vốn, mặt khác tăng cung số lượng căn hộ vào thị trường theo hướng có lợi cho người mua nhà.
Như vậy, có thể thấy những mong muốn và kiến nghị của DN, những vướng mắc ảnh hưởng đến quyền lợi các đối tượng trong diện được hỗ trợ vốn để mua nhà ở đã được Chính phủ, các bộ, ngành từng bước tháo gỡ. Cho đến thời điểm này, có thể thấy van chính sách đã mở gần hết, thị trường có thể kỳ vọng khôi phục và từng bước có giao dịch nhà đất sôi động trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Nên giảm trách nhiệm cho người chứng nhận
Để giúp giải ngân nhanh hơn gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, các DN tại TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Xây dựng bãi bỏ việc đơn vị xác nhận nơi công tác và thực trạng về nhà ở phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình; thay thế bằng quy định người đứng tên vay vốn hỗ trợ phải chịu trách nhiệm khai báo về thực trạng nhà ở của mình để thủ trưởng các đơn vị sau khi kiểm tra sẽ dễ dàng chứng nhận. Nếu đề nghị này được thông qua, cánh cửa cho người có nhu cầu mua nhà sẽ còn thông thoáng hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: