Top

Boeing và giấc mơ chinh phục bầu trời

Cập nhật 07/03/2014 15:22

Boeing là cái tên không thể thiếu trong lĩnh vực hàng không. Chỉ vài năm sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên ở Kitty Hawk, William Boeing đã tham gia cuộc trình diễn máy bay Mỹ lần đầu tiên ở Los Angeles.

Ngay lập tức William Boeing nhận thấy tiềm năng kinh doanh đã phát minh mở ra một ngành công nghiệp mới mẻ và đầy hứa hẹn này. Ông lái một chiếc máy bay hai tầng cánh, học những bài bay đầu tiên từ một nhà vận động về hàng không thời kỳ đầu, và đi tiên phong trong việc thiết kế ra chiếc thuỷ phi cơ. Khi ông mua lại một xưởng đóng tàu cũ ở Seattle nhằm mở một xưởng sản xuất máy bay vào năm 1916, ông mới chính thức bước vào kinh doanh trong lĩnh vực này.

Trong vòng 8 thập kỷ rưỡi tiếp theo, Công ty Boeing của ông đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm và kết liễu số phận của không ít đối thủ cạnh tranh lợi hại. Họ làm được điều này bằng cách tận dụng mọi cơ hội - từ chuyến bay đưa thư đầu tiên của nước Mỹ, những hợp đồng quân sự khổng lồ, sự thống trị của hàng không thương mại cho đến một vai trò quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian. Từ lâu họ đã là nhà sản xuất hàng đầu của các loại máy bay phản lực thương mại và với nhiều thành tựu khác, họ đã trở thành công ty hàng không lớn nhất thế giới.


Thời kỳ khủng hoảng đã phá hủy hàng loạt công ty hàng không, nhưng Boeing đã “chiến đấu” ngoan cường và hiệu quả với sự sáng tạo mạnh mẽ để tồn tại. Chẳng hạn, họ thành lập United Airlines và thuê nữ tiếp viên hàng không đầu tiên, đồng thời hình thành đường bay toàn cầu đến 145 quốc gia khác nhau. Họ đã cho ra mắt rất nhiều sản phẩm cải tiến của ngành hàng không như máy bay ném bom B-52, máy bay chở khách 737 (chiếc máy bay bán chạy nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới), vệ tinh nhân tạo, bệ phóng Saturn V (bệ phóng của tàu con thoi Apollo trong các chuyến du hành của con tàu này đến mặt trăng).

Nhưng không có thử thách nào trong số những thử thách kể trên có thể sánh được với những khó khăn mà họ đang gặp phải ngày nay. Sự thật là, khi sắp bước sang thế kỷ 21, một đối thủ truyền kiếp đến từ châu Âu đã cho ra mắt một chiếc máy bay thương mại khổng lồ và lập tức thu hút rất nhiều sự chú ý cũng như đạt được doanh số rất cao - so với những lựa chọn hiện thời của hãng Boeing. Các tạp chí thương mại và những ấn phẩm địa phương của Seattle đều cho rằng nếu không thật sự nỗ lực hết mình, Boeing sẽ rơi xuống vị trí thứ hai trong ngành. Không lấy gì làm ngạc nhiên là Boeing đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả.

Khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên lịch sử của mình vào năm 1903, một chàng thanh niên gốc Detroit tên là William Boeing rời trường Cơ khí Yale để gây dựng sự nghiệp ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngành công nghiệp sản xuất gỗ đang là cơn sốt tại thời điểm đó và chàng trai 22 tuổi này nhanh chóng làm giàu từ những cánh rừng tươi tốt bên ngoài khu vực Grays Harbor, Washington. Sau khi chuyển đến Seattle, anh nghe nói đến một cuộc biểu diễn máy bay ở Los Angeles. Boeing đã tham gia và ngay lập tức say mê đắm đuối với những gì ông nhìn thấy. Trên đường quay về Seattle, Boeing đã thu hút được một kỹ sư hải quân tên tên là George Conrad Westervelt bằng một cuộc trò chuyện bất tận về tương lai của những chuyến bay.

Westervelt vừa học xong các khoá nghiên cứu về hàng không ở MIT và đã đồng cảm với sự phấn khích đến điên dại của Boeing về tương lai con người đi lại bằng máy bay. Cả hai đã bay trên một chiếc máy bay hai tầng cánh đời đầu - loại máy bay đòi hỏi cả phi công lẫn hành khách phải ngồi ở một bên cánh - và suy nghĩ về mức độ thay đổi mẫu thiết kế này tại câu lạc bộ của trường đại học Seattle. Trước khi Boeing đến California vào tháng 8/1915 để học lái máy bay, ông đã yêu cầu bạn mình thiết kế một chiếc máy bay vận hành hiệu quả hơn. Việc xây dựng chiếc thuỷ phi cơ có phao đôi, mang nhãn hiệu B&W, viết tắt tên của hai người, được bắt đầu không lâu sau khi Boeing quay về.

Boeing đã xây dựng một ngôi nhà kết hợp giữa nhà chứa máy bay và nhà thuyền bên cạnh Hồ UNION. Trong suốt nửa đầu năm 1916, ông bắt tay vào chế tạo hai chiếc thuỷ phi cơ B&W. Nhiệm vụ ở hải quân khiến Westervelt phải chuyển đến vùng phía Tây trước khi họ hoàn thành công việc, vì thế nên Boeing phải làm việc một mình. Vào ngày 15/6/1916, ông đã tự mình cất cánh chiếc máy bay có biệt danh Bluebill lần đầu tiên thay cho viên phi công được lên lịch bay nhưng không đến đúng giờ. Đúng một tháng sau, ông thành lập công ty cổ phần Pacific Aero Products Co. và nắm giữ 998 trong số 1.000 cổ phiếu và di dời nhà xưởng đến bãi đóng tàu trước đó của Health, bên bờ con sông Duwamish. Một năm sau, ông đổi tên công ty thành Boeing Airplane Co.

Phát cuồng vì lạc quan về công việc kinh doanh mới của mình, Boeing đã thuê 28 nhân công làm phi công, thợ mộc, thợ may và những công nhân thực hiện các quy trình sản xuất riêng biệt khác. Công ty B&W không bán loại sản phẩm này, nhưng chiến tranh thế giới lần I sắp xảy ra và lần đầu tiên nước Mỹ cần những chiếc máy bay chiến đấu. Boeing biết rằng hải quân Mỹ sẽ cần những chiếc máy bay để tập trận và tin rằng chiếc may bay dòng C của mình sẽ đáp ứng được nhu cầu đó. Các viên chức của ngành hải quân đồng ý tham gia vào một chuyến bay thử đến Florida, và đặt hàng 50 chiếc. Boeing đã tăng số nhân công lên 337 người để sản xuất và lắp ráp, nhưng - trong một khuôn khổ trở nên thông dụng một cách khó chịu trong những năm trước mắt - đơn đặt hàng giảm xuống chỉ còn một nửa khi chiến tranh sắp kết thúc. Để tiếp tục kinh doanh có lãi, ông yêu cầu công nhân chuyển sang cung cấp đồ đạc trong nhà cho những cửa hàng địa phương cũng như một loại thuyền đáy bằng có tên gọi là "Thuyền trượt trên biển".

Dù vậy, đam mê của Boeing đối với máy bay vẫn chưa chấm dứt. Vào năm 1919, ông và một phi công đã chở 60 bức thư từ Vancouver đến Seattle, thực hiện chuyến chở thư bằng đường hàng không đầu tiên tại Mỹ. Ông cho lắp ráp rất nhiều máy bay thương mại mới trong vài năm kế tiếp, bao gồm cả chiếc máy bay đầu tiên có thể bay qua dãy núi Ranier. Bộ Quốc phòng cũng đưa ra vài đơn đặt hàng có giá trị đối với các máy bay hai tầng cánh dùng trong chiến đấu, nhưng Boeing hiểu rằng ông phải có một kế hoạch chặt chẽ trong việc sản xuất và bán một số lượng sản phẩm nhất định các dòng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của số đông khách hàng, nếu muốn công ty phát triển. Để thực hiện điều này ông mua lại công ty máy bay Stearman ở Kansas, và mở chi nhánh công ty Boeing ở Canada, mở trường hàng không Boeing ở California. Vào năm 1927 - cùng năm Charles Lindberg một mình thực hiện chuyến bay non-stop vượt Đại Tây Dương từ New York đi Paris – Boeing đã ký hợp đồng với Bộ Bưu chính Mỹ nhằm thực hiện những chuyến bay đưa thư vốn được thèm muốn từ lâu giữa hai thành phố Chicago (Đông Bắc) và San Francisco (Tây Nam) của nước Mỹ rộng lớn.

Boeing 787 "Dreamliner" là máy bay dân dụng lớn nhất do Boeing sản xuất,  cạnh tranh trực tiếp với A380 của AirBus

Cuối cùng, Boeing đã có thể sử dụng một cách hiệu quả những chiếc máy bay của mình trong khi quảng bá chúng đến với nhiều người. Để mở một chuyến bay có thể thực sự chuyên chở hành khách cùng với những lá thư, ông đã thành lập Bộ phận vận chuyển đường không Boeing, tiền thân của Hãng United Airlines. Chấp hành nghiêm chỉnh Luật cấm bán và nấu rượu ở Mỹ vào thời điểm đó, vợ ông Bertha đã khánh thành chuyến bay đầu tiên bằng soda vị cam. Trong năm tiếp theo, gần nửa tấn thư và bưu phẩm tốc hành, cùng gần 1.900 hành khách, đã được chuyên chở trên đường bay dài 22 tiếng rưỡi đồng hồ này. Điều này đã giúp khởi đầu cho ý tưởng du lịch bằng đường hàng không và thúc đẩy một nhu cầu - cùng với những sản phẩm phục vụ quân sự và sau đó là các sản phẩm liên quan đến vũ trụ - sẽ giúp Boeing đứng ở vị trí dẫn đầu trong ngành hàng không trong nhiều thập kỷ sau đó.

Nhiều thay đổi diễn ra trong những năm tiếp theo. Boeing lắp ráp máy bay và phụ tùng, bao gồm cả động cơ và cánh quạt. Họ vận chuyển thư tín, bảo dưỡng các sân bay. Họ vận hành các chuyến bay. Khi loại máy bay một tầng cánh thay thế máy bay hai tầng cánh, Boeing là công ty đầu tiên sử dụng loại máy bay này. Chiếc Yankee Clipper của ông đã mở đầu dịch vụ đưa thư bằng đường không xuyên Đại Tây Dương. Chiếc Stratoliner xa xỉ của ông được làm lại thành một chiếc máy bay quân sự kiểu C-75 sau trận chiến Trân Châu Cảng. Chiếc tiếp theo là B-29, chiếc máy bay đã thả những quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Cam kết lâu dài của Boeing là dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực đang hoạt động

Việc hủy bỏ đơn đặt hàng của chính phủ sau chiến tranh đã dẫn đến những sự cắt giảm sản xuất khổng lồ, nhưng vào thời điểm này các đơn đặt hàng cho máy bay dân dụng đường dài đã đến với Boeing và công ty vẫn phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của máy bay phản lực và đòi hỏi không ngừng từ Bộ Quốc phòng Mỹ thường khiến công ty phải làm việc hết tốc lực. Năm 1956, khi William Boeing qua đời, những chiếc máy bay của ông đã có thể bay vòng quanh thế giới. Và, lần đầu tiên trong lịch sử, đường hàng không đã chuyên chở nhiều hành khách non-commuting hơn xe lửa.

Thập niên 60 của thếkỷ XX đã đưa nước Mỹ và cả Boeing sang một giai đoạn khác. Tổng thống Kennedy tuyên bố sẽ đưa con người lên mặt trăng và Boeing cho chính phủ mượn 2.000 nhân viên để biến điều đó thành sự thực. Tàu thám hiểm mặt trăng Lunar Orbiter đã thám thính được những khu vực có thể hạ cánh và chiếc xe tự hành trên mặt trăng Lunar Roving Vehicle đã khám phá bề mặt mặt trăng. Bệ phóng một tầng Saturn V của Boeing đã phóng tàu con thoi Apollo đầu tiên của Mỹ vào không gian.

Những chiếc Boeing 707 từ lâu đã là phương tiện chuyên chở dành riêng cho các quan chức cấp cao của chính phủ. Vào năm 1962, hai chiếc 707 đã được tu sửa lại dành cho tổng thống sử dụng và chính thức được mang tên gọi là Air Force One. Hai chiếc này được các tổng thống Mỹ sử dụng cho đến năm 1990, khi chúng được thay thế bằng hai chiếc Boeing 747 mới.

Trong khi Boeing không ngừng sản xuất ra nhiều kiểu máy bay hiện đại hơn, như chiếc máy bay phản lực chở khách khổng lồ có sức chứa 490 hành khách B-747, lực lượng lao động của họ cũng tăng giảm thất thường. Gần 50.000 nhân công bị mất việc vào năm 1970 khi Hoa Kỳ bất ngờ chấm dứt chương trình vận chuyển bằng máy bay siêu âm. Boeing đáp lại bằng cách đa dạng hoá sản phẩm một lần nữa. Lần này họ thành lập một công ty dịch vụ máy tính, một dự án tưới tiêu ở miền Đông Oregon và một dự án khử muối ở quần đảo Virgin. Họ cũng xây dựng ba tua bin gió khổng lồ dọc khu vực sông Columbia, xây dựng bộ phận gây nhiễu giọng nói cho cảnh sát, và sản xuất xe cáp treo cho một số thành phố. Rõ ràng, càng nhiều thay đổi thì Boeing càng giữ được vị trí số 1 của mình.
 

Chiếc chuyên cơ Air Force One dành cho Tổng thống Mỹ

Nhưng Boeing vẫn tập trung vào kinh doanh sản xuất các máy bay thương mại, quân sự và các thiết bị liên quan đến hàng không vũ trụ khác. Các nhà lãnh đạo của họ đã lặp lại lời cam kết lâu dài của công ty là dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực đang hoạt động, mua lại những đối thủ cạnh tranh hàng đầu như Rockwell International vào năm 1996, McDonnell Douglas vào năm 1997, và công ty giao tiếp qua vệ tinh Hughes Electronics vào đầu năm 2000. Dù vậy, một cuộc đình công kéo dài 40 ngày của các kỹ sư và kỹ thuật viên vài tháng sau đó đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc sản xuất các máy bay quân sự và thương mại và gây thiệt hại 5,3 tỷ đôla.

Chỉ vài tuần sau cuộc đình công, Boeing đã ứng dụng kỹ thuật mới để hành khách có thể truy cập Internet và đọc thư điện tử từ chiếc máy tính xách tay của họ trên các chuyến bay. Nhưng, không lâu sau họ lại rúng động thêm một lần nữa trước bản tin nói rằng đối thủ truyền kiếp của họ là Airbus của châu Âu đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua họ về số lượng đơn đặt hàng sản xuất máy bay mới. Xa hơn, chiếc máy bay phản lực khổng lồ A-380 của Airbus đã thu hút được sự chú ý của nhiều người và thu hút luôn cả những hợp đồng béo bở từng thuộc về những chiếc máy bay xuyên Đại Tây Dương lớn nhất của Boeing.

Đúng với phong cách tiêu biểu của mình, Boeing nhanh chóng đáp trả bằng dự án máy bay 747x mở rộng. Nhưng vấn đề không phải là sự ấp ủ về một chiếc B747-Stretch chưa ra đời, mà điều quan trọng là Boeing đã vượt qua nhiều cuộc chuyển mình còn khó khăn hơn nhiều kể từ khi người sáng lập của nó cho ra đời ngành kinh doanh hàng không thương mại.

Trích cuốn sách "50 công ty làm thay đổi thế giới" do Công ty First News ấn hành

DiaOcOnline.vn - Theo Bản sắc Thương hiệu