Top

Phải hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản

Cập nhật 09/10/2013 10:28

Nếu không hiến định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh.

Các đại biểu đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Nội dung về kinh tế, chính quyền địa phương và thiết chế độc lập trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992”, do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), tổ chức tại TP.HCM ngày 8-10.

Hiến định để tránh nguy cơ lạm quyền

GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng: Trên thực tế, ta đã thừa nhận một cách rất rõ ràng việc người dân bỏ tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). “Đã thừa nhận việc chuyển nhượng bằng tiền thì không có cách nào khác để phủ nhận nó là quyền tài sản của người sử dụng đất” - ông Võ nhấn mạnh.

Theo ông Võ, nếu không thừa nhận QSDĐ là quyền tài sản là không đúng với cơ chế thị trường hiện nay. Và để bảo vệ quyền ấy của người dân thì cần phải ghi rõ vào HP. “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng QSDĐ là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong HP, để tránh những nguy cơ người sử dụng đất phải đối mặt khi bỏ một khối tài sản ra cho việc này” - GS Võ nói.

GS-TS Đặng Hùng Võ: “Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng QSDĐ là tài sản hoặc quyền tài sản của người sử dụng và Nhà nước bảo đảm quyền ấy trong Hiến pháp”. Ảnh: MC

Đồng tình với vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến (ĐH Luật Hà Nội) cũng cho rằng: Nếu không hiến định QSDĐ là quyền tài sản thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của người dân là rất mong manh và nguy cơ bị tước đoạt mất quyền lợi của người sử dụng đất có thể đến bất kỳ lúc nào. Nhất là đặt trong điều kiện phân cấp cho chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất rất lớn và cơ chế thu hồi đất hiện nay tiềm ẩn nhiều tham nhũng, tiêu cực. Điều này làm cho người dân không yên tâm và dễ tạo ra xung đột lợi ích.

Chỉ nên thu hồi đất vì lợi ích công

Trong trường hợp nào thì Nhà nước thu hồi đất? Vấn đề này cũng được các chuyên gia bàn luận sôi nổi tại hội thảo này. Các chuyên gia cho rằng chỉ nên thu hồi đất vì mục đích lợi ích công, còn thu hồi đất cho “các dự án phát triển kinh tế-xã hội” thì phải cân nhắc tối đa và nên để quy luật thị trường điều chỉnh những trường hợp này.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM), việc thu hồi đất phải đảm bảo yêu cầu cơ bản là sau khi thu hồi thì tình hình phải chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn. Sự tốt đẹp đó không đơn giản chỉ biểu hiện bằng con số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự tăng trưởng trong kinh tế-xã hội, mà biểu hiện ở chỗ các chủ thể có liên quan được thụ hưởng kết quả đó như một phúc lợi chung của xã hội, theo hướng kết quả sau tốt hơn trước. “Không thể vì xây dựng cái tốt đẹp về mặt hình thức mà đẩy một số người đang sống một cách yên bình trên mảnh đất nào đó về một tương lai đầy rủi ro” - ông Điện nói.

TS Điện phân tích thêm: Bài toán cơ bản phải giải quyết trong việc thu hồi đất là lợi ích thu được ngày hôm sau phải lớn hơn lợi ích ta có ngày hôm nay và lợi ích đó phải được phân bổ công bằng cho toàn xã hội. “Với yêu cầu đó thì trường hợp thu hồi vì lợi ích công là phù hợp vì lợi ích công lớn hơn lợi ích tư. Việc này không tranh cãi” - TS Điện khẳng định.

Tuy nhiên, theo TS Điện, với trường hợp Nhà nước thu hồi đất của một tư nhân này giao cho một tư nhân khác thì phải hết sức cân nhắc. “Thường điều này xảy ra khi lợi ích tư nhân mà ta bảo vệ là lợi ích người yếu thế, như lấy đất của địa chủ, phú nông giao cho dân cày không có ruộng”. Với những trường hợp khác, khi lợi ích tư xung đột với lợi ích tư, chỉ khi nào đáp số lợi ích tương lai lớn hơn ngày hôm nay rất nhiều mới xúc tiến thu hồi đất. Nhưng ngay cả trong trường hợp này thì việc tổ chức cho tư nhân này lấy đất của tư nhân khác cũng phải thông qua giao dịch dân sự và Nhà nước hỗ trợ cho giao dịch này bằng cách thiết lập quyền trưng mua cụ thể. “Nếu lấy đất vì mục đích kinh tế-xã hội như lấy đất vì mục đích công thì rất bất công, tạo ra rủi ro gây ra xung đột cho xã hội. Vì thế cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi ghi điều này trong HP sửa đổi tới đây” - TS Điện lưu ý.

Quyền hiển nhiên của người sử dụng đất

Nên xem QSDĐ là quyền tài sản của người sử dụng. Đó là quyền hiển nhiên, không phải là quyền mà Nhà nước muốn cho dân thì cho. QSDĐ thường chấm dứt trong ba trường hợp: Thứ nhất là do lỗi người sử dụng đất gây ra, tức là vi phạm pháp luật và Nhà nước áp dụng biện pháp chế tài thu hồi. Thứ hai là vì mục đích công, pháp luật cho phép Nhà nước dùng quyền để chấm dứt. Thứ ba là do ý chí của người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng.

Như vậy, nếu người dân đang sử dụng bình thường mà Nhà nước muốn chấm dứt quyền đó thì phải vì mục đích công. Và HP phải nói rõ mục đích công là gì chứ nói “phát triển kinh tế-xã hội” là quá rộng. Điều này dẫn đến việc khó tránh khỏi tình trạng quan chức địa phương lợi dụng để thu hồi đất hàng loạt.

Ta không thể để người dân bị đẩy vào thế rủi ro cho quá trình phát triển; và xảy ra tình trạng làm thiệt hại lợi ích của một nhóm người này để cho người khác có lợi hơn, bởi Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy HP sửa đổi phải khẳng định QSDĐ là quyền tài sản hoặc là tài sản. Nhà nước chỉ áp dụng biện pháp hành chính chấm dứt QSDĐ của người dân vì mục đích công, còn mục đích tư là do quy luật thị trường điều chỉnh.

PGS-TS NGUYỄN QUANG TUYẾN (ĐH Luật Hà Nội)

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh