Top

Peugeot gượng dậy

Cập nhật 03/12/2013 11:11

Nhà máy PSA Peugeot Citroën sẽ chính thức đóng cửa vào năm 2014. Tin đáng buồn hay vui?


Ngày 25/10/2013 là ngày kết thúc một triều đại ở Aulnay-sous-Bois, thuộc tỉnh Seine-Saint-Denis (Pháp). Các công nhân yên lặng đứng nhìn chiếc xe cuối cùng – chiếc Citroën C3 – rời khỏi dây chuyền lắp ráp.

Kết thúc một triều đại

Nhà máy 40 năm tuổi này của PSA Peugeot Citroën – vốn từng được xem là thành quả kỳ diệu của tiến trình hiện đại hóa công nghiệp khi nó được khai trương – sẽ đóng cửa trong nửa đầu năm 2014. Hẳn nhiên đó là nỗi buồn cho những ai làm việc ở nhà máy này, nhưng đó lại là tin tốt lành cho các hãng xe châu Âu đang chật vật đối phó với tình trạng thừa cung. Tương lai của Peugeot là một bức tranh u ám. Hãng xe Pháp này đã báo cáo mức lỗ 5 tỉ euro (6,4 tỉ USD) trong năm 2012. Tập đoàn sẽ không có lãi trong năm 2013 và cũng chưa biết khi nào mới có lãi trở lại.

Có 3 lý do chính dẫn đến tình cảnh đáng buồn này của Peugeot. Thứ nhất, thị trường của Peugeot chủ yếu tập trung ở châu Âu. Vì thế, khi sức mua tại Pháp, Tây Ban Nha và Ý – vốn là các thị trường chính của Peugeot – lao dốc thì hãng xe này cũng lâm nguy. Thị phần của Peugeot trên thị trường cũng giảm mạnh theo (xem biểu đồ). Thứ hai, hãng xe này sản xuất ra nhiều dòng xe nhỏ, không mấy cao cấp mà phân khúc này lại “dễ bị tổn thương” trong thời kỳ suy thoái. Và thứ ba, họ thiếu lợi thế về quy mô. Lượng xe Peugeot sản xuất ra chỉ bằng 1/3 lượng xe so với Volkswagen (VW). Năm 2012, Peugeot sản xuất ra 1,2 triệu chiếc, so với 3,5 triệu chiếc của VW, (theo tổ chức nghiên cứu thị trường IHS Automotive).

Lượng ô tô bán ra: triệu chiếc

Kế hoạch vực dậy

Những vấn đề kể trên khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tại Pháp, vào tháng 7/2012, khi Peugeot tuyên bố sắp tới sẽ đóng cửa nhà máy Aulnay, đồng thời công bố một kế hoạch lớn nhằm vực dậy hãng xe bằng cách cắt giảm 8.000 việc làm và tiết giảm 1,5 tỉ euro chi phí thì mọi chuyện đã trở nên khó kiểm soát. Peugeot bị hạ bậc tín nhiệm nợ. Còn chi nhánh tín dụng Banque PSA của hãng đã cần đến khoản bảo lãnh 7 tỉ euro của chính quyền bang thì mới được đảm bảo cấp vốn, cho phép hãng cạnh tranh với các đối thủ. Trong khi đó, các công nhân tại nhà máy Aulnay đã đình công từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay…

Tuy nhiên, Peugeot đã đạt được những tiến triển bất ngờ. Hãng xe đã ký được một thỏa thuận với lực lượng lao động Pháp vào ngày 24/10/2013. Để bù đắp cho chính sách hạn chế tiền lương và giờ giấc làm việc linh hoạt hơn, Peugeot cho biết, sẽ nhắm đến mục tiêu sản xuất ra khoảng 1 triệu chiếc xe mỗi năm tại Pháp vào năm 2016 (con số này cao hơn mức 930.000 xe hiện nay, dù vẫn ít hơn so với mức đỉnh trước đây là 1,8 triệu chiếc).

Không phải ai cũng vui vẻ! Philippe Julien, quan chức của một trong hai công đoàn từ chối ký thỏa thuận nói trên và cho rằng, Peugoet sẽ đóng cửa một nhà máy khác sau năm 2016 và trước đó sẽ dừng 1-2 dây chuyền sản xuất. Nhưng theo Rabih Freiha, chuyên gia phân tích tại Exane BNP Paribas, thỏa thuận này là một bước tiến lớn và một mối quan hệ hòa nhã, tích cực hơn giữa Peugeot, công nhân và chính phủ; có thể giúp tiết giảm chi phí trong tương lai.


Những chiến lược khác của Peugeot cũng đang bắt đầu có kết quả. Hãng xe này đã đẩy mạnh phát triển những sản phẩm mới và đang bắt đầu tiến lên phân khúc cao cấp. Tình hình tài chính cũng đang được cải thiện và với các nguồn lực sẵn có (trong đó công ty được cấp hạn mức tín dụng hơn 11 tỉ euro), Peugoet có thể nói hiện đã “an toàn”. Tuy nhiên, trong dài hạn hãng xe này sẽ cần thêm tiền để đầu tư vào các công nghệ và thị trường mới.
Có thể quay lại cuộc chơi?

Tháng 2/2012, Peugeot và hãng xe Mỹ GM đã thống nhất thiết lập một liên minh toàn cầu mới, nhằm tiết giảm 2 tỉ USD chi phí mỗi năm. Cả hai cùng chia sẻ khung gầm xe, các linh kiện, phụ tùng cũng như lợi thế quy mô trong hoạt động mua sắm chung các phụ tùng, hàng hóa và dịch vụ khác. Thế nhưng, vào ngày 23/10/2013, Peugeot cho biết họ đang xem xét lại kế hoạch tham vọng nhất của mình: phát triển một khung gầm xe chung cho dòng xe cỡ nhỏ với mức độ thải khí CO2 thấp.

Khi mối quan hệ với GM đang nguội đi thì Peugeot dường như dành sự quan tâm đối với thị trường châu Á và đặc biệt là các liên doanh với 2 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc: Dongfeng và Chang’an. Liên doanh với đối tác Dongfeng đang cho xuất xưởng hơn 400.000 xe mỗi năm và lượng xe Peugeot bán ra tại Trung Quốc tăng nhanh hơn so với thị trường nói chung. Còn liên doanh với Chang’an thì đang sản xuất dòng xe Citroën DS sang trọng hơn, tại một nhà máy mới khai trương vào tháng 9. Tổng lượng xe bán ra dự kiến sẽ đạt trên 900.000 chiếc trong vài năm tới và có thể sẽ cao hơn mức này nếu Dongfeng sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn trong liên doanh. Dongfeng đang xem đề nghị mua lại 30% cổ phần trong Peugeot (ước tính với giá 1,2 tỉ euro theo giá cổ phiếu hiện hành). Chính phủ Pháp có thể cũng sẽ tham gia rót vốn vào Peugeot.


Tình hình của Peugeot có thể nói là có nhiều hứa hẹn hơn trước. Tuy nhiên, theo Pete Kelly, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu và dự báo LMC Automotive, nếu Peugeot thay đổi được vận mệnh, thì đó là nhờ vào thị trường ôtô châu Âu đang dần phục hồi và nhu cầu bùng nổ tại thị trường Trung Quốc, hơn là nhờ vào thị phần tăng mạnh. Bởi lẽ, hầu hết tất cả các hãng xe đều đang nỗ lực cắt giảm chi phí, tái định vị sản phẩm của mình và đều nhắm đến các thị trường châu Á, đồng nghĩa với sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Dẫu sao, ít nhất, sức khỏe của Peugeot đã dần ổn định và hãng đã có thể quay lại cuộc chơi.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Online