Top

Giải pháp hạn chế nhà siêu mỏng

Cập nhật 23/04/2010 09:40

Sau khi giải tỏa như thế, chúng ta quy hoạch phân lô theo thiết kế đồng nhất của tuyến phố, sau đó đấu giá các mảnh đất phân lô (bắt buộc xây dựng theo kiến trúc đã được thiết kế của tuyến phố).

Vấn đề nhà siêu mỏng, xây không theo một chuẩn nào đã được đề cập từ rất lâu trong nhiều bài báo và trên nhiều diễn đàn. Đó là những bài viết về con phố mới Thái Hà, Chùa Bộc sau khi được xây dựng sửa sang lại, nhưng các ngôi nhà ở đó mỗi nhà một kiểu. Khi đó người ta đã đặt ra câu hỏi đến bao giờ Việt Nam mới có một con phố với bộ mặt được thiết kế đồng nhất như ở các nước phát triển? Câu trả lời dành cho các vị kiến trúc sư trưởng thành phố.

* Cho đến nay, câu trả lời vẫn nằm ở đâu đó mà chúng ta chưa nhận được, và những con phố, tuyến đường mới với những ngôi nhà đủ hình dạng vẫn tồn tại. Nếu như thế, liệu chúng ta có một thủ đô được quy hoạch văn minh? Phải chăng việc quy hoạch mặt tiền các tuyến phố mới hay chỉnh trang lại các tuyến phố cũ quá khó và chúng ta không thể làm được? Xin thưa là chẳng khó chút nào cả, có chăng chúng ta không làm hay sợ đụng chạm đến quyền lợi của một số người nên không dám làm?

Trở lại với bài toán quy hoạch các tuyến phố mới khi mở đường. Thí dụ theo quy hoạch con đường mới rộng 30 m, vỉa hè mỗi bên 5 m, tổng cộng giải tỏa 40 m chiều rộng để làm đường. Với cách làm hiện nay, chúng ta đang làm gì? Thưa rằng, các vị kiến trúc giao thông và quy hoạch đô thị cũng chỉ dừng ở mức... giải tỏa đủ 40 m rộng, còn nhà dân nào còn bao nhiêu m2, xây dựng thế nào, người dân tự lo.

Với cách làm đó, chúng ta phải làm:

Bồi thường đất đai, nhà cửa giải tỏa cho những hộ dân mất nhà, đất (giá rất cao so với những nhà mặt tiền bị giải tỏa mở rộng đường).

* Những nhà dân ở trong ngõ tự nhiên ra mặt đường do nhà nước giải tỏa những căn hộ phía trước: Tính về mặt kinh tế nhà nước mất tiền đền bù những căn nhà phía trước để nhà phía sau được lợi, thiệt hại thuộc về nhà nước. Tại sao những nhà kinh tế, quy hoạch không nghĩ ra giải pháp gì để hạn chế thiệt hại cho nhà nước?

Tôi xin có kiến nghị cũng với thí dụ trên con đường được mở rộng 30 m và 10 m vỉa hè. Thay vì giải tỏa đủ rộng 40 m, chúng ta giải tỏa đến 70 m (mỗi bên đường dư ra 15 m dài). Sau khi giải tỏa như thế, chúng ta quy hoạch phân lô theo thiết kế đồng nhất của tuyến phố, sau đó đấu giá các mảnh đất phân lô (bắt buộc xây dựng theo kiến trúc đã được thiết kế của tuyến phố).

* Với cách làm này, chúng ta thu được những lợi ích gì?


Tránh được tình trạng những ngôi nhà siêu mỏng, tuyến phố được quy hoạch, nhìn vào chúng ta sẽ thấy được nét văn minh đô thị.

Về mặt kinh tế, bồi thường cho phần đất giải tỏa thêm sẽ rất rẻ so với phần đất đấu giá sau khi xây dựng tuyến phố. Số tiền chênh lệch bổ sung vào ngân sách, làm giảm chi phí trên tuyến đường mới mở.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress