Top

Chung cư cũ TPHCM (K2): Ì ạch dự án cải tạo, xây mới

Cập nhật 24/02/2014 11:11

Việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ ở TPHCM nhiều năm qua hầu như giậm chân tại chỗ. Một trong những vướng mắc là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí quỹ nhà tạm cư, nhà tái định cư và chưa có sự đồng thuận giữa chính quyền, nhà đầu tư, người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ.

>>Chung cư cũ TPHCM (K1): Những khu nhà “răng rụng”

Bất động

Theo kế hoạch đưa ra cuối năm 2013, đến 2015, TPHCM sẽ di dời, tháo dỡ 70 lô chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời, TP sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m­2 sàn.

Cụ thể, năm 2013 hoàn thành bồi thường, GPMB 20 lô chung cư; khởi công xây dựng mới thay thế 7 lô chung cư. Năm 2014, tiếp tục hoàn thành GPMB 18 lô chung cư, khởi công xây mới 22 lô chung cư để thay thế. Năm 2015, hoàn thành GPMB 32 lô chung cư, khởi công xây mới 32 lô chung cư mới.

Kế hoạch là vậy, song phần lớn dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn và tiến độ gần như giậm chân tại chỗ. Trên địa bàn quận 10 hiện có 25 lô chung cư cũ, tập trung ở phường 2, 3, 7 và 9. Các lô chung cư này có diện tích 6,6ha với tổng số 3.388 hộ dân cần di dời.

Cư xá Lý Thường Kiệt (A và B) quy mô 6 tầng, gồm 346 hộ dân cũng đang cần di dời do công trình không còn đảm bảo. Theo lãnh đạo quận 10, những lô chung cư này có đặc điểm chung là xây dựng từ những năm 1960 đã xuống cấp trầm trọng. Hiện phường 2 có 16 lô chưa giải tỏa được, phường 3 đang giải tỏa, phường 7 mới giải tỏa một phần tại 5 lô chung cư Nguyễn Kim, phường 9 chưa thực hiện.

Trong khi đó, dự án duy nhất đã có chủ đầu tư lại giậm chân tại chỗ. Đó là dự án chung cư Nguyễn Kim do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV làm chủ đầu tư. Triển khai từ năm 2009, khu A gồm 2 block cao 30 tầng với 459 căn hộ thương mại; khu B có 1 block cao 30 tầng, với 756 căn hộ phục vụ nhu cầu tái định cư.

Hiện quận 10 đã bồi thường và tạm cư bằng quỹ nhà của chủ đầu tư ở Bàu Cát cho số hộ dân bị giải tỏa tại 5 lô chung cư Nguyễn Kim cũ. Thời gian tạm cư của người dân đã quá lâu, trong khi dự án chung cư A-B Nguyễn Kim vẫn trùm mền.

Tương tự, những dự án di dời, xây mới chung cư quy mô lớn như 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), Cô Giang (quận 1) hay cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh)… đã triển khai nhiều năm qua nhưng chưa bồi thường dứt điểm. Các đơn vị được chỉ định làm chủ đầu tư không đủ vốn để thực hiện.

Như dự án 727 Trần Hưng Đạo, do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào quý I-2014, nhưng đến nay vẫn chưa thể nhúc nhích và chưa biết chính xác thời điểm khởi công.

“Để có vốn đầu tư cho dự án, chúng tôi đã chủ động mời một số đối tác góp vốn để bồi thường, tái định cư cho người dân. Thế nhưng thủ tục hình thành pháp nhân mới gặp nhiều khó khăn trong suốt 4 năm qua. Nếu gỡ được nút thắt này, dự án sẽ nhanh chóng triển khai” - ông Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5, chia sẻ.

Cuối năm 2012, trước tình trạng lô IV-VI Cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), bị nghiêng, lún có nguy cơ sập đổ cao, UBND TP đã giao UBND quận Bình Thạnh lập dự án bồi thường, GPMB, tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hiện chưa biết nhà đầu tư nào có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Bởi trước đó, CTCP Địa ốc Vườn Xanh, chủ đầu tư dự án xây dựng cụm chung cư lô số thuộc khu cư xá Thanh Đa, quy mô 7,73ha (bao gồm cả lô IV-VI) đã bị TP thu hồi giấy phép đầu tư.

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận 10, hiện trên địa bàn quận có rất nhiều lô chung cư cũ cần cải tạo, xây mới với nguồn vốn rất lớn nhưng nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Vì vậy để giải bài toán vốn phải xã hội hóa đầu tư.

Theo đó, bên cạnh những chính sách chung về ưu đãi cho nhà đầu tư khi xây dựng các dự án chung cư cũ, quận sẽ khai thác tối đa sức mạnh về giá trị đất để hỗ trợ và hấp dẫn nhà đầu tư. Cuối năm 2013, quận 10 đã tổ chức di dời tái định cư ổn định cho 318/336 hộ dân tại lô A và G chung cư Ngô Gia Tự (phường 3), 18 hộ dân còn lại có nguyện vọng nhận tiền, quận đang tìm kinh phí để bồi thường.

Đồng thời, quận đã xây dựng kế hoạch, tiêu chí mời gọi đầu tư tại lô G. Với lợi thế hoàn tất công tác GPMB, đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các tiêu chí mời gọi đầu tư thông thoáng, hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 chậm triển khai vì gặp khó khăn trong việc hình thành pháp nhân mới. Ảnh: MINH TUẤN

Để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho các hộ dân di dời tại các chung cư cũ trong thời gian tới, ước tính khoảng 1.200 căn, theo ông Trọng, quận 10 sẽ xin TP được chủ trì mời gọi đầu tư chung cư tại 3 lô đất B24, B25, B31 tại khu đất C30.

Mục tiêu đặt ra là 100% chung cư tái định cư xây ra được người dân đón nhận. “Để làm được việc này, từ thiết kế, chất lượng, quy mô nhà tái định cư phải đáp ứng được nhu cầu. Trước khi xây dựng, nhà đầu tư phải làm nhà mẫu, tổ chức cho người dân tham quan, góp ý. Tức yêu cầu đặt ra là cần có sự gắn kết giữa nhà đầu tư với người dân. Và như vậy không lo nhà tái định cư bị ế” - ông Trọng khẳng định.

Đối với dự án chung cư Nguyễn Kim, ông Nguyễn Đức Trọng cho biết: “Dự án chậm triển khai khiến gần 300 hộ dân đang sống tạm cư ở Bàu Cát rất bức xúc. Xuống đó thăm bà con, nghe họ phản ánh xót lắm. Họ yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện cam kết và cho biết chính xác thời điểm khởi công dự án.

Đó là yêu cầu chính đáng. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc và công ty hẹn hứa nhiều lần nhưng dự án vẫn chưa khởi công. Quận đang kiểm tra lại thời gian giao đất, nếu vi phạm, kéo dài thời gian sẽ kiến nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo UBND TP thu hồi”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn đầu tư