Top

Lãng mạn mùa thu nước Nga

Cập nhật 22/08/2010 09:55

Những hàng cây lá thích, lá phong, lá sồi và bạch dương đã vàng rực hai bên đường, trong công viên, ngập tràn trong nắng thu vàng óng ánh như mật ngọt.

Mùa thu, tiết trời còn chưa lạnh. Bầu trời xanh trong cao vời vợi được tô điểm những áng mây trôi bồng bềnh. Hoà cùng sắc màu của lá thu với những gam màu tuyệt đẹp, người hoạ sĩ thiên nhiên thoả sức chấm phá những nét bay bổng trong bức tranh thu lãng mạn của mình.


Đến Nga vào mùa thu, mới thấy đủ hương vị của đất trời. Nơi đâu cũng tràn ngập sắc vàng của cỏ cây hoa lá. Lá vàng đậu trên mái tóc người đi đường, bậu trên khung cửa sổ, lá theo mỗi bước chân người trên thảm cỏ, lá vàng dệt những mảng màu tô thắm trên tán cây. Dường như chỉ chờ đến mùa thu, lá cây mới khoe hết vẻ đẹp rực rỡ của nó. Một cơn gió thoảng qua, từng tán lá lao xao, những chiếc lá xoay tròn chao nghiêng rồi e ấp hạ xuống thảm cỏ. Bản hoà tấu mùa thu mà gió là nhạc trưởng và lá vàng rơi là nốt nhạc xao xuyến lòng người.

Đến Nga vào mùa thu, du khách không những được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được thưởng ngoạn những công trình kiến trúc vĩ đại. Ở Matxcơva du khách sẽ được chiêm ngưỡng điện Kremlin được xây dựng từ năm 1475 đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1990. Quảng trường Đỏ, tháp đồng hồ Ivan và các viện bảo tàng tranh Tretikov luôn cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp kiêu sa của nó. Giao thông ở đây rất thuận tiện, du khách có thể đi lại nhanh chóng, dễ dàng bằng hệ thống tàu điện ngầm, nhanh, sâu và đẹp nhất thế giới. Hệ thống này được coi là Cung điện trong lòng đất, một niềm tự hào của người dân Matxcơva.


Rời Matxcơva bằng xe lửa, du khách đến thành phố lớn thứ hai của Nga, St. Petersbourg. Nằm cách Matxcơva khoảng 1000 km về hướng Tây Bắc, thành phố mang mình những nét đặc trưng riêng với những toà kiến trúc lộng lẫy và huy hoàng. Hệ thống kênh đào chằng chịt với vô số chiếc cầu vắt mình qua sông Neva nước chảy êm đềm, uốn lượn quanh co. Thành phố này nổi tiếng với Di sản thiên nhiên thế giới- Cung điện mùa Đông.




Với hơn 4 triệu tác phẩm mỹ thuật có giá trị của dân tộc Nga, cung điện đã làm đắm say hàng triệu du khách từ khắp mọi nơi trên đất nước Nga cũng như du khách trên thế giới về đây chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng của toàn nhân loại. Ở Cung điện mùa hè, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi những đài phun nước trên ba trăm năm tuổi. Được khởi công năm năm 1714, rộng 1.000 ha, gồm 7 công viên, 20 lâu đài và tiền sảnh, 140 vòi phun nước, một lần nữa, du khách sẽ được đắm mình trong không gian xa hoa và tráng lệ của cung điện mà trầm trồ thán phục những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.






Ngoài ra, du khách còn có thể đến tham quan chụp ảnh tại pháo đài Peter & Paul do Peter đại đế xây dựng năm 1703, thăm bảo tàng Hermitage, niềm tự hào của nước Nga, một trong những bảo tàng mỹ thuật lớn nhất thế giới gồm 397 căn phòng với hơn 3 triệu tác phẩm nghệ thuật bất hủ của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, phương Đông, phương Tây... cung điện Pushkin, nhà thờ thánh Isaac cao thứ 4 thế giới; chiến hạm Rạng Đông, biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Bạn có thể thuê thuyền hoặc ca nô để khám phá thành phố từ dưới nước.

Mỗi chiếc cầu là một kiệt tác kiến trúc, làm tăng lên vẻ yêu kiều, diễm lệ của thành phố bên sông này. Thiên nhiên đã ưu đãi cho thành phố này những đêm trắng thơ mộng và lãng mạn nhất trên thế giới. Từ cuối tháng 5 cho đến đầu tháng 7, Saint Petersburg không có ban đêm, mọi vật hiện lên dưới ánh sáng huyền diệu như trong cổ tích. St. Petersbourg được UNESCO công nhận là thành phố du lịch hấp dẫn thứ 8 của thế giới vào năm 2004.




Chẳng phải vô cớ mà mùa thu nước Nga đã đi vào thi ca và văn học, đã từng làm say đắm hàng triệu con người. Thiên nhiên mênh mang một sắc vàng đến nao lòng. Một khung trời thu man mác làm du khách chợt yêu, chợt nhớ để rồi quay trở lại. Hàng cây xa tít tắp để lại phía sau….Những ánh sáng vàng cuối ngày trong veo và dịu ngọt, như ánh mắt người phụ nữ Nga nồng nàn, đôn hậu, với khay bánh mì đen và muối mặn mời chào.













DiaOcOnline.vn - Theo Afamily

CÁC TIN KHÁC