Top

Thành phố nào của Việt Nam sẽ trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản lớn trong khu vực trong 10 năm tới?

Cập nhật 07/07/2019 08:15

Trung tâm dịch vụ bất động sản không chỉ có nhà ở, văn phòng làm việc, mà còn bao gồm bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí...



Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của Vùng thành phố Hồ Chí Minh, phát triển theo mô hình tập trung đa cực, là cửa ngõ và đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế. Mục tiêu phấn đấu của thành phố đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng từ 80 - 90%, tương đương với các nước phát triển.

Để góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố từ nay đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định xây dựng "Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước".

Thị trường bất động sản không chỉ có nhà ở, văn phòng làm việc, mà còn bao gồm bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề và sử dụng khoảng 10.000 sản phẩm của nền kinh tế.

Dịch vụ bất động sản là các hoạt động hỗ trợ đầu tư, kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản. Bao gồm các loại dịch vụ tư vấn đầu tư bất động sản; tư vấn tài chính bất động sản; tư vấn pháp luật bất động sản; môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; định giá bất động sản; đấu giá bất động sản; triển lãm, quảng cáo bất động sản; quản lý bất động sản...

Để trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng trong nước, quốc tế, ông Châu nhận định thành phố Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng được 4 yêu cầu cơ bản.

Thứ nhất, thị trường bất động sản của thành phố phải tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế; Phát triển bất động sản theo hướng xanh và thông minh; Sản phẩm bất động sản đa dạng; Có tỷ suất sinh lợi hấp dẫn trong trung hạn, dài hạn; Có khả năng chống chịu khủng hoảng; Trong tương quan so sánh, phải ít tiềm ẩn rủi ro hơn so với các nước trong khu vực, nhất là trong điều kiện độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn.

Thứ hai, môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản phải minh bạch, bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản phải được cập nhật đầy đủ, trung thực, theo thời gian thực (Real time) mà mọi người đều truy cập được.

Thứ tư, phải phát triển đồng bộ cả cơ sở hạ tầng vật thể và cơ sở hạ tầng phi vật thể, như hạ tầng giao thông, vận tải; hạ tầng năng lượng; hạ tầng kỹ thuật đô thị và quy hoạch phát triển đô thị; hạ tầng mạng (cả đường truyền, phần cứng và phần mềm); hạ tầng tài chính, ngân hàng; hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data); hạ tầng pháp lý; nguồn nhân lực...

Để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, ông Châu cho biết cần phải thực hiện các 6 giải pháp đề xuất.

Thứ nhất, phải giải quyết 3 điểm nghẽn. Điểm nghẽn về thể chế pháp luật cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính khả thi; Thực thi pháp luật công minh; Quy trình thủ tục hành chính minh bạch; hình thành "chính quyền phục vụ", kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp; Xây dựng nền tảng đạo đức công vụ.

Giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên phát triển có chọn lọc hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải (logistics), hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng mạng tiệm cận chuẩn mực quốc tế; đảm bảo an ninh năng lượng nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực. Coi giáo dục là quốc sách, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lành nghề, tăng cường huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ thông tin, sử dụng tiếng Anh là phổ biến chỉ sau tiếng Việt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hội nhập quốc tế.

Thứ hai cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, làm giàu chính đáng và đóng góp lớn cho đất nước. Đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế nhà nước.

Thứ ba, phát triển thị trường bất động sản với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng, phát triển đô thị và Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở, Thành phố cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh có quy mô đủ lớn để hình thành các khu đa chức năng (ở, làm việc, thương mại, dịch vụ...) tập trung đông người, kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, đạt chuẩn, tạo thị trường để thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và tạo điều kiện để cơ cấu và phân bổ lại dân cư đô thị.

Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình chỉnh trang, tái phát triển đô thị. Trong đó, có 03 chương trình: (i) Di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch; (2) Xây dựng lại các chung cư cũ; (3) Chỉnh trang, tái phát triển các khu dân cư lụp xụp.

Với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị, sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư và trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước.

Thứ tư, xây dựng đầu mối cung cấp thông tin thị trường bất động sản (cơ quan đầu mối, cổng thông tin), để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thứ năm, sớm hoàn thành xây dựng Trung tâm triển lãm tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, để vừa phục vụ cho thị trường bất động sản, vừa phục vụ các lĩnh vực khác.

Thứ sáu, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cần hợp tác, liên kết chặt chẽ, hiệu quả để có đủ vị thế và nguồn lực để tiếp tục giữ vững vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản nước ta như hiện nay và hợp tác, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ