Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại là thói quen dễ dàng từ bỏ mơ ước khi gặp phải những thất bại tạm thời. Trong cuộc đời mình, mỗi người chúng ta ai cũng đã từng phạm phải sai lầm này, không lúc này thì cũng lúc khác.
Bất kỳ ai trước khi đi đến thành công đều gặp phải rất nhiều khó khăn thử thách và có thể cả thất bại. Khi gặp khó khăn trở ngại, cách dễ dàng nhất và có vẻ như hợp lý nhất là bỏ cuộc. Đó cũng chính là cách mà đa số chúng ta vẫn thường làm. Thế nhưng, câu chuyện “Cách vàng một thước” trong “Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill” sẽ chứng minh một điều khác.
Cuốn sách dẫn chứng một nhân vật có tên là R.U. Darby. Vào thời điểm mà người ta đổ xô đi đào vàng, ông chú của R.U. Darby cũng bị cuốn theo "cơn sốt vàng" đó và đã đi về hướng tây đến Colorado để đào vàng với hy vọng trở nên giàu có.
Sau nhiều tuần lao động vất vả, ông chú của Darby phát hiện ra một mỏ quặng sáng lấp lánh. Ông cần có thiết bị để đưa quặng lên khỏi mặt đất nên đã âm thầm lấp mỏ và trở về nhà ở Williamsburg, Maryland . Ông kể với người thân và một vài người láng giềng rằng mình đã dò trúng mạch. Họ gom góp tiền để mua máy móc và chở đến đó. Darby cũng quyết định tham gia và cùng với chú mình quay trở lại mỏ.
Chuyến xe đầu tiên chở quặng vừa khai thác được chuyển tới một xưởng nấu kim loại. Kết quả cho thấy họ đã tìm được một trong những hầm mỏ có hàm lượng vàng cao nhất Colorado . Chỉ cần vài chuyến xe chở quặng như thế này nữa là họ sẽ đủ khả năng trang trải hết nợ nần và sau đó tha hồ mà làm giàu.
Càng đào xuống sâu thì hy vọng của Darby và ông chú càng lên cao. Thế nhưng ánh sáng hy vọng dường như đã tắt ngấm. Các mạch vàng bỗng dưng biến mất! Giấc mộng của họ tan vỡ trong phút chốc khi suy nghĩ mỏ vàng mà họ đang tìm kiếm bỗng nhiên không còn ở đó nữa. Họ cố gắng đào tiếp một đoạn nữa nhằm tìm lại dấu vết của mạch vàng nhưng dường như mọi cố gắng đều trở nên vô ích.
Cuối cùng họ quyết định bỏ cuộc.Họ bán hết máy móc cho một người mua phế liệu để lấy vài trăm đô-la, rồi lên tàu lửa trở về nhà. Người mua phế liệu mời một kỹ sư mỏ đến xem xét đánh giá lại và làm một vài tính toán nhỏ. Người kỹ sư nói rằng sở dĩ việc khai thác thất bại vì chủ hầm cũ không biết nhận ra những tuyến đứt gãy địa chất. Tính toán của ông ta cho thấy mạch chính chỉ cách nơi chú cháu Darby đã ngừng đào có gần một thước. Và đó mới chính là túi chứa vàng.
Người thu mua phế liệu kiếm được hàng triệu đô-la từ hầm mỏ đó bởi ông ấy biết tìm chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trước khi bỏ cuộc.
Để hụt mất một kho báu chỉ vì từ bỏ khi còn cách vàng một thước đã trở thành một bài học khó quên với Darby. Nhưng anh đã ứng dụng bài học bổ ích đó để thành công trong lĩnh vực tư vấn bảo hiểm của mình. Anh luôn tự nhủ: "Mình đã từng bỏ cuộc khi chỉ còn cách kho báu gần một thước, nhưng mình sẽ không bao giờ dừng lại nếu khách hàng nói "không" khi mình mời họ mua bảo hiểm".
Darby trở thành một trong số rất ít người có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ trên một triệu đô-la một năm. Giờ đây, anh đã có được “sự bền gan vững dạ" nhờ bài học từ việc “bỏ cuộc giữa chừng” trước đó.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: