Top

BĐS Phía Tây: Nhân tố mới có làm thị trường hồi sinh?

Cập nhật 25/03/2015 11:04

Vốn được xem là điểm nóng của thị trường bất động sản, sau 3 năm trầm lắng khu vực phía Tây Hà Nội đang có chuyển biến với những nhân tố mới.

Nhiều dự án được kích hoạt

Bất động sản phía Tây Hà Nội từng là khu vực có giao dịch sôi động với mức tăng giá mạnh mẽ nhất trong những năm 2009, 2010. Nhưng đây cũng là khu vực trượt giá mạnh nhất từ cuối năm 2011 đến nay. Trong cơn suy giảm của toàn thị trường, khu vực phía Tây trở thành vùng “nghĩa địa” chôn tiền của nhiều nhà đầu tư với hàng trăm dự án dở dang.


Hình ảnh biệt thự liền kề trong các khu đô thị mới được xây dựng với giá trị hàng tỷ đồng nhưng đến nay vẫn thưa vắng bóng người trở thành nỗi ám ảnh với khu Tây Hà Nội.

Từng ra mắt thị trường với hàng loạt "siêu dự án" có quy mô ngàn tỷ. Đến nay, nhiều dự án này vẫn chỉ giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, mất khả năng triển khai. Đi dọc các trục đường lớn như Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long… vẫn còn đó những khu đô thị dang dở. Hàng loạt biệt thự trong các khu đô thị mới như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco…được xây dựng với giá trị hàng tỷ đồng nhưng đến nay vẫn thưa vắng bóng người.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, mức giá đất tại đây chỉ dao động 10-17 triệu đồng/m2, giảm 50% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2014, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc khu vực phía Tây cũng ghi nhận nhiều chuyển biến đặc biệt tại phân khúc căn hộ. Thời gian qua, hàng loạt dự án được tái khởi động, mở bán.

Điểm qua thị trường đang chào bán có thể thấy xuất hiện nhiều dự án thuộc các phân khúc khác. Đơn cử,như Gemek Tower, Thăng Long Victory, Resco Cổ Nhuế, dự án Castle Plaza 136 Hồ Tùng Mậu đổi tên thành Goldmark City, C3 Lê Văn Lương… Bên cạnh đó là một số dự án của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cũng đang tái khởi động lạị tạo ra nguồn cầu lớn trong khu vực.

Sau thời gian dài im ắng, các nhà đầu tư đang nhập cuộc trở lại mạnh mẽ. Tuy nhiên, người mua vẫn tỏ ra khá thận trọng. Không còn cảnh tranh mua như trước đây, khách hàng khi xuống tiền đều có sự tìm hiểu về dự án. Anh Minh Thủy – một mô giới lâu năm cho biết, cuối năm 2014 đầu năm 2015 lượng khách tìm hiểu và mua căn hộ trong khu vực đã được cải thiện. Khách hàng hiện nay thường quan tâm đến các dự án đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thiện.

“Người mua nhà đang có rất nhiều lựa chọn. Bên cạnh tiến độ dự án uy tín của chủ đầu tư cũng được khách hàng xem xét kỹ. Không ít khách hàng vẫn giữ tâm lý giá nhà có thể giảm nữa nên họ vẫn còn dè dặt trong việc chọn dự án” – anh Thủy nói.

Xuất hiện nhiều nhân tố mới

Cùng với sự khởi động của nhiều dự án, khu vực phía Tây cũng nổi lên với những thương vụ M&A bất động sản gần đây. Có thể kể tới như thương vụ Sky Park Residence (Cầu Giấy) 285 tỷ, thương vụ Ion Complex (136 Phạm Hùng) 198 tỷ, một dự án FLC mua lại của Hải Phát, và đang sở hữu 99%, diện tích khu đất 4.000 m2, quy mô xây dựng 39 tầng.

Tập đoàn này cũng đã thực hiện mua lại 2 dự án khác cũng ở khu vực phía Tây, gồm dự án Alaska Garden City tại Đại Mỗ rộng 53.000m2, và mới đây là dự án The Lavender (Hà Đông) với tổng diện tích gần 3.000 m2. Thương vụ Vingroup mua lại BĐS Hồng Ngân trị giá 1.286 tỷ để sở hữu dự án Thành phố Xanh 17,6ha tại Mỹ Đình 1…

Trong khi đó, GP Invest tham gia thị trường với dự án Tràng An Complex (Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy). Dự án này rộng 2,6ha, trong đó 2,3 ha là 2 tòa chung cư 23 và 28 tầng khoảng 800 căn hộ cao cấp, 14 tòa hỗn hợp.

Thời gian tới, làn song M&A vẫn sẽ tiếp tục là điểm nóng tại khu vực này. Đây được xem như “nhóm nhân tố mới” đang “thay máu” hàng loạt dự án. Nhiều dự án được đổi chủ, đón nhận dòng tiền mới hứa hẹn một cuộc chơi mới đang được thiết lập tại khu vực có thị trường luôn được xem là “nóng” nhất đất Hà Thành.

Đánh giá về những thăng trầm trên thị trường bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội, trao đổi trên báo chí, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng đó là một bằng chứng điển hình cho thời kỳ đầu tư theo kiểu ăn xổi, có đất là có dự án, không quan tâm đến quy hoạch, hạ tầng, dân cư. Ngay cả người mua cũng chỉ biết bỏ tiền, đợi giá tăng lên bán lại, không cần quan tâm đến chất lượng dự án. Hậu quả là BĐS phía Tây lâm vào tình cảnh “chìm” cả đôi bên, không có cách tháo gỡ.

Tuy nhiên, có thể thấy sau thời gian thanh lọc nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc” với những chuyển biến của thị trường cùng sự xuất hiện của “nhóm nhân tố mới” bất động sản khu Tây đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại. Tuy nhiên, để tạo hồi sinh từ “vùng đất chết” vẫn là chặng đường dài đầy khó khăn và thách thức.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet