Top

CAR của hệ thống ngân hàng Việt thấp nhất trong khu vực

Cập nhật 30/12/2018 09:40

Tỷ lệ an toàn vốn đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng, là một trong những thách thức lớn trong năm 2019.

Cho đến nay, số liệu về tỷ lệ an toàn vốn do NHNN chính thức công bố mới chỉ cập nhật đến cuối tháng 5/2018, theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống đứng ở mức 12,14%, trong đó khối NHTM Nhà nước là 9,39% còn khối NHTMCP là 11,34%, đều giảm so với cuối năm 2017.

Nhiều chuyên cho rằng, tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2019.

Trong một báo cáo triển vọng năm 2019 được công bố mới đây, nhóm phân tích của chứng khoán Rồng Việt VDSC lưu ý rằng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang là điểm nghẽn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chỉ đạt 12 lần, tới cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và chỉ cao hơn Bangladesh.

Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 cũng không khá hơn. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của Việt Nam đang được tính theo tiêu chuẩn Basel I trong khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đang thực hiện Basel II. Nếu tính lại theo tiêu chuẩn cao hơn này, hệ số CAR của Việt Nam có thể thấp hơn.


Thời điểm áp dụng Basel II (phương pháp tiêu chuẩn) cho các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được xác định, từ năm 2020, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Mười ngân hàng thí điểm (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, MaritimeBank, Sacombank và VIB) có thể sẽ hoàn tất sớm hơn.

Hiện tại, Vietcombank, VIB và OCB đã được NHNN chấp thuận việc áp dụng từ năm 2019. Việc phát hành tăng vốn của Vietcombank và BIDV đang đi đến những bước cuối cùng và kỳ vọng sẽ hoàn tất trong năm 2019. Trong trường hợp thành công, vốn chủ sở hữu của cả hai ngân hàng sẽ ở quanh mức 1,7 tỷ USD. Trên phương diện vi mô, các thương vụ này sẽ nâng cao khả năng chống chọi của từng ngân hàng, qua đó có thể giúp các ngân hàng tiệm cận sớm hơn với Basel II nâng cao. Trên phương diện vĩ mô, độ ổn định tài chính cũng được gia tăng. Các thương vụ tỷ đô này sẽ hỗ trợ công cuộc quản lý và ổn định tỷ giá. VDSC cũng cho rằng, tỷ giá sẽ dao động mạnh và mức độ mất giá trong trường hợp cơ bản ở mức 3% trong năm 2019.

Trong khi việc tăng vốn ở Vietcombank và BIDV lạc quan hơn thì, VDSC cho rằng, nhiều khả năng việc tăng vốn của VietinBank sẽ không thể hoàn thành trong năm 2019. Tỷ lệ CAR của ngân hàng này hiện đang tiệm cận mức tối thiểu theo yêu cầu của Thông tư 36 và dưới chuẩn Basel II.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ