Top

Đại biểu lo nới lỏng quá cho người nước ngoài mua nhà

Cập nhật 28/05/2014 08:38

Thảo luận ở tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng ngày 27/5, nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về một số nội dung cần chỉnh sửa cho phù hơp như: cho người nước ngoài mua nhà, quản lý nhà công vụ, quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư…

Ảnh minh họa

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở quy định người nước ngoài mua nhà với số lớn là khá mở, cần cân nhắc lại. “Đây là Luật Nhà ở chứ không phải Luật kinh doanh bất động sản. Chính vì vậy, việc mở quá cho người nước ngoài mua nhà rất có thể dẫn tới đầu cơ” – ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm đưa ra một vấn đề để Ban soạn thảo xem xét. Thứ nhất, nhà công vụ hiện nay đang biến tướng thành nhà cá nhân. “Khi một cán bộ công tác địa phương này thì được cấp nhà công vụ, nhưng khi sang ngành khác cán bộ đó vẫn giữ lại nhà công vụ để cho con cháu ở, mà nhiều nhà công vụ có giá  tới chục tỷ đồng” – ông Kiêm nói.

Thứ hai, về quỹ phát triển nhà ở, một số tỉnh thành làm tốt rồi. Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, khi mở đường thì quy hoạch đất 2 bên đường để xây nhà hoặc bán đấu giá đất thu lợi cho ngân sách. Cần phải đẩy mạnh cách làm này để đảm bảo thu cho ngân sách và đảm bảo quỹ.

Thứ ba, việc triển khai Thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng và NHNN quy định về tài sản hình thành trong tương lai để giải quyết tình thế trước mắt. “Nghĩa là tài sản thế chấp trong tương lai được vay vốn. Tài sản này chưa hình thành, đang xây dựng nhưng đã cho vay rồi. Đây là giải pháp tình thế  trong tình hình hiện nay mà đã đưa vào Luật ngay là hơi vội vàng. Theo tôi cần phải thực hiện một thời gian để có tổng kết đánh giá đã” – Đại biểu Cao Sĩ Kiêm đề nghị.

Đồng tình với ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, Điều 157 của dự thảo Luật quy định về sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu theo phương án 1 thì thoáng quá, dẫn tới khó quản lý sau này. “Theo tôi cho phép người nước ngoài cư trú ở Việt Nam bao lâu thì mới được sở hữu để tránh lũng đoạn, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh, quốc  phòng. Đây là nội dung cần phải quy định chặt chẽ hơn” – Đại biểu Minh đặt vấn đề.

Ông Minh cho biết thêm, tại Điều 159, khoản b của dự thảo Luật có nêu là người nước ngoài chỉ được mua 30% số căn hộ trong một khu chung cư còn với nhà riêng lẻ thì trong 1 phường không quá 25 căn. Theo đại biểu Minh, “một là bỏ hẳn điểm này, hoặc đưa ra quy định chỉ cho người nước ngoài mua 1 căn hộ hoặc 1 nhà khi anh vào Việt Nam và cũng phải giải thích mục đích sử dụng”.

Là người làm trong ngành tư pháp, đại biểu Lê Minh Hiền nhìn ở góc độ khác. Theo bà Hiền, thì bản thân bà đã từng áy náy với vụ việc một phụ nữ người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sau đó ông chồng ngoại quốc chuyển tiền cho vợ đứng tên. Nhưng đến khi ly hôn, thì tên nhà mang tên của vợ, ông chồng ngoại quốc không được gì. Qua vụ việc như vậy, đại biểu Lê Minh Hiền cho rằng, nên cho người nước ngoài đồng sở hữu, phải bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm khi sửa đổi Luật Nhà ở chính là quản lý thời hạn sử dụng với nhà chung cư. Đại biểu Vũ Chí Thực cho biết, nhiều nhà chung cư xuống cấp quá mà dân không có tiền để di chuyển đi chỗ khác. Nhà nước cũng không sửa chữa, xây lại. Vì vậy, Luật lần này phải quy định rõ nhà chung cư được sử dụng bao nhiêu năm. “Ở tỉnh tôi có mấy tòa nhà chung cư của Pháp đã xây dựng được khoảng 100 năm. Họ gửi thông tin đến tỉnh, khi dịch ra thì được biết là công trình tòa nhà này này không còn đảm bảo an toàn nữa. Chúng ta phải chuyên nghiệp như vậy mới được.” – ông Thực nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng