Top

Ì ạch triển khai các dự án đường sắt đô thị

Cập nhật 23/04/2018 11:00

Ngoài việc đội vốn, tình trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT)tại Hà Nội và TPHCM trong thời gian qua hết sức ì ạch.

Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) cho biết trong số 7 dự án có đến 6 dự án ĐSĐT đều vỡ tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian hoàn thành.

Hà Nội điều chỉnh tiến độ 4 tuyến

Dự kiến trong năm nay chỉ có dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông sẽ hoàn thành. Song tính đến thời điểm hiện tại, tuyến ĐSĐT Cát linh-Hà Đông (13,05km) đã giải ngân được 479,68 triệu USD, đạt 66,6%, còn khoảng 189,94 triệu USD vốn vay ODA Trung Quốc chưa được giải ngân. Phần vốn đối ứng trong nước đến nay đã giải ngân được 2.658,1 tỷ đồng, đạt 64,2%.

Trong quý I-2018, tiến độ giải ngân dự án rất chậm, đạt 2,4 tỷ đồng, tương ứng 0,1% kế hoạch giải ngân cả năm, khoảng 3.233 tỷ đồng. Về khối lượng xây lắp hạ tầng dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông, Công ty hữu hạn Tập đoàn  Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC) đã hoàn thành 95% khối lượng, nhưng phần lắp đặt thiết bị mới hoàn thành khoảng 50-60% so với tổng giá trị trong hợp đồng. Tuy nhiên, công tác đàm phán hiệp định vay vốn bổ sung chậm 7 tháng, gây ảnh hưởng đến công tác thanh toán, giải ngân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.

Với tiến độ giải ngân các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM hiện nay, không ai có thể chắc chắn các dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành đúng cam kết. Rất có thể tiến độ các dự án sẽ thêm một lần nữa được điều chỉnh.

Đối với dự án ĐSĐT Yên Viên-Ngọc Hồi (24,8km), giai đoạn I đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017-2024. Dự án sau một thời gian dừng thi công đã được triển khai thi công lại vào tháng 2-2018, Bộ GTVT đánh giá khó khăn chính của dự án là bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp, trong khi nhu cầu vốn cho tái định cư cao.

Năm 2018, dự án dự kiến giải ngân 543 tỷ đồng, nhưng trong quý I giải ngân được khoảng 30 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tiến độ dự án, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm 1.400 tỷ đồng vốn đối ứng cho dự án trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Với tuyến ĐSĐT Nhổn-ga Hà Nội (12,5km), tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng đang được Hà Nội kiến nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến năm 2022. Đến nay dự án đã hoàn thành được khoảng 43% khối lượng công việc, hoàn thành GPMB các gói thầu CP01, CP02, CP04, CP05 và đang thực hiện GPMB các vị trí ga ngầm S9, S10, S11, S12 và di chuyển các công trình ngầm, nổi. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tiến độ giải ngân vốn dự án rất chậm.

Theo tính toán dự án mới giải ngân được khoảng 6.591 tỷ đồng, theo kế hoạch đến hết năm 2018 dự án phải hoàn thành giải ngân 14.204 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ ĐSĐT Nhổn-ga Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội đẩy nhanh GPMB 4 ga ngầm của dự án theo tiến độ cam kết với nhà tài trợ.
 

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. 

Một dự án ĐSĐT khác cũng đang được Hà Nội trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vào kỳ họp tháng 5-2018 là tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (dài 11,5km). Tuyến ĐSĐT này có tổng mức đầu tư được phê duyệt 19.555 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước đến nay mới giải ngân được 857,3 tỷ đồng, riêng trong quý I-2018 chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Thời gian thực hiện dự án ĐSĐT Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo dự kiến được điều chỉnh đến sau 2020, đến nay Ban quản lý dự án ĐSĐT đã hoàn thành GPMB các khu depot được 80%, đang tiếp tục GPMB các đoạn tuyến, ga trên cao, đoạn đi ngầm và các ga ngầm. Tuy nhiên, công tác GPMB dự án rất phức tạp, đặc biệt tại các nhà ga trung tâm, ga ngầm C9 nằm ở vị trí nhạy cảm, công tác lập quy hoạch mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn.

TPHCM vẫn còn vướng GPMB

Đánh giá tiến độ thi công 2 tuyến metro tại TPHCM, đối với tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, Bộ GTVT cho biết Ban Quản lý ĐSĐT TPHCM đã cơ bản hoàn thành GPMB, nhưng quá trình thi công vẫn còn một số vướng mắc tại vị trí dự án chạy qua khu đất Tổng công ty Ba Son, tổng công ty đã bàn giao 172m2 để thi công lối lên xuống nhà ga, 11.115m2 đất do tổng công ty quản lý vẫn chưa bàn giao vì chưa thỏa thuận xong phương án bồi thường.

Tuyến metro số 1 đã thi công đạt 51% khối lượng, các nhà thầu đang triển khai 4 trong số 5 gói thầu thuộc dự án. Dự án đang được Bộ KH&ĐT thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án trước khi trình Quốc hội thông qua. Số vốn giải ngân dự án ghi nhận đến hết quý I đạt 13.790 tỷ đồng, nhưng theo kế hoạch đến hết năm 2018 sẽ giải ngân đạt 16.197 tỷ đồng.

Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên phải đối mặt với nhiều khó găn về vốn, nguyên nhân do dự án không được Bộ KH&ĐT bố trí vốn ngân sách trong năm 2018, mặt khác các vướng mắc trong thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa, thiết bị để thi công gói thầu CP3 chưa thống nhất, chủ đầu tư phải phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương (11,32km), được khởi công xây dựng tháng 8-2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Do vỡ tiến độ, TP đang xin chủ trương điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án  vào năm 2024, chậm 6 năm so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư dự án cũng được điều chỉnh tăng khoảng 20.000 tỷ đồng, ước tính tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 47.603,7 tỷ đồng.

Điều đáng lưu ý là đến nay tuyến  metro số 2 mới giải ngân được 840,4 tỷ đồng. Dự án sử dụng vốn vay ADB, nhưng sau 8 năm triển khai dự án, chủ đầu tư và nhà tài trợ vẫn chưa thống nhất được chính sách GPMB, không thể tiến hành giải ngân vốn đầu tư xây dựng dự án. Bộ GTVT kiến nghị trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với ADB, UBND TPHCM phải báo cáo Thủ tướng để có cơ sở tiếp tục triển khai dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo SGĐT