Top

Giao dịch nhà ở phải thực hiện theo Luật Hôn nhân - Gia đình

Cập nhật 24/10/2014 14:09

Giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ, chồng phải phù hợp với quy định của Luật bình đẳng giới và Luật hôn nhân và gia đình.

Hôm nay (24/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.

Qua tổng hợp ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc thực hiện các quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung quy định về giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ, chồng (khoản 5 Điều 10) là phù hợp với quy định của Luật bình đẳng giới và Luật hôn nhân và gia đình, vì vậy xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ hơn quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở; có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư và quyền, nghĩa vụ  của chủ sở hữu nhà ở.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, các quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở đã được quy định cụ thể trong Luật đất đai năm 2013, để tránh trùng lắp thì dự thảo Luật chỉ quy định các quyền về sở hữu nhà ở. Mặt khác, trên thực tế thì quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở luôn gắn liền với nhau, do đó không nên có quy định tách biệt giữa 2 quyền này.

Về hoạt động kinh doanh nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh nhà ở, quy định cụ thể về huy động vốn góp, tiền mua nhà ở trả trước của người dân. Ý kiến khác đề nghị những vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản thì nên để điều chỉnh trong Luật kinh doanh bất động sản để tránh trùng lặp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, vấn đề ĐBQH nêu đã được điều chỉnh trong dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất và tránh trùng lặp, đề nghị Quốc hội cho phép không điều chỉnh về mua bán nhà ở thương mại nhằm mục đích kinh doanh trong Luật nhà ở.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu, có ý kiến tán thành với dự thảo Luật, quy định trường hợp mua bán nhà ở, thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở; trường hợp tặng cho, đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân là kể từ thời điểm bên tặng cho, bên đổi bàn giao nhà ở cho bên nhận tặng cho, nhận đổi; trường hợp mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà kể từ thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở.

Loại ý kiến khác đề nghị quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và Luật đất đai năm 2013. Theo đó, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm việc giao dịch nhà ở được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: quy định về việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu như trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện đầy đủ các quyền của mình; đồng thời hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu khi tham gia giao dịch về nhà ở. Quyền sở hữu được xác lập trong các giao dịch về nhà ở kể từ khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng như bên mua đã thanh toán đủ tiền và bên bán đã bàn giao nhà, không phụ thuộc vào việc đăng ký quyền sở hữu; thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm xác lập quyền sở hữu theo pháp luật dân sự. Quy định như dự thảo Luật cũng phù hợp với Luật đất đai và không trái với Bộ luật dân sự. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định như dự thảo Luật và cho bổ sung khoản 5 vào Điều 12, cụ thể là đối với các giao dịch về nhà ở (các khoản 1, 2 và 3) phải tuân thủ các điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật nhà ở.


DiaOcOnline.vn - Theo VOV