Top

Quy hoạch phòng, chống lũ trên sông Hồng: Chuyên gia nói gì về việc TP Hà Nội đề xuất di dời hơn 2.200 hộ dân?

Cập nhật 16/12/2018 09:41

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Suốt thời gian qua, các bộ - ban – ngành và cơ quan chức năng đã nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án di dân, các biện pháp phòng chống lũ trên sôngg Hồng. Theo diễn biến mới nhất, TP Hà Nội đề xuất di dời khoảng 2.200 hộ dân. Con số chênh lệch khá lớn so với quyết định di dời 19.000 hộ dân trước đó.

Thời gian quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội và các tuyến sông có đê.

Tìm hiểu đươc biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Thủy lợi đã nghiên cứu và xây dựng cơ bản xong đến các nội dung thoát lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố theo quyết định 257 và quyết định 1821 của Thủ tướng. Cốt lõi của quyết định 257 gồm: Xác định khu dân cư, số hộ ở các khu dân cư ở ngoài sông có thể được bảo vệ và tồn tại; Xác định các khu dân cư phải di dời hoặc là các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều cũng phải có biện pháp để di dời. Ngoài ra, theo quy định các tuyến đê cơ bản được giữ nguyên, không xây đê bao đê bối mới, vì vậy quan điểm về thoát lũ của Quyết định 257 không gian thoát lũ là từ đê bên tả sang đê bên hữu.

Hà Nội đưa ra phương án bảo vệ các hộ dân trong diện ở lại là làm một con đường ở bãi sông, trên cơ sở các đê bao, đê bối cũ tôn lên, nối liền tuyến tạo thành một đường bao nối lại với nhau để vừa phát triển giao thông, vừa đảm bảo cho bảo vệ một mức độ cho khu dân cư ngoài bãi sông. Tuy nhiên, cốt lõi của Quyết định 257 là không xây dựng đê bao, đê bối mới.

Ngày 28/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch và nhìn chung Bộ thống nhất một cách cơ bản. Tuy nhiên, xây dựng đường giao thông ngoài bãi vẫn là một vướng mắc lớn.

Đáng chú ý, từ ngày có Luật Đê điều đến nay, TP Hà Nội chưa di dời được hộ dân nào trong những khu vực phải di dời. TP Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất và mật độ dân cư ở ngoài bãi sông rất lớn. Vì thế, nếu di dời toàn bộ thì vấn đề tìm quỹ đất rất khó khăn, đồng thời gây xáo trộn xã hội, áp lực nhiều hơn ở khu vực nội đô.

Thực tế, hàng ngày tại khu vực đê sông Hồng có hàng trăm hộ dân cư mới chuyển tới, phát sinh, lấn chiếm và sử dụng đất. Do vậy, nếu đề xuất không sớm được thông qua và thực hiện thì số lượng dân cư phải di dời sẽ vô cùng lớn, gấp nhiều lần so với dự tính.

Để có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Theo ông Đặng Hùng Võ, vấn đề tại sông Hồng đã thảo luận hơn 10 năm nay với nhiều đề xuất khác nhau, trong đó các đề xuất chú trọng đến việc thoát lũ sông Hồng. Thực tế, còn tồn tại rất nhiều khu dân cư nằm ngoài đê. Do đó, việc thoát lũ sông Hồng phải đồng bộ thực hiện cùng việc bố trí dân cư, nâng cấp đô thị.

Ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn Báo điện tử Xây dựng.

Về việc di dời 19.000 dân hay 2.200 dân, ông Đặng Hùng Võ cho rằng TP Hà Nội cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, chia thành nhiều giai đoạn khác nhau để đảm bảo phát triển bền vững. TP Hà Nội cần có những nghiên cứu tỉ mỉ, chú ý đến tính khả thi để có thể huy động nguồn kinh phí thực hiện.

Nói về những khó khăn trong quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh 2 vấn đề: Thứ nhất, lượng dân cư đang sinh sống rất khổng lồ, do đó số tiền giải tỏa, di dời hay tái định cư rất lớn; thứ hai, việc trị thủy sông Hồng không phải chuyện dễ dàng, cần nghiên cứu kĩ hơn phương án an toàn trong việc xử lý hành lang thoát lũ.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng