Top

Cải tạo nhà ở và cải tạo đô thị: Một vài kinh nghiệm quốc tế

Kỳ 5: Kinh nghiệm của Mỹ

Cập nhật 07/09/2010 13:10

Mỹ là một cường quốc có tiềm lực mạnh về tài chính. Bởi vậy, quốc gia này ứng dụng và khai thác triệt để giải pháp thay đổi cấu trúc không gian khu chung cư cũ (KCCC) nhằm giải phóng các nguồn lực đô thị thông qua tái phát triển bằng cải tạo đô thị gắn với phát huy tiềm năng thương mại nhà ở, đất đai, phục vụ cho mục tiêu của xã hội phát triển.

Giải pháp thay đổi cấu trúc đã phát huy tiềm năng đất đai và thương mại được ứng dụng tại hàng loạt các bang New-york, Sanfransisco, Newjesy, California… Cùng với việc ra đời quy định quản lý đô thị, khuyến khích phát triển cao tầng, yêu cầu về tổ chức cảnh quan thông thoáng và phát triển không gian tuyến tính các mối quan hệ đường phố như tại Chicago và Seatle (1957).

Trung tâm đô thị có giá trị đất đai cao được tổ chức tái khai thác mạnh mẽ, điển hình là KCCC Pruitt Igoe tại St. Louis, Missouri xây dựng năm 1954, phá huỷ xây dựng lại 1974, hay khu Atlantic Center tại Brooklyn, New York-1986 hoặc The Centre City Los Angeles, California-1993 ...


Khu chung cưPruitt Igoe - St LouisMissouri

Tại Mỹ, không gian công cộng luôn được coi trọng và áp dụng trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả phát triển đô thị và cải tạo đô thị. Việc cải tạo khu vực trung tâm của Los Angeles không chỉ giới hạn ở việc xây dựng các toà tháp văn phòng mà còn tập trung vào những công trình văn hoá và tôn giáo, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, Nhạc viện trung tâm, Nhà thờ Thiên chúa giáo (2002) và Nhà hát giao hưởng Walt Disney (2003). Các hoạt động văn hoá rất được chú trọng nhằm đảm bảo cho khu vực trung tâm.

Dự án cải tạo Đại lộ chính (Grand Avenue) được đặt dưới sự điều hành của một uỷ ban bao gồm cả các chủ thể của chính quyền và khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư sử dụng cụm từ hình dung lại Đại lộ chính (reimagining Grand Avenue) để thể hiện rõ ý tưởng khơi gợi lại lợi ích của một không gian công cộng về góc độ văn hoá. Hai bên đại lộ là những công trình nổi tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (do kiến trúc sư Arata Isozaki thiết kế) và Nhà hát giao hưởng Walt Disney (tác phẩm của kiến trúc sư Frank Gehry).

Riêng với công trình nhà hát Walt Disney, kiến trúc sư Gehry đã khéo léo bố trí các quầy bán vé và cửa vào chính quay ra phía đại lộ mặc dù phần lớn khán giả thường sử dụng lối vào qua một loạt thang cuốn dẫn lên từ sáu tầng hầm để xe ở phía dưới nhà hát. Phần mặt tiền hướng ra đại lộ cũng được cách điệu như hình ảnh của một con tàu giữa đại dương mặc dù người ta không thể hình dung một cách chính xác những vạt tường uốn lượn bằng đá muốn gợi tả những cánh buồm, phần vỏ tàu hay những con sóng dưới thân tàu.

Bên cạnh chủ trương tạo sự kết nối giữa các công trình văn hoá chủ đạo, việc quy hoạch, cải tạo lại Grand Avenue theo hướng tạo thuận lợi cho người đi bộ còn được thể hiện rõ qua chủ trương cho xây dựng hàng loạt toà nhà làm nhà ở và khách sạn ở những khu vực lân cận, khuyến khích mở các quán cà phê, nhà hàng và thành lập một công viên đô thị có quy mô lớn (New Central Park). Toàn bộ khu công viên này được thiết kế nằm vuông góc với trục đại lộ và kéo dài sang phía đông tới tận Toà thị chính. Việc quy hoạch lại Grand Avenue và thành lập công viên New Central Park là một phương tiện giúp cho thành phố tạo lập một không gian tản bộ dành cho người dân và cả du khách trong khu vực trung tâm thành phố.

Như vậy, Los Angeles giờ đây không còn chỉ được biết đến như một thành phố của xe hơi và đường cao tốc mà còn chứng minh được những nét đặc trưng của không gian đô thị với hình ảnh của người đi bộ. Kể từ năm 2004, cứ đến mùa thu hàng năm, trục đại lộ này lại được các hội hoạt động văn hoá và nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tổ chức một kỳ festival.

>>Kỳ 1:Kinh nghiệm của Pháp
>>Kỳ 2:Kinh nghiệm của Trung Quốc
>>Kỳ 3: Kinh nghiệm của Singapore
>>Kỳ 4:Kinh nghiệm của Nga

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng