Top

Cần nhưng chưa vội

Cập nhật 16/12/2013 15:37

Thị trường BĐS đã xuất hiện nhiều điểm tích cực, nhưng DN BĐS cho rằng chưa phải lúc “đón đầu”.

Thông tin từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), trong số nợ xấu đã mua của 14 ngân hàng, 70% giá trị khoản nợ thuộc về bất động sản (BĐS). Bản thân các DN cũng đang chủ động thanh lý bớt quỹ đất để huy động vốn. Trong khi đó, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua cũng đem đến hy vọng để các DN BĐS cũng như DN đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục, hoặc lập chiến lược mới cho kinh doanh. Nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS còn chưa ấm lại, những tài sản thế chấp, đem bán đều là dự án tốt.

Ảnh minh họa

Có ngân hàng vừa chào bán khu đất hơn 1 ha tại trung tâm quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) để phát triển khu phức hợp trung tâm thương mại, nhà ở với giá “mềm”. Đó là động thái thấy nhiều trên thị trường gần đây, khi nhiều DN áp dụng “chiêu” từng thành công khi tái cơ cấu danh mục đầu tư thời gian trước. Thị trường dễ dàng liên tưởng đến những thương vụ chuyển nhượng dự án thành công trước đây, như Công ty Điện tử Tiến Đạt kêu gọi hợp tác đầu tư tại khu đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), CTCP Đầu tư Nam Bảy Bảy cũng đã thu về 96 tỷ đồng khi chuyển nhượng khu đất trên 7.000 m2 tại TP. Phan Thiết cho Tập đoàn Lotte để đầu tư trung tâm thương mại với quy mô hơn 35.000 m2…

Còn lúc này, ở phía cầu, ít nhất là các DN thuộc ngành thực phẩm đồ uống vẫn luôn “khát khao” những vị trí đất đẹp để mở siêu thị, trung tâm thương mại… Ngay DN lớn như Saigon Co.op, mỗi năm DN này phải chuẩn bị vốn và mặt bằng để phát triển từ 10 - 12 siêu thị. Chủ tịch HĐQT một DN kinh doanh địa ốc tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, lúc này là thời điểm thuận lợi nhất để các nhà đầu tư mua vào những sản phẩm BĐS ở vị trí mang tính “đi tắt đón đầu” với giá hợp lý.

Không chỉ vậy, trong thời gian qua, một số DN đã tiến hành kêu gọi đầu tư, thông qua hình thức hợp tác hoặc bán hẳn dự án cũng mở ra một cơ hội đầu tư cho DN BĐS cần quỹ đất, thậm chí cơ hội cho cả DN “tay ngang” muốn mở rộng đa ngành một cách nhanh nhất. Thừa nhận điều này, một số chuyên gia cho rằng thời điểm này được xem là cơ hội để đầu tư quỹ đất vì hiện có rất nhiều chủ đầu tư đã phải bán lại sản phẩm dự án với giá rẻ hơn rất nhiều so với mức giá ban đầu.

Nhưng tất nhiên, chỉ có những DN tự tin vào sản phẩm của mình mới dám tung hàng trong thời gian khó khăn của thị trường. Bởi, cũng có những ý kiến cho rằng, việc đầu tư lúc này còn nhiều rủi ro, nếu như DN chưa thực sự tính toán kỹ xu hướng của thị trường trong những năm tới. Theo chia sẻ của chuyên viên phân tích đầu tư một tổ chức tư vấn - phân phối BĐS nước ngoài, vấn đề là giá chào bán khá cao, hoặc thiết kế dự án không phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư.

Đơn cử, nếu mua lại một dự án với mục đích xây dựng mặt bằng bán lẻ thì nơi đó phải gắn liền với dự án phức hợp lớn. Như vậy, bên mua phải mất thời gian chờ đợi toàn bộ dự án đi vào hoạt động mới có thể phát triển thuận lợi. Trong khi đó, nếu thay đổi thiết kế sẽ phải làm lại từ đầu, chi phí sẽ đội lên rất nhiều…

Ngược lại, có những đơn vị chọn hợp tác cùng các chủ đất hoặc mua lại các lô đất sạch khu vực ngoại thành rồi chia nhỏ lô đất bán với giá từ 500 - 700 triệu đồng/căn cho các gia đình trẻ. Đây thực sự là nhu cầu của thị trường nhưng để làm được điều này không phải dễ đối với DN. Bởi khó khăn của thị trường BĐS là do cung không phù hợp với cầu. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế còn quá nhiều khó khăn, nguồn vốn tự có không nhiều, vay vốn phải trả lãi suất trong khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua nhưng đó mới chỉ là “điều kiện cần chứ chưa đủ” để DN có thể mạnh dạn đầu tư vốn cho năm sau.

Một DN BĐS trong nước chia sẻ, nhu cầu mua nhà đất ở thời điểm nào cũng có, nhưng vừa qua, trên thị trường có quá nhiều dự án chậm tiến độ đã khiến khách hàng hoài nghi về năng lực tài chính của chủ đầu tư nên do dự trong quyết định mua nhà. Các nhà đầu tư muốn loại bỏ những hoài nghi đó, cũng là chứng minh năng lực thật sự của mình, cần có thời gian để chỉnh đốn lại chiến lược. Do đó, việc nhìn thấy cơ hội đầu tư trước mắt nhưng có lẽ không nhiều DN dám liều như trước đây.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng