Top

Chưa cần phải giải cứu bất động sản!

Cập nhật 18/01/2013 13:27

Trong khi Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – mà như thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét “hơn già nửa nghị quyết là nhắm vào thị trường bất động sản” (BĐS) – thì tại toạ đàm với chủ đề “Thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BĐS” do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (17.1) nhiều lãnh đạo của uỷ ban này cho rằng chưa nguy cấp đến mức cần phải “giải cứu”!

Buổi toạ đàm này là để “chuẩn bị” cho phiên giải trình vào giữa tuần tới về triển khai các giải pháp theo nghị quyết 02 để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS của uỷ ban Kinh tế.

Không đáng lo ngại?
 


Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế lạc quan: tồn kho của nhà ở và các lĩnh vực khác của BĐS mà báo cáo vừa công bố thì “không đến mức cháy nhà”.

Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường BĐS được ông Nguyễn Mạnh Hà cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (bộ Xây dựng) trình bày tại buổi toạ đàm cho hay, hiện cả nước đang tồn kho trên 42.000 căn nhà ở, hơn 92.000m2 sàn cho thuê, gần 8 triệu m2 đất nền nhà ở. Ước tính, tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỉ đồng. Trong đó, lớn nhất là TP.HCM với gần 15.000 căn, 300.000m2 đất nền, giá trị tồn kho trên 30 ngàn tỉ đồng; con số này của Hà Nội là hơn 14 ngàn tỉ đồng. Về tổng dư nợ tín dụng BĐS, dẫn số liệu của ngân hàng Nhà nước, ông Hà cho hay, tính đến 31.10.2012, tổng dư nợ tín dụng BĐS là hơn 207 ngàn tỉ đồng, tăng 3,6% so với 31.12.2011; nợ xấu khoảng 6,5% tổng dư nợ BĐS.

Nghe vậy, ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế lạc quan: tồn kho của nhà ở và các lĩnh vực khác của BĐS mà báo cáo vừa công bố thì “không đến mức cháy nhà”. Ông Kiên nói: “Vì như số liệu nói giá trị tồn kho BĐS ở TP.HCM là 30 ngàn tỉ đồng, Hà Nội là 14 ngàn tỉ, nếu so với thực lực của hai thành phố thì không đến mức nguy cấp”.

Tương tự, ông Kiên cho rằng, nếu nợ xấu của BĐS là 6,5%, so với con số nợ xấu toàn ngành mà thống đốc ngân hàng nhà nước nói (là 8,6%) thì còn thấp hơn nên không quá lo ngại. Hướng về phía đại diện của ngân hàng Nhà nước và bộ Xây dựng, ông Kiên hỏi: số liệu này có đáng tin cậy không? Ông Cát Quang Dương, phó vụ trưởng vụ Tín dụng (ngân hàng Nhà nước) khẳng định: nợ xấu BĐS 6,5%, tương đương khoảng 13 ngàn tỉ đồng là đáng tin cậy, và đó là kết quả của chính sách tái cấu trúc nợ (quyết định 780 của ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại). Còn ông Nguyễn Mạnh Hà thì thừa nhận đây chỉ là tập hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50/64 địa phương. Hơn nữa, theo ông Hà, các chủ đầu tư hoặc địa phương không báo cáo hết bởi có tâm lý ngại khi bị cho là “hàng tồn”.

Một phó chủ nhiệm khác của uỷ ban Kinh tế, ông Mai Xuân Hùng nói thẳng: 6,5% nợ xấu của BĐS chưa là gì so với 8,6% nợ xấu của nền kinh tế, đây là con số dưới mức trung bình. “Nếu đúng tồn kho BĐS chỉ hơn 110 ngàn tỉ thì chưa cần phải cứu”, ông nói.

Cứu nhà đầu tư hay cứu người mua nhà?

Ông Hùng lưu ý, muốn giải cứu BĐS thì phải có số liệu chính xác, đánh giá đầy đủ tiêu chí, song số liệu hiện nay, theo ông là không đáng tin cậy, không phản ánh hết tình hình. “Bảo người ta (doanh nghiệp BĐS) chết ư? Không đâu! Họ chuyển sang vàng, đôla, có cả nhà triệu đô ở Mỹ. Nếu có chết là vì họ nuôi tham nhũng trong một thời gian dài bởi hiện nay tham nhũng trong BĐS là lớn nhất”, ông Hùng nói.
 

“Điều quan trọng là phải kéo giá nhà về giá trị thực, nếu không cứu thế này không khéo dân chết oan, cứu sao phải để người dân hưởng lợi chứ không lại đi cứu ông nhà giàu, tức là tước đoạt của dân”.

Ông Mai Xuân Hùng, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

GS Đặng Hùng Võ cũng chung nhận định số liệu hiện nay không đáng tin và một khi “số liệu không rõ thì cứu còn… chết hơn”! Nhận xét về nghị quyết 02 của Chính phủ về các giải pháp cứu thị trường BĐS, ông Võ nói: công cụ đã có nhưng dùng thế nào để cứu, cứu cái gì (cứu nhà đầu tư, hay cứu người mua nhà…) thì chưa rõ. “Như giải phóng tồn kho, theo tôi giải pháp duy nhất là qua công ty quản lý tài sản (nợ xấu). Song hiện nay đề án chưa duyệt mà đòi cứu thì rất khó”, ông Võ nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế cũng thừa nhận, ông có nghe được nhiều ý kiến băn khoăn từ chuyên gia, người dân về các giải pháp cứu BĐS rằng “tháo cho nhà đầu tư hay cho người dân”? “Còn các nhà đầu tư thì thậm chí đang có hiện tượng ngóng chờ các giải pháp theo nghĩa để không phải hạ giá về đúng mức của nó. Cho nên, tháo không khéo, không theo quy luật thị trường thì bong bóng BĐS quay lại”, ông Phúc lo ngại.

Minh hoạ thêm, ông Mai Xuân Hùng kể câu chuyện hơn hai tuần trước, khi ông đi dự lễ khởi công khu nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ bộ Công an, chủ đầu tư dự án này thừa nhận rằng, dù mức giá đã hạ xuống còn 13,5 triệu đồng/m2, nhưng họ vẫn còn lãi đến 20% và vừa khởi công đã bán được 70% căn hộ. “Vì thế, điều quan trọng là phải kéo giá nhà về giá trị thực, nếu không cứu thế này không khéo dân chết oan, cứu sao phải để người dân hưởng lợi chứ không lại đi cứu ông nhà giàu, tức là tước đoạt của dân”, ông Hùng nói.
 

Niềm tin vào thị trường còn bị bỏ ngỏ!

Theo TS Trần Kim Chung, trưởng ban Chính sách đầu tư (viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhấn mạnh, thị trường BĐS hiện nay còn phải đối diện với một thách thức lớn khác, đó là thiếu minh bạch về thị trường. Ông Chung dẫn chứng: ngay số tồn kho cũng khác giữa các báo cáo, rồi số thật về dư nợ tín dụng BĐS; đến các báo cáo số liệu dự án, bao nhiêu đất đai chuyển đổi… đều bí mật; hay sản phẩm chủ lực cho thị trường trong bối cảnh hiện nay cũng chưa có ai khẳng định, và ngay giữa các đối tác với nhau luôn tiềm ẩn rủi ro lớn… “Rõ ràng niềm tin vào thị trường có vấn đề, nhưng yếu tố này đang bị bỏ ngỏ”, ông Chung nói.


 

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT