Top

Dự thảo nghị định về PCCC: Hàng loạt bất cập làm khó doanh nghiệp

Cập nhật 17/11/2019 15:30

Góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới đây, đại diện VCCI đã chỉ ra nhiều điều không phù hợp và đề nghị Bộ Công an cân nhắc chỉnh sửa.

Nhiều quy định trong dự thảo nghị định về PCCC không phù hợp, làm khó doanh nghiệp

Cụ thể, VCCI góp ý về Điều 14.4.b dự thảo quy định hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế cơ sở của dự án, công trình cần phải có ba loại giấy tờ.

Một là bản sao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án sử dụng vốn khác (nếu có).

Hai là bản sao văn bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy hoạch 1/2.000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc bản sao văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp.

Ba là đơn theo mẫu PC19 tại Phụ lục của dự thảo. Mục II của mẫu đơn này yêu cầu danh mục hồ sơ gửi kèm, trong đó có nhiều hồ sơ không nằm trong quy định tại Điều 14.4.b như dự toán xây dựng công trình.

VCCI tái khẳng định mục đích của việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC là nhằm bảo đảm thiết kế đó phù hợp với các quy định về an toàn PCCC của công trình. Cơ quan PCCC chỉ xác nhận sự phù hợp của thiết kế đối với quy định về PCCC.

Theo VCCI, cơ quan PCCC không cần thiết phải giám sát việc chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa (trách nhiệm của cơ quan quản lý đầu tư) hay việc đất xây dựng công trình có quyền sử dụng hợp pháp hay không (trách nhiệm của cơ quan đất đai).

Do đó, “việc yêu cầu hồ sơ có dự toán xây dựng công trình cũng không cần thiết, vì nếu thiết kế công trình đã phù hợp với quy định về PCCC thì việc doanh nghiệp không có dự toán không thể là căn cứ để cơ quan nhà nước từ chối phê duyệt thiết kế”, VCCI nhấn mạnh.

VCCI đề nghị Bộ Công an rà soát lại thành phần hồ sơ, bãi bỏ các thành phần hồ sơ không liên quan đến mục tiêu của thủ tục thẩm duyệt thiết kế tại Điều 14 và mẫu đơn PC19 của dự thảo.

Tại Điều 15.6 dự thảo quy định trách nhiệm không cung ứng dịch vụ điện nước cho dự án, công trình khi chủ đầu tư không cung cấp được văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC.

VCCI chỉ ra rằng Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định biện pháp này là một biện pháp xử lý hay biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, không có căn cứ pháp lý để quy định như trên. Mặt khác, pháp luật về điện lực và pháp luật về tài nguyên nước không có quy định quy định về trách nhiệm này của tổ chức cung ứng điện, nước.

Thậm chí, điện và nước được coi là dịch vụ công, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được phép đơn phương từ chối cung cấp cho khách hàng trừ trường hợp bất khả kháng.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước.

Tại Điều 12.1 của Dự thảo quy định: “Địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh”. Điều 14.4.d đặt ra thủ tục chấp thuận địa điểm xây dựng công trình và Điều 14.8.a yêu cầu phải có văn bản chấp thuận về địa điểm trước khi tiến hành thiết kế công trình.

Tuy nhiên, đại diện VCCI cho biết, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì hiện nay chưa có quy định rõ ràng về khoảng cách an toàn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm xây dựng để làm các thủ tục về đất đai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về khoảng cách an toàn này.

Tương tự, tại Điều 12.4 của dự thảo quy định: “Lối thoát nạn (cửa, lối đi, hành lang, cầu thang thoát nạn), thiết bị chiếu sáng, chỉ dẫn lối thoát nạn, báo tín hiệu; thông gió chống tụ khói; phương tiện cứu người phải bảo đảm cho việc thoát nạn nhanh chóng, an toàn”. Theo VCCI, hiện chưa có quy định rõ về kích thước tối thiểu của lối thoát hiểm nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định rõ hơn về kích thước của lối thoát hiểm.

Dự thảo cũng cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế thay cho Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục về điều này. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ.

Theo dự thảo, người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC. VCCI cho rằng điều này là bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, nội bộ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành.

“Nếu mỗi ngành người đứng đầu lại phải có chứng chỉ riêng thì 1 cá nhân sẽ có rất nhiều chứng chỉ, trong khi 1 doanh nhân, không phải người trực tiếp làm kỹ thuật. Việc này sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động của doanh nghiệp”, VCCI nêu.

Liên quan đến công tác PCCC, phát biểu trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trước hết trong thời gian tới sẽ tập trung cao cho việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, nhất là sẽ bổ sung các quy định mới để đáp ứng các yêu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Thí dụ như bổ sung những quy định cụ thể về PCCC đối với những loại vật liệu xây dựng mới. Đối với quy mô và chiều cao công trình, sẽ bổ sung các quy định, quy chuẩn liên quan, có thêm những quy định về các công trình đa năng, hỗn hợp. Thứ hai là tổ hợp lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho gọn, bảo đảm dễ tra cứu, áp dụng, đồng thời cũng phải đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm PCCC vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho biết trong tháng 12/2019 sẽ ban hành hai quy chuẩn mới, cơ bản nhất để đáp ứng yêu cầu PCCC. Đó là quy chuẩn số 01 về quy hoạch xây dựng và quy chuẩn số 06 về phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, trong trường hợp chưa xây dựng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan công tác PCCC trong lĩnh vực xây dựng, sẽ áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài một cách phù hợp nhất để bảo đảm công tác PCCC.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN