Theo nhận định của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường xi măng trong nước trong tháng còn lại của năm 2009 khá ổn định. Thống kê sơ bộ, lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng trong tháng 11 đã tăng khoảng 10% so với tháng 10, trong đó sản xuất đạt gần 4 triệu tấn, tiêu thụ đạt trên 3,8 triệu tấn, nâng tổng mức tiêu thụ xi măng trong 11 tháng năm 2009 đạt xấp xỉ 40 triệu tấn.
Lý do của việc gia tăng tiêu thụ trong tháng 11 so với tháng 10 là các công trình đang vào thời điểm tăng tốc xây dựng, bù lại cho tháng 9, tháng 10 mưa nhiều, và ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Các thương hiệu ximăng đều có mức tiêu thị khá ổn định. |
Với tốc độ sản xuất và tiêu thụ như vậy, Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự đoán, tiêu thụ xi măng trong cả năm 2009 sẽ đạt từ 44 – 45,5 triệu tấn, tăng 10,5 – 11% so với năm 2008, trong đó Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam 17,0 – 17,5 triệu tấn; Các đơn vị Liên doanh: 13,0 - 13,5 triệu tấn; XM lò đứng, trạm nghiền và đia phương: 14,0 - 14,5 triệu tấn. Mức này đúng với dự báo cung cầu xi măng của Bộ Xây dựng đưa ra hồi cuối tháng 12/2008.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng xi măng trong quý IV đã tăng khá so với quý I, II, III, đặc biệt, từ 1/10/2009, giá bán than cho sản xuất xi măng đã tăng 25-30% so với giá bán trước đó, khiến cho giá thành sản xuất xi măng theo tính toán tăng từ 4,2% - 5%, tuỳ từng nhà máy, nhưng thị trường xi măng tại thời điểm này khá ổn định cả về nguồn cung lẫn giá bán.
Trong tháng 11, tại các địa phương trong cả nước giá xi măng PCB 30 và PCB 40 bình quân khoảng 880.000- 1.000.000 đồng/tấn, tại miền Nam bình quân từ 1,050 – 1,150 triệu đồng/tấn.
Đặc biệt, trong gần 11 tháng qua, tại nhiều thời điểm sức tiêu thụ xi măng tăng cao ở khu vực phía Nam, nơi tiêu thụ khoảng 40% nhu cầu xi măng cả nước, nhưng thị trường hoàn toàn không xảy ra đợt sốt giá hoặc khan hiếm hàng như hồi giữa năm 2008. Sở dĩ năm 2009 không còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu xi măng tại khu vực phía Nam là do Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo các đơn vị như Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, các liên doanh và nhà máy lớn có kế hoạch vận chuyển clinker và xi măng từ phía Bắc vào kịp thời.
Các đơn vị tham gia vào quá trình vận chuyển xi măng từ miền Bắc vào thị trường phía Nam là Xi măng Nghi Sơn, vận chuyển gần 1,8 triệu tấn, Cẩm Phả 1,3 triệu tấn clinker cho trạm nghiền tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thăng Long 1 triệu tấn clinker cho trạm nghiền khu vực phía Nam hoạt động, xi măng Công Thanh vận chuyển 0,7 triệu tấn clinker cho trạm nghiền tại Đồng Nai…
Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Vicem cho biết, năm 2009, dù gặp không ít khó khăn trong sản xuất, giá các vật tư đầu vào như than, vật tư, phụ tùng thay thế đều tăng nhưng các doanh nghiệp thuộc Vicem đều nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường, và cố gắng bình ổn giá, tiết kiệm mức tiêu hao nhiên liệu ở mức cao nhất để thị trường không biến động. Điển hình là xi măng Tam Điệp đã sử dụng than cám 4a thay cho than cám 3a để giảm bớt chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ngoài ra, Vicem cũng chỉ đạo một số dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa nhà máy vào hoạt động đúng tiến độ, trong đó, dự án nhà máy xi măng Bỉm Sơn mới với công suất 2 triệu tấn xi măng/năm sẽ được chạy lò vào tháng 1/2010, tăng khả năng đáp ứng nguồn cung xi măng cho thị trường.
Năm 2009 được xem là năm đầu tiên mà ngành xi măng trong nước sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy theo báo cáo đến thời điểm này vào khoảng gần 60 triệu tấn, và khả năng sản xuất thực tế khoảng 45-46 triệu tấn.
Dự kiến, từ năm 2010 trở đi, một số dự án mới đang xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thành thì nguồn cung ứng xi măng trong nước còn lớn hơn từ 5-7 triệu tấn so với 2009.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: