Top

Đổi 3 khu đất vàng lấy 455m đường: Trái chỉ đạo?

Cập nhật 03/03/2019 16:00

Đổi đất lấy hạ tầng không khác nào kế "ông mất chân giò, bà thò chai rượu", dễ tiêu cực, phải chấm dứt.

Mới đây, một lãnh đạo Thanh Hóa cho biết, Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hóa khẳng định giá đất tiệm cận thị trường. Ảnh: LĐO

Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hóa khẳng định giá đất tiệm cận thị trường. Ảnh: LĐO Quyết định trên đã gây nhiều tranh cãi nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa yêu cầu dừng ngay những dự án BT có sai phạm và chỉ chấp nhận thanh toán tài sản công với những dự án được ký trước ngày 1/1/2018.

Để làm rõ hơn vấn đề này, LS Trương Xuân Tám khẳng định, việc Thanh Hóa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) thời điểm này là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ và các bộ ngành cần phải vào cuộc.

Cụ thể, ông chỉ rõ, theo quyết định đồng ý chủ trương đầu tư của Thanh Hóa, tuyến đường này có chiều dài 455m, tổng số vốn đầu tư là hơn 128 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được thanh toán 3 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư, với tổng diện tích 19,36 ha.

Với quyết định này, vị LS cho rằng không khác nào kế "ông mất chân giò, bà thò chai rượu", một bên lấy đất đem đi đổi cho nhà đầu tư để lấy hạ tầng nhưng lại không qua đấu thầu công khai mà dựa trên cơ sở tự thỏa thuận, định giá với nhau là không ổn.

Chỉ rõ điểm mấu chốt của các vụ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực tại các dự án BT chính là do hình thức chỉ định thầu, đổi đất ngang giá không theo giá thị trường dẫn tới những nhập nhèm, thất thoát, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và nhân dân. Vì lý do này Chính phủ đã phải yêu cầu rà soát, xem xét lại các dự án, chủ trương đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Tôi lưu ý, đầu tư 455m đường đô thị nhưng phải sử dụng trên 19ha đất "vàng" để quy đổi cho nhà đầu tư là vấn đề rất nhạy cảm.

Đặc biệt, khi mỗi m2 đất tại các khu vực thanh toán cho nhà đầu tư được xác định với giá hơn 600.000 đồng/m2.

Trong khi đó, đất tại các khu vực này đang được rao bán trên thị trường với giá từ 7 đến 15 triệu đồng/m2, thậm chí, nơi có vị trí đẹp lên đến 30 triệu đồng/m2 thì rõ ràng không ổn.

Chỉ đạo của Chính phủ cũng nói rất rõ UBND các địa phương và nhà đầu tư các dự án BT phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Như vậy, với việc giao đất cho nhà đầu tư không thông qua đấu thầu là trái chỉ đạo, các cơ quan bộ ngành phải vào cuộc.", vị LS chỉ rõ.

Từ những bài học đau xót đã xảy ra, vị LS cho rằng các địa phương cần thực hiện tổ chức đấu thầu công khai dự án để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để đất công có giá cao nhất. "Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT cần khẩn trương có tiếng nói- vị LS cho biết.

DiaOcOnline.vn – Theo Đất việt