Top

Làn sóng đầu tư vào Hà Nội tăng mạnh

Cập nhật 17/12/2018 14:32

Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng. Những lĩnh vực như bất động sản và các ngành kinh doanh liên quan cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, thành phố thông minh, các khu đô thị vệ tinh, bãi đỗ xe ngầm… có thể sẽ thu hút sự chú ý lớn từ nhà đầu tư (NĐT) trong và nước ngoài ngay trong năm tới.

Hàng loạt dự án khủng đổ bộ thị trường

Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 11 tháng năm 2018, Hà Nội là địa phương thu hút 6,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 20,4% tổng vốn thu hút đầu tư FDI của cả nước. Các dự án được cấp mới trên địa bàn TP tăng lên cả số lượng và tổng mức vốn.

Tại Hội nghị đầu tư 2018, TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư 71 dự án với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng (khoảng 17 tỷ USD). Trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương hơn 5,4 tỷ USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng. Nhiều DN lớn trong nước và các tập đoàn nước ngoài như Hitachi, Sumimoto... nhận chứng nhận đầu tư.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu Công nghiệp Thăng Long. Ảnh  Thanh Hải

Trong vài năm tới, hàng loạt công trình lớn đang và sẽ triển khai như Thành phố thông minh (Đông Anh); Công viên giải trí trong nhà lớn nhất Việt Nam Hello Kitty (Yên Phụ); Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia lớn thứ 5 thế giới (Đông Anh); Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam (khu đô thị mới Tây Hồ Tây). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ được xây dựng vào năm 2021. Đặc biệt, Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa đẳng cấp thế giới (Sóc Sơn) với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD từ NĐT Hàn Quốc khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy du lịch… Nếu được Chính phủ thông qua, Dự án sẽ được khởi công xây dựng ngay trong năm 2019.

Trong 2019 và những năm tiếp theo, Hà Nội cũng sẽ tiến hành chuẩn bị các điều kiện cho Giải đua F1 và nhiều công trình phục vụ những sự kiện lớn của đất nước và TP. Lãnh đạo TP bày tỏ mong muốn, các NĐT nước ngoài sẽ đầu tư vào những dự án đường sắt đô thị, các dự án đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, các tuyến đường vành đai, hoặc các tuyến metro, các bãi đỗ xe ngầm, các khu đô thị vệ tinh...

Phát triển kinh tế tư nhân là động lực

Cùng với việc phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm từ 7,5% trở lên, Hà Nội cũng xác định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm du lịch, công nghệ cao của cả nước… Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Nội, TP nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhiều giải pháp đã được nhắc tới, như tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, sử dụng quỹ đất, mặt bằng phục vụ đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư...

Kiên định với mục tiêu “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô”. Đồng thời, tận dụng, nắm bắt cơ hội của cách mạng 4.0, đẩy nhanh công tác chuẩn bị, triển khai mạnh các hoạt động nhằm tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do mang lại để không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền tảng phát triển của TP. Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng bền vững.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Hà Nội, nhiều NĐT trong nước và ngoài nước, đại diện tổ chức quốc tế cho rằng, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng sẽ thành công khi đầu tư vào đây.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT