Top

Mặt bằng bán lẻ: Ảm đạm hiện tại, triển vọng tương lai

Cập nhật 24/07/2014 08:31

Trong khi CBRE đưa ra nhận định, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ nhộn nhịp hơn do sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ quốc tế, thì Savills lại cho rằng, phân khúc này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội quý II giảm 1,9% so với quý trước

Thực tế buồn

Phóng viên tiến hành một cuộc khảo sát nhanh qua nhiều trung tâm thương mại (TTTM) và ghi nhận không khí ảm đạm vẫn đang bao trùm phân khúc này.

TTTM Chợ Mơ, một trong những chợ theo mô hình truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của Hà Nội, sau khi được chuyển đổi đã không thể đi vào hoạt động. Hình ảnh chợ mái vòm với hàng trăm gian hàng đủ các chủng loại luôn tấp nập kẻ mua người bán, nay đã được thay bằng khối nhà bê tông cao vút, nhưng vắng hoe.

Chợ Cửa Nam cũng một thời đông đúc, nay được chuyển đổi thành siêu thị, rất hiu hắt. Chợ Ô Chợ Dừa đã biến mất hoàn toàn và trở thành nhà hàng, quán karaoke, toàn bộ gian hàng bên trong đã bị bỏ hoang hoặc cho thuê làm văn phòng, điểm giao dịch ngân hàng...

Tại sảnh lớn tầng 1 Chợ Hàng Da, một số gian hàng quần áo giảm giá đến 70% vẫn ế khách, những khoảng trống lớn được cho thuê hoặc mượn ngắn hạn để “triển lãm” hàng giày da. Quầy bán rượu, bia vốn là một thế mạnh tại chợ Hàng Da trước đây, nhưng nay rất vắng khách, nhiều gian hàng đã đóng cửa. Khu vực tầng 2 được coi là sầm uất nhất TTTM này, nhưng cũng còn nhiều gian hàng trống. Tại khu vực chợ truyền thống dưới tầng hầm, khu vực hàng ăn, thực phẩm chỉ lèo tèo vài gian hàng.

TTTM Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) vẫn đang tạm dừng kinh doanh để tái cơ cấu. TTTM Parkson Thái Hà khách hàng chỉ thưa thớt và chủ yếu tới xem là chính. Nằm ngay tại trung tâm thành phố, TTTM Tràng Tiền sau khi được rót 400 tỷ đồng đầu tư nâng cấp với rất nhiều kỳ vọng, nay chỉ còn là nơi để những người tò mò, khách du lịch tới ngắm nhìn.

Bối cảnh trên hoàn toàn phù hợp với nhận định của Savills khi cho rằng, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý II/2014 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, công suất thuê giảm 8% và giá thuê tiếp tục giảm 10% theo năm.

Xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế

Trong khi đó, theo báo cáo của CBRE, trong quý II/2014, phân khúc mặt bằng bán lẻ Hà Nội không có dự án mới gia nhập thị trường. Do đó, nguồn cung không đổi ở mức 602.938 m2 diện tích cho thuê thực, bao gồm 20 TTTM, 2 trung tâm mua sắm tổng hợp và 8 sảnh thương mại.

Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt khoảng 38,9 USD/m2/tháng, giảm 1,9% so với quý trước. Cũng so với quý trước, giá thuê giảm 2,2% tại khu vực trung tâm và giảm 1,9% tại khu vực ngoài trung tâm.

Tỷ lệ trống của toàn thị trường trong quý II/2014 là 18,2%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với quý trước và 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trống của TTTM tăng 3,5 điểm phần trăm, đạt 18,6%. Trung tâm mua sắm tổng hợp có tỷ lệ trống tăng 8,9 điểm phần trăm theo quý, đạt 17,1%. Sảnh thương mại có tỷ lệ trống không thay đổi so với quý trước, duy trì tại mức 8,5%.

Tuy nhiên, theo CBRE, dấu hiệu tốt lành trên phân khúc này là trong quý II/2014, chuỗi cửa hàng kem lớn nhất thế giới Baskin Robbins đã mở cửa hàng đầu tiên tại thị trường Hà Nội sau khi đã mở 20 cửa hàng tại TP. HCM. Cửa hàng mới này nằm trên một trong những con đường chính tại trung tâm Hà Nội, nơi được coi là có giá thuê cao, nhưng vị trí đẹp, thu hút khách hàng và tiện lợi cho khách hàng.

Trong thời gian sắp tới, theo CBRE, thị trường bán lẻ được dự báo sẽ nhộn nhịp hơn và sẽ có thêm các nhà bán lẻ tham gia thị trường Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Một báo cáo gần đây của CBRE xếp Việt Nam đứng thứ hai trong 10 nước hấp dẫn nhất với các nhà bán lẻ châu Á trong năm 2014. Một khảo sát khác cũng được thực hiện bởi CBRE cho thấy, Hà Nội và TP. HCM nằm trong danh sách 10 thành phố được lựa chọn để mở cửa hàng năm 2014.

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Việt Nam đã giảm mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN xuống còn 0% cho 10.000 dòng hàng hóa chịu thuế. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà bán lẻ quốc tế và hàng hóa gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng đồng thời cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ trong nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản