Top

Hoàng Anh Gia Lai có thoái khỏi “bóng đè”?

Cập nhật 10/06/2013 10:21

Nếu Hoàng Anh Gia Lai không rũ khỏi cái “bóng đè” Global Witness, tình thế hiểm nghèo của tập đoàn này còn ảnh hưởng không nhỏ đến số phận của thị trường bất động sản ở Việt Nam ngay trong những tháng tới.

Nếu không rũ khỏi cái "bóng đè", tình thế của Hoàng Anh Gia Lai còn ảnh hưởng không nhỏ đến số phận của thị trường bất động sản ở Việt Nam ngay trong những tháng tới

Vẫn tranh cãi

Chưa bao giờ trong lịch sử hoạt động của mình, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại vướng phải sự cáo buộc nghiêm trọng đến thế từ một tổ chức phi chính phủ.

Global Witness là tác nhân đã tạo ra vụ việc cáo buộc lớn đến thế trong những ngày qua. Vụ việc này có lẽ chỉ là một cú bồi vào đà làm ăn và uy tín đang sa sút của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, bởi ngay cả “cửa thoát” ở Lào và Campuchia cũng bị người khác dòm ngó.

Nhưng vào ngày 7/6/2013, Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly đã “bác bỏ hoàn toàn các thông tin không đúng sự thật gần đây của tổ chức Global Witness và Đài châu Á tự do (RFA) cáo buộc các công ty thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào Campuchia đã hủy hoại môi trường, lấn chiếm đất của người dân địa phương”.

Trước đó vào tháng 5/2013, Tổ chức phi chính phủ Global Witness bất ngờ công bố một báo cáo mang tên "Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào".

Trong báo cáo này, Global Witness đã cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai hối lộ, chiếm đất, phá rừng, khai thác gỗ trái phép, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống ở Lào, Campuchia.

Ở một thái cực ngược lại, phía chính quyền Campuchia lại khẳng định các công ty Việt Nam nói chung và các công ty cao su nói riêng đã nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp Campuchia, tôn trọng phong tục, tập quán của người dân địa phương, bảo vệ môi trường trong quá quá trình thực hiện các dự án. Phó thủ tướng Yim Chhay Ly cũng tuyên bố các công ty cao su Việt Nam không chỉ tạo công ăn việc làm, góp phần vào ngân sách cho nhà nước Campuchia mà còn tham gia nhiều công tác xã hội như khám chữa bệnh, xây dựng trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi cho người dân địa phương.

Song điều tra của Global Witness lại kết luận rằng Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 ha đất để lập đồn điền cao su ở Lào và Campuchia. Global Witness nói những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường chút nào.
Trong cáo buộc của mình, Global Witness đã công bố những tác hại về môi trường cũng như đời sống cùng cực của người dân hai nước mà họ đã điều tra.

Tổ chức này nhấn mạnh họ giữ nguyên các luận điểm và chứng cứ đã nêu trong báo cáo. Global Witness có các tài liệu về việc vi phạm phạm pháp luật tại các vườn cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia trong năm 2012.

Bằng chứng đã được nêu trong báo cáo “Các ông trùm cao su” cho thấy Hoàng Anh Gia Lai đã mua một lượng lớn đất đai, gấp 5 lần so với hạn mức tối đa được phép tại Campuchia và việc công ty đã công khai bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như xã hội, tàn phá kế sinh nhai của người dân địa phương và các khu rừng trong quá trình trồng cao su.

Trước khi chính phủ Campuchia lên tiếng, người Lào cũng đã có phát ngôn. Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn điển hình, có sự quyết đoán cao, không đạt lợi ích trước mắt của mình mà đặt lợi ích lâu dài, dám nghĩ dám làm, dám sử dụng khoa học hiện đại của thế giới vào sản xuất; đầu tư tập trung, phối hợp chặt chẽ với cơ sở nhân dân, đem lại lợi ích thực tế cho người dân, giúp cho Attapeu ngày càng phát triển.

“Tấm lòng cao cả của một doanh nghiệp Việt Nam" cũng là tựa đề của một bài viết của Thông tấn xã Phathet Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào. Bài viết này cho biết Attapeu là một tỉnh nghèo nay đã thay da đổi thịt, thay đổi hàng ngày. Những vùng đất cằn cỗi xơ xác do thiếu nước trước đây đã nhường chỗ cho những cánh rừng cao su và mía bạt ngàn. Hoàng Anh Gia Lai đã dồn công dồn sức tập trung đầu tư cây cao su và cây mía, biến những cánh rừng nghèo thành những dự án trồng cao su, nông trường mía đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Báo chí Lào còn khẳng định Hoàng Anh Gia Lai là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Lào với số vốn gần 1 tỷ USD, thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng có dự án.

Bóng đè?

Cần nhắc lại, Global Witness là một tổ chức phi chính phủ lớn trên thế giới, có trụ sở ở Anh và Mỹ, được thành lập năm 1993, được tài trợ bởi tỷ phú George Soros (năm 2012, góp 40% ngân sách), các cơ quan chính phủ của Anh, Thụy Điển, Nauy, Hà Lan, Ailen (góp 38%) các nhà tài trợ khác (22%)...

Hiện nay, một số dư luận Việt Nam cũng đang đặt nghi vấn về vai trò thực chất của Soros đối với vụ việc Hoàng Anh Gia Lai.

Dù vậy, cái xót xa mà Hoàng Anh Gia Lai phải nhận vào lần này là đã không thể có bất kỳ một sự hỗ trợ hay bảo đảm nào từ phía cơ quan hữu trách Việt Nam. Với vị thế quá lớn của mình, Global Witness đã nằm ngoài “vùng phủ sóng” của nhiều chính phủ.

Cho dù chính phủ Campuchia đã lên tiếng cáo buộc ngược lại về việc Global Witness đã “can thiệp với ý đồ chính trị” vào đất nước này, nhưng xem ra điều dó không mấy có tác dụng đối với dư luận quốc tế.

Có thể nói là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều điều tiếng từ tác động của một tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Cũng là lần đầu tiên, dư luận Việt Nam nhận ra vai trò của xã hội dân sự trên thế giới là có ảnh hưởng lớn đến thế nào.

Không thể loại trừ việc Global Witness đã có trong tay những bằng chứng đủ thuyết phục về việc Hoàng Anh Gia Lai đã “thông đồng” với một số quan chức người Campuchia để “đẩy đuổi” dân dịa phương ra khỏi mảnh đất trồng trọt của họ chỉ với giá đền bù rẻ mạt.
Campuchia lại là một môi trường mà báo chí phương Tây đã không ít lần đề cập đến nạn tham nhũng lan tràn và đang trở nên quá nguy hiểm, nơi mà tài nguyên quốc gia đang bị khai thác vô tội vạ. Trong khi đó, báo chí đối lập ở Phnômpênh cũng không ngớt thông tin về nhiều cuộc biểu tình chống trưng thu ruộng đất của nông dân, diễn ra ở nhiều địa phương và ngay tại thủ đô quốc gia này.

Với Hoàng Anh Gia Lai, nếu tập đoàn này không thể làm rõ trắng đen về cáo buộc của Global Witness, dĩ nhiên uy tín của tập đoàn sẽ càng bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Cho tới giờ, vẫn chưa có gì bảo đảm là khối tài sản bất động sản tồn đọng của Hoàng Anh Gia Lai ở Việt Nam sẽ được “thanh toán” gọn ghẽ. Tất cả vẫn phải trông chờ vào chiến dịch giải phóng hàng tồn kho và cứu bất động sản của Nhà nước. Trước mắt, chiến dịch ấy được khởi sự chỉ bằng một gói kích cầu vỏn vẹn 30.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, số nợ được công bố của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới trên 16.000 tỷ đồng, cho dù ông Đoàn Nguyên Đức vẫn không ngớt đánh tiếng về tài sản thực có của tập đoàn đang có giá trị đến 25.000 tỷ đồng.

Không chỉ bị sứt mẻ về hình  ảnh, nếu Hoàng Anh Gia Lai không rũ khỏi cái “bóng đè” Global Witness, tình thế hiểm nghèo của tập đoàn này còn ảnh hưởng không nhỏ đến số phận của thị trường bất động sản ở Việt Nam ngay trong những tháng tới.

Việt Thắng - DiaOcOnline.vn