“Năm 2010, một số sản phẩm thép theo lộ trình WTO không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu , tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn”.
Nhận định đầy lo lắng trên là của chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường khi những “tấm dù bảo hộ” sắp hết hiệu lực bung ra cứu nguy cho ngành thép mỗi khi không cạnh tranh nổi với bên ngoài.
1 năm 3-4 lần đòi bảo hộ
Sự lo xa của ông Cường có cơ sở thực tế từ chính nội tại phát triển chưa “thoát hơi dựa dẫm” của các doanh nghiệp thép trong nước. Mỗi khi bị cạnh tranh bởi thép ngoại, các doanh nghiệp trong nước lại kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công Thương đòi bảo hộ.
Sang 2010, nhiều loại thép không còn được hưởng ưu đãi, bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn -Ảnh VNN |
Chỉ tính riêng năm 2009, điệp khúc “xin Chính phủ bảo vệ” đã vang lên không dưới vài lần. Chính ông Cường cũng phải thừa nhận “ngành thép được Chính phủ và các bộ ngành áp dụng một số giải pháp điều chỉnh chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Cụ thế, hồi đầu năm, các doanh nghiệp thép thua lỗ nặng nề do sai lầm trong việc mua dự trữ nguyên vật liệu với giá cao gấp 3 lần so với giá năm 2009. Kết quả là giá thép tụt giá thảm hại, xuống dưới cả giá thành. Thép xây dựng từ 20 triệu đồng/tấn xuống còn 7-9 triệu.
Giữa lúc đó, đáp ứng sự kêu cứu của các doanh nghiệp thép, Chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%, tăng thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm từ 12% lên 15%, thép cán nguội từ 7% lên 8%, thép mạ kẽm và sơn phủ từ 12 lên 13%... Tăng cao nhất là thép cuộn chứa hợp kim Bo dùng làm thép xây dựng tăng từ 0% lên 10%...
Nhờ sự bao bọc kịp thời của Chính phủ, cộng thêm các chính sách thuận lợi khác như ưu tiên cung cấp USD để nhập phôi thép, thép phế, cho vay lãi suất ưu đãi các công trình đầu tư trong ngành thép và đặc biệt triển khai nhiều dự sán xây dựng tạo cầu cho ngành thép, các doanh nghiệp thép nội từ chỗ đứng bên bờ vực phá sản đã lấy lại đà tăng trưởng.
Nhiều công ty đã có lãi trở lại như thép Hòa Phát, Téhp Việt, SSE, Việt Úc, Nasteelvina, Tôn Hoa Sen, Phương Nam…. Theo thống kê của Hiệp hội thép, năm 2009, thép xây dựng đã tăng trưởng tiêu thụ trên 40% - một con số tăng trưởng kỷ lục.
Thuận lợi như vậy, nhưng mới đây, các doanh nghiệp thép nội địa lại một “vác đơn” cầu cứu Chính phủ khi cạnh tranh không lại với thép từ Trung Quốc, Nga và ASEAN. Trao đổi với VietNamNet chiều 14/12, ông Phạm Chí Cường cho biết, nếu không tìm được các bằng chứng thép ngoại bán phá giá hay chất lượng kém, Hiệp hội sẽ vẫn kiện với lý do, thép ngoại đe dọa sản xuất trong nước.
Thực tế, mỗi lần đối diện với cạnh tranh, thép ngoại thay vì giảm giá giành vị thế sân nhà thường xin bảo hộ bằng thuế hoặc các biện pháp phi thuế khác với lý lẽ bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Cường, kể từ năm năm 2010, lượng thép nhập khẩu sẽ rộng cửa vào Việt Nam hơn do được giảm thuế theo lộ trình cam kết WTO (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Do vậy, ngành thép đang ngay ngáy lo không còn thời hạn được bảo hộ để trông vào.
Nguồn cung gấp 3 lần sức mua
Giá thép sẽ vẫn tăng dù cung dư thừa và bị thép ngoại đe dọa - Ảnh VNN |
Ngoài việc bị cạnh tranh quyết liệt bởi “thù ngoài”, chính nội bộ ngành thép cũng tự làm tăng tính khốc liệt trong việc cạnh tranh với nhau. Đây là điều đã “hai năm rõ mười” từ khoảng 2 năm trở lại đây khi chính sách phân cấp đầu tư “bung” về địa phương.
Cung thừa, giá thép vẫn tăng Tuy nhiên, bất chấp nguồn cung thừa ế gấp 3 nhu cầu, cộng thêm sức ép cạnh tranh khốc liệt từ thép ngoại, Hiệp hội thép VN vẫn dự báo giá thép sang năm khó có thể giảm. Theo ông Cường, thực tế, năm qua, ngành thép đã tiếp tục duy trì sự tăng trưởng nhờ tác động của các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ. Đây là điều khó có được ở năm 2010 khi những gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ của năm 2009 không thể kéo dài mãi. Chưa kể, cơ hội mua được nguyên liệu đầu vào rẻ như quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế …cũng không còn nữa vì ngành thép thế giới đã “vượt đáy” giá thấp nhất. |
“Năm 2010 sẽ có một số dự án mới về thép đi vào sản xuất chính thức càng làm cho sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường cách xa thêm, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp ở thị trường trong nước, nhất là đối với sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại”, ông Cường e ngại cho biết.
Theo tính toán của Hiệp hội, chỉ đến sang năm thôi, khi các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen, nhà máy Thống Nhất hay của liên doanh Tata Steel và Tổng công ty thép Việt Nam đi vào sản xuất thì nguồn cung sẽ gấp 3 lần sức tiêu thụ của thị trường nội địa.
Ví dụ mặt hàng cuộn cán nguội, sức tiêu thụ của thị trường năm 2010 dự tính vẫn ở mức hơn 1 triệu tấn/năm nhưng công suất các nhà máy hiện có đã là gần 2 triệu tấn.
Thép vuông cho các nhà máy cản sản xuất thép xây dựng cũng sẽ vượt 60% , trong khi dự báo tiêu thụ thép trong nước chỉ tăng khoảng 10 - 12%.
Thực ra, việc nguồn cung vượt gấp nhiều lần sức cầu đã được Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép lên tiếng từ hồi đầu năm, thậm chí không ít đoàn thanh tra, kiểm soát đã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan từ quý 4 năm nay.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc kiểm soát này theo Hiệp hội thép là “chưa có mấy tác dụng” khi nhiều địa phương vẫn cố tình cấp phép theo nhu cầu ngắn hạn, bỏ ngoài tai cảnh báo nhãn tiền. Cụ thể, ngay năm 2009, năng lực tiêu thụ của thị trường chỉ ở mức xấp xỉ 4 triệu tấn kể lượng thép nhập khẩu cạnh tranh. Theo ông Cường, chắc chắn những nhà máy thép nhỏ, công nghệ thấp do địa phương cấp tràn lan sẽ bị loại khỏi thị trường đầu tiên vì không đủ năng lực cạnh tranh.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: