Top

Ít khả năng xảy ra khủng hoảng bất động sản

Cập nhật 20/07/2018 09:05

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” tổ chức ngày 18.7. Theo đó, năm 2019 rơi vào đúng chu kỳ 10 năm của lần khủng hoảng trước đó (lĩnh vực kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng), tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ này khó lặp lại, nhất là thị trường bất động sản.


Theo nhiều ý kiến, hiện tại thị trường bất động sản có một số tồn tại cần khắc phục như nguyên nhân cung - cầu vẫn đang mất cân đối, thực tế nhu cầu nhà ở tăng mạnh tại các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM, nơi có sự tăng trưởng nhanh về tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, với những yếu tố này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định không thể là “ngòi nổ” dẫn tới khủng hoảng bất động sản.

Ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TPHCM - phác thảo bức tranh thị trường bất động sản TPHCM. Cụ thể, nguồn cung nhà ở nói chung trong nửa đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, có gần 4.000 căn nhà cao cấp so với gần 5.200 căn nhà cao cấp trong cùng kỳ năm trước; nhà ở phân khúc trung cấp là 3.700 căn so với hơn 5.000 căn cùng kỳ năm trước và nhà ở phân khúc bình dân là 1.914 căn so với năm ngoái là 6.200 căn. Thị trường vẫn tương đối ổn định. Việc sốt đất nền diễn ra ở các quận huyện ven như quận 9, Thủ Đức... chủ yếu do hạ tầng giao thông phát triển mạnh. Các dự án được dần hoàn thiện như tuyến metro, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành, cầu Cát Lái, các tuyến đường vành đai hay mở rộng QL13... Ông Sơn đồng ý quan điểm là rất khó xảy ra bong bóng bất động sản. Bởi hiện nay nguồn cung nhà ở ra thị trường đã sụt giảm khi nhu cầu giảm vì bản thân các doanh nghiệp cũng khảo sát thị trường kỹ khi đưa ra dự án

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - phân tích sâu hơn: Có hai phân khúc đã có hiện tượng sốt là đất nền và condotel, trong đó giá đất nền còn “nóng” hơn trong năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay cơn sốt ảo đất nền về cơ bản được kiểm soát, kể cả ở các đặc khu hay khu vùng ven của TPHCM. Thế nhưng giá đất vẫn được neo giữ ở mức cao vì nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có người mua lại. Tuy nhiên việc này sẽ không thể kéo dài vì sức chịu đựng có hạn do nhiều người mua sử dụng vốn vay.

Ông Châu nhấn mạnh: Bong đóng bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ một số điều kiện. Thứ nhất là kinh tế phát triển nóng, dễ kiếm tiền và ai cũng muốn tìm nơi trú ẩn cho đồng tiền của mình. Nhưng kinh tế thế giới hiện nay không nóng và kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Tăng trưởng tín dụng 2017 chỉ hơn 6% trong khi 2009 tăng gần 9%. Thứ hai là có sự buông lỏng về chính sách tín dụng. Trong đợt khủng hoảng 2006- 2007, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam lên 37,8%. Hiện nay không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Thứ ba là lệch pha cung-cầu là có nhưng chưa đến mức độ phá vỡ sự cân bằng trên thị trường bất động sản. Thứ tư, có sự gia tăng của nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ, thậm chí 80-90% là những nhà đầu tư mua đi bán lại ở phân khúc đất nền và condotel nhưng cũng chưa đủ để tạo nên bong bóng thị trường bất động sản.

“Nhà nước đã đưa ra các công cụ điều chỉnh thị trường rất rõ. Vì vậy không thể có bong bóng xảy ra. Bản thân Nhà nước, nhà băng, người tiêu dùng đều thông minh hơn. Vì vậy không thể có bong bóng bất động sản trong năm 2018. Và với sự điều hành của Chính phủ hiện nay cũng chưa có bong bóng bất động sản trong năm 2019” - ông Lê Hoàng Châu khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động