Top

Công nhân chê nhà lưu trú

Cập nhật 02/08/2010 10:40

Tại TP HCM, nhà lưu trú công nhân có giá thuê rẻ, phòng ốc tốt, đảm bảo an ninh nhưng công nhân vẫn không mặn mà dọn vào ở.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, thành phố hiện có gần 900.000 công nhân, trong đó, khoảng 70% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở, nhưng nhà lưu trú (NLT) cho công nhân mới chỉ đủ chỗ cho khoảng 10% công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng đang tồn tại nghịch lý: công nhân đỏ mắt tìm nhà trọ còn nhà lưu trú công nhân đang bỏ trống gần một nửa.

Giá rẻ, nhà đẹp vẫn “chê”


Mở cửa đón công nhân từ tháng 3/2010, đến nay, nhà lưu trú công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) chỉ có khoảng 10/65 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp hỗ trợ công nhân vào NLT. Theo Công ty cổ phần Kcông nhân Hiệp Phước, NLT tại đây có sức chứa 540 công nhân, nhưng chỉ khoảng 120 công nhân vào ở. Tại NLT Tân Thuận (quận 7), công nhân vào ở cũng không khá hơn. Một nhân viên bảo vệ tại đây cho hay: “Lúc điểm cao nhất khu lưu trú mới đạt 90% công suất. Hồi mới khánh thành (tháng 7/2007) chẳng ai vào ở”.


NLT Tân Thuận, quận 7không có chỗ phơi quần áo nên công nhân phải phơi ngoài cửa sổ

Thực tế tại các NLT, điều kiện sinh hoạt tương đối tốt, thoáng mát, giá cả thậm chí rẻ hơn một số khu vực nhà trọ tư nhân, nhưng vẫn không thu hút được công nhân vào ở. Theo chị Phúc Hậu (sống trong khu lưu trú Linh Trung): “Nếu tính luôn phí điện, nước, mỗi tháng một công nhân chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. Mỗi phòng có bốn giường tầng dành cho tám người ở, có hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh và bếp nấu ăn. So với mặt bằng chung giá tiền thuê và tiện nghi như vậy khá tốt”. Còn tại khu lưu trú Tân Thuận, theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí bình quân là 110.000 đồng một người một tháng đối với khu nam, 130.000 đồng một người một tháng đối với khu nữ. Tại mỗi tầng đều có khu xem tivi; mỗi blook nhà có tiệm tạp hóa, quán cà phê; cả khu có một phòng hát karaoke… nhưng công nhân vẫn chẳng chịu vào thuê ở.

Thiếu thực tế

Nguyên nhân khiến công nhân ngại ở trong các khu NLT vì nội quy cứng nhắc, không thực tế. Nhiều công nhân chấp nhận thuê trọ những khu nhà lá, mái tôn,... chỉ để được tự do, mặc dù các khu nhà trọ tự phát thường mất vệ sinh, thiếu các điều kiện sinh sống tối thiểu và không đảm bảo an ninh. Anh Lê Văn Tương, công nhân Công ty Nidec Copal - KCX Tân Thuận chia sẻ lý do “chê” khu lưu trú: phần lớn công nhân vốn thích tự do nên gặp những quy tắc của nhà lưu trú như 23h đóng cổng, cấm ăn uống nhậu nhẹt trong phòng… khiến họ không mặn mà với NLTcông nhân dù tiện nghi và giá thuê tốt hơn ở ngoài.

Mặt khác, việc thiếu các dịch vụ giải trí tại một vài NLT cũng khiến công nhân nản. Ở nhà lưu trú Linh Trung, ngoài mấy bàn bi da, cờ tướng trong căng-tin nên lúc nào cũng vắng hoe. NLT Tân Thuận, điều kiện giải trí được đánh giá khá hơn, nhưng cũng nằm tại một khu vực vắng vẻ trên đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7). Chị Chi, công nhân Công ty PungKook Sài Gòn, chia sẻ: “NLT xa chợ, ra ngoài mua đồ phải đi hơn một km, rất bất tiện ”.

Trong khi đó, không phải công nhân nào muốn vào ở NLT cũng được. Bởi thủ tục để được vào NLT không hề đơn giản. Nếu có nhu cầu, công nhân phải đăng ký với công ty đang làm, sau đó công ty mới làm giấy xác nhận, đề xuất với ban quản lý khu lưu trú. Ngoài ra nhiều nhà nhà lưu trú chỉ dành cho công nhân chưa lập gia đình...

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt