Top

Công ty Lê Phong 'hô biến' dự án nhà ở cho người thu nhập thấp lên giá trên trời

Cập nhật 13/08/2018 09:17

Từ Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp Lê Phong - Thuận Giao, Công ty Lê Phong ngang nhiên "hô biến" đổi tên thành Dự án Khu dân cư phát triển đô thị Lê Phong - Thuận Giao nhằm huy động vốn trái phép và rao bán với giá "trên trời".

Mới đây, Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp (KNOTNT) Lê Phong - Thuận Giao, toạ lạc tại đường Thuận An Hoà, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (Bình Dương) đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong (Công ty Lê Phong) làm chủ đầu tư, đồng thời được UBND thị xã Thuận An phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500.

Dự án có diện tích khoảng 24.297m2 với 210 căn nhà, tiến độ thực hiện từ năm 2018 đến năm 2023.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV VTC News, tuy vừa được cơ quan chức năng chấp thuận nhưng Công ty Lê Phong đã ngang nhiên "hô biến", đổi tên dự án này thành Dự án Khu dân cư phát triển đô thị Lê Phong - Thuận Giao.


Từ Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp Lê Phong - Thuận Giao, Công ty Lê Phong ngang nhiên "hô biến" đổi tên thành Dự án Khu dân cư phát triển đô thị Lê Phong - Thuận Giao nhằm huy động vốn trái phép và rao bán với giá "trên trời".

Đáng nói, sau khi đổi tên, dự án được chào bán rầm rộ trên wedsite của Công ty Lê Phong (http://batdongsanlephong.com) với mức giá trên trời. Cụ thể, lô thấp nhất được rao bán gần 20 triệu đồng/m2, lô cao nhất lên đến gần 40 triệu đồng/m2. Như vậy, với mức giá này thì người có thu nhập thấp không thể với tới được.

Để thu hút khách hàng, Công ty Lê Phong không ngần ngại dùng những lời mời chào “có cánh” như: "Dự án đã mở bán, quý khách được mua trực tiếp từ chủ đầu tư; quý khách mua 1 lô được tặng 1 lượng vàng SJC, chương trình chỉ áp dụng trong ngày 5/8/2018; khách hàng thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng hoặc lấy liền 5 lô trở lên sẽ được giảm ngay 30 nghìn đồng/m2”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VTC News, hiện Dự án Khu dân cư phát triển đô thị Lê Phong - Thuận Giao vẫn chỉ là bãi đất trống đầy cỏ rác, cùng những nhà xưởng còn ngổn ngang, chưa di dời… Chưa thấy bất cứ hoạt động nào thể hiện nơi đây đang triển khai dự án của Công ty Lê Phong.

Anh H., một khách hàng có ý định mua dự án bức xúc: "Khi nghe thông tin dự án dành cho người thu nhập thấp tôi liền xin nghỉ việc một ngày để đến công ty tìm hiểu giá cả và mua. Thế nhưng, khi đến công ty và thấy bảng giá mới sững sờ vì mức giá này thì có thu nhập cao cũng khó mua nổi huống gì người thu nhập thấp.

Bảng giá đất mà Công ty Lê Phong cung cấp còn cao hơn nhiều nơi gần nội thành ở TP.HCM. Đất nền được bán với giá thấp nhất đã trên 23 triệu đồng/m2 rồi, lô cao nhất lên đến gần 40 triệu đồng/m2".

"Vợ chồng chúng tôi từ miền Trung vào làm công nhân tại đây, dành dụm được hơn trăm triệu. Khi thấy quảng cáo dự án nhà ở cho người thu nhập thấp thì vui mừng vì nghĩ rằng cơ hội cho chúng tôi có chốn để an cư. Thế nhưng, đến nơi thấy bảng giá thì thất vọng vô cùng, vì với mức giá này thì vợ chồng chúng tôi làm cả đời cũng không mua nổi huống chi họ bắt thanh toán tiền tỷ trong vòng có hơn 3 tháng", chị O., một công nhân tại phường Thuận Giao phàn nàn.

Ngoài những người thu nhập thấp, thì những người có thu nhập trung bình cũng bị đưa vào "tròng" khi đặt tiền rồi mới biết đây là dự án dành cho người thu nhập thấp.


Hiện Dự án Khu dân cư phát triển đô thị Lê Phong - Thuận Giao vẫn chỉ là bãi đất trống đầy cỏ rác, cùng những nhà xưởng còn ngổn ngang, chưa di dời…

"Tôi quê ngoài Bắc, vào đây làm việc, sau bao nhiêu năm mới dành dụm được một ít vốn nên đã đặt mua đất nền của Công ty Lê Phong với giá lên tới gần 30 triệu đồng/m2. Khi mua tôi không hề biết đây là dự án dành cho người có thu nhập thấp, thế mà với giá này thì khác nào tôi bị lừa trắng trợn, chưa kể tới việc đã đặt tiền mà dự án vẫn đang là bãi đất trống", ông N., một khách hàng đã đặt cọc tiền tại dự án cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, hiện Công ty Lê Phong đang thực hiện việc nhận cọc với số tiền lên đến 50 triệu đồng/lô. Nhiều khách hàng đã đóng tiền cọc lên tới hàng trăm triệu đồng.

Khi khách hàng mua đất tại dự án sẽ đóng làm 5 đợt, cụ thể: Đợt 1: Đặt cọc từ 50-100 triệu đồng. Đợt 2: Trong vòng 10 ngày đặt cọc, khách hàng đến công ty ký hợp đồng và thanh toán 30% giá trị hợp đồng. Đợt 3: Trong vòng 30 ngày, tính từ ngày khách hàng thanh toán đợt 2, đóng thêm 30%. Đợt 4: Trong vòng 30 từ ngày thanh toán đợt 3, khách hàng phải thanh toán thêm 35% giá trị hợp đồng. Cuối cùng khách hàng đóng nốt 5% khi chủ đầu tư thông báo chuyển nhượng xong. Như vậy sau, 90 ngày từ khi ký hợp đồng khách hàng phải đóng lên tới 95% giá trị hợp đồng mua nền.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì các dự án phân lô bán nền phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu như: Được cơ quan cấp tỉnh, thành chấp thuận cho làm chủ đầu tư; Cơ quan thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; Chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông, môi trường, PCCC, điện nước;

Phải hoàn tất thủ tục chuyển nhượng tài sản trên đất; hoặc quyết định giao đất của cấp thẩm quyền cho chủ đầu tư cũng như Quyết định phê duyệt đơn giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính …sau đó cơ quan chức năng mới cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc này chủ đầu tư mới đủ điều kiện xin phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đủ điều kiện mới được mở bán.

Như vậy, dự án Nhà ở thu nhập thấp đã được Công ty Lê Phong "hô biến" lên giá trên trời trong khi chưa đáp ứng được các yêu cầu hạ tầng kỹ thuật đã ngang nhiên huy động vốn rầm rộ, nhận tiền cọc của khách hàng đã lộ ra những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng việc huy động vốn và sử dụng vốn trái phép.

Câu hỏi được đặt ra, phải chăng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang ưu ái cho Công ty Lê Phong trong khi doanh nghiệp này ngang nhiên đổi tên dự án, và bản chất việc họ thực hiện dự án nhà ở thu nhập thấp không khác các dự án nhà ở thương mại vẫn "trót lọt"?

DiaOcOnline.vn- Theo VTCNews